Bí mật về "quan kỳ đại lược" của Khổng Minh Gia Cát Lượng

Thứ sáu, ngày 09/11/2018 10:33 AM (GMT+7)
Là quân sự hàng đầu của Lưu Bị, Gia Cát Lượng là người có tầm nhìn chiến lược, giỏi hoạch định và thực hiện chiến lược, nên phù hợp làm quan ở cấp chiến lược.
Bình luận 0

Gia Cát Lượng tinh thông đạo đọc sách, không chỉ ham học, mà còn giỏi học vì vậy đã trở thành người "túc trí đa mưu" (nhiều mưu trí).

img

Nhân vật Gia Cát Lượng trong phim Trung Quốc. Ảnh: Sina.

"Ngụy lược" có ghi chép, Khổng Minh ở Kinh Châu, cùng với Thạch Quảng Nguyên, Từ Nguyên Trực, Mạnh Công Uy đều du học (học trên hành trình), trong đó ba người sau đều "đọc chuyên sâu” (đọc sâu, đọc kỹ), còn Gia Cát Lượng chỉ "quan kỳ đại lược". Cách đọc sách, học tập của Gia Cát Lượng rất có ích trong thời đại ngày nay.

Lý Bạch từng cho rằng "Khi mỗi lần mở sách ra, Khổng Minh đều xem đại ý", cho thấy có sự hiểu nhầm từ lâu về "quan kỳ đại lược" của Gia Cát Lượng. Vì vậy, tìm kiếm ý thật, quay về với nguồn gốc là điều rất cần thiết.

Để hiểu được ý nghĩa ban đầu của "quan kỳ đại lược" thì phải nắm bắt đúng đắn hàm nghĩa của "đại lược". Trước tiên, điều có thể làm rõ là, "đại lược" không phải là ý nghĩa sơ lược. Bởi vì, đại lược là "đối tượng" được xem xét, chứ không phải là "trạng thái" khi xem. Vì vậy, "quan kỳ đại lược" hoàn toàn không phải là tìm hiểu sơ qua.

Thứ hai, đại lược cũng không có nghĩa là đại ý hoặc đại khái, mà là phương lược lớn trong đó. Chính vì giỏi rút ra và nghiên cứu phương lược lớn thì mới có thể trở thành một nhà chính trị lớn và nhà chiến lược lớn như Gia Cát Lượng.

Ý gốc của "quan kỳ đại lược" là tìm kiếm, quan sát và nghiên cứu mưu lược sâu xa trong đó (trong sách hoặc trong thực tế). Điều này đương nhiên có thể được xem là một phương pháp đọc sách, nhưng phần nhiều thể hiện một loại mục đích của đọc sách.

"Quan kỳ đại lược" - phương pháp đọc sách và phương pháp nghiên cứu này có phương hướng chiến lược rõ ràng. "Đại lược" không phải là cẩu thả, mà là cần có tầm nhìn rộng lớn, luận chứng chặt chẽ và sự cân nhắc thấu đáo. Vì vậy, vừa có thể là đọc sâu, vừa có thể là đọc lướt, nhưng phần nhiều là nghiên cứu.

"Quan kỳ đại lược" bao hàm 3 nội dung chính: Thứ nhất, tiêu chuẩn của lựa chọn học tập là "đại lược". Điều muốn học là rất nhiều và ta phải lựa chọn như thế nào? Gia Cát Lượng thiên về lựa chọn những cuốn sách bao hàm đại lược, coi trọng những nội dung ở cấp độ "đại lược".

Thứ hai, trọng điểm hấp thu là "đại lược". Cùng một cuốn sách và một cuộc nói chuyện, khi học tập đặc biệt chú ý tới tiếp nhận tư duy chiến lược và trí tuệ chiến lược. Có thể nói là "vô lược tắc lược, hữu lược tất quan, hữu đại lược tất đại quan", ý muốn nói là "không có phương lược thì bỏ qua, có phương lược thì xem, có phương lược lớn thì xem kỹ".

Thứ ba, trọng điểm của nghiên cứu là "đại lược". Bao gồm việc xây dựng, thực hiện và được mất... của đại lược. "Đại lược" thực sự không thể dễ hiểu, việc nghiên cứu phương lược, tìm hiểu phương lược lớn và hoạch định ra phương lược lớn đều cần phải có trí tuệ lớn. Loại trí tuệ này không có duyên với những người có tác phong hào nhoáng bề ngoài và qua loa đại khái.

Theo sách "Ngụy lược", khi ở Kinh Châu, Gia Cát Lượng đã dự đoán với cách học “đọc chuyên sâu” của ba người gồm Thạch Quảng Nguyên, Từ Nguyên Trực và Mạnh Công Uy thì ba người này chỉ làm quan đến cấp quận. Thực tế đã diễn ra đúng như vậy.

Trong khi đó, sau này, Gia Cát Lượng đã trở thành Thừa tướng nhà Thục Hán. Điều này gây ấn tượng cho mọi người, đó là: với tư cách là một phương pháp học tập, "quan kỳ đại lược" hầu như ưu việt hơn so với "đọc chuyên sâu". Thực ra, không thể nói một cách đại khái về ưu khuyết của nó.

Mặc dù Thạch Quảng Nguyên, Từ Nguyên Trực và Mạnh Công Uy chỉ làm quan đến cấp quận, nhưng khi đó họ đều là những người có học vấn sâu rộng. Sau này, Gia Cát Lượng cũng bày tỏ than phiền về việc những người như Thạch Quảng Nguyên và Từ Nguyên Trực không được trọng dụng, đưa lên làm quan ở cấp cao hơn.

Điều này có nghĩa là, họ có tài đức đủ để có thể làm quan ở cấp cao hơn. Chất lượng tốt của đội ngũ nhân tài không chỉ là sự kiệt xuất của cá nhân, mà còn ở chỗ cải thiện cơ cấu, cấp độ. Nhân tài chiến lược đỉnh cao thực sự rất ít.

Nếu rất nhiều người đều đi "quan kỳ đại lược", coi nhẹ những vấn đề cụ thể, xem thường công việc kỹ thuật thì chưa chắc là một việc tốt đối với đội ngũ. Hơn nữa, việc tiến hành hoạch định chiến lược phải dựa vào cấu trúc quyền lực trung tâm.

Tuy nhiên, hoàn toàn không phải cứ lòng mang chí lớn, bụng mang mưu lược tốt là có thể nhận được sự chú ý của cấp cao. Lưu Biểu ở Kinh Châu được mệnh danh là một tài năng tốt, được gọi là một trong "bát tuấn" (8 con tuấn mã), nhưng lại hoàn toàn không thừa nhận cái chỗ hơn người của Gia Cát Lượng.

img

Lưu Bị và Gia Cát Lượng trong phim Trung Quốc. Ảnh minh họa: Sina.

Gia Cát Lượng thường thở dài ở nhà cơ bản là do có liên quan đến việc ông có nhiều mưu lược nhưng lại không thể phát huy ở nơi nào. Nếu không được Lưu Bị táo bạo sử dụng thì Khổng Minh cũng có thể sẽ cả đời ở trong nhà.

Trái lại, làm quản lý ở cấp độ trung bình trở xuống lại cần nhiều hơn những người có tính chất kỹ thuật, có tính năng động nhiều hơn, cho nên học chuyên sâu (theo kiểu đọc sâu, đọc kỹ) trở nên cần thiết hơn.

Nói chung, đi theo hướng "quan kỳ đại lược" hay lựa chọn "đọc chuyên sâu" thì vừa phải xem hoài bão cá nhân, tài trí thiên bẩm, vừa phải xem chức trách trên thực tế và cơ hội nghề nghiệp tiềm năng.

"Long trung đối" là kết tinh của "quan kỳ đại lược" của Gia Cát Lượng, vừa là phương hướng sách lược được ông đưa ra để giúp Lưu Bị phục hưng nhà Hán, giành lấy thiên hạ. Lưu Bị nói: "Có được Khổng Minh như cá gặp nước".

Điều quan trọng nhất là tài năng hoạch định chiến lược, bày mưu tính kế của Gia Cát Lượng. Khi Tào Tháo dẫn quân nam tiến, phản ứng tự nhiên của Gia Cát Lượng là "sự việc cấp bách, vâng mệnh cầu cứu Tôn tướng quân".

Sau đó, liên quân của Tôn Quyền và Lưu Bị đánh bại Tào Tháo, đã đặt nền tảng cho thế chân vạc của 3 nước. Mặc dù Tôn Quyền và Lưu Bị cũng có rất nhiều mâu thuẫn, nhưng Gia Cát Lượng luôn chủ trương kiên trì "liên kết với Tôn Quyền chống lại Tào Tháo", kể cả sau cuộc chiến Di Lăng, ông vẫn chủ động làm dịu quan hệ giữa Ngô - Thục.

Đây chính là "đại lược", tức là coi trọng những thứ căn bản, những thứ lâu dài. Sự thông minh của Gia Cát Lượng không phải ở "cơ trí và "khôn khéo", mà là tầm nhìn xa và bản lĩnh về mặt chiến lược.

Rất nhiều người "quan kỳ đại lược" đều được thắp sáng trí tuệ và linh cảm bởi kế sách "Long trung đối" thời cổ đại. Cố Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông cũng được gợi mở từ kế sách này.

Sinh thời, ông Mao Trạch Đông cho rằng, phương châm chiến lược được xác định trong "Long trung đối" là "phía đông liên kết với nước Ngô của Tôn Quyền, chống lại Tào Tháo ở phía bắc". Tào Tháo và Lưu Bị là mâu thuẫn chủ yếu, Tôn Quyền và Lưu Bị là mâu thuẫn thứ yếu. Mâu thuẫn giữa Tôn Quyền và Lưu Bị là mâu thuẫn trong nội bộ của mặt trận thống nhất.

Trong thời Mao Trạch Đông, đánh giá cơ bản đối với tình hình của Trung ương Trung Quốc khi đó là "mâu thuẫn Trung - Nhật trở thành mâu thuẫn chủ yếu, mâu thuẫn trong nước xuống đến mức thứ yếu và lệ thuộc", qua đó, kêu gọi các lực lượng trên toàn quốc đoàn kết thống nhất cùng kháng chiến chống Nhật.

Ông Mao Trạch Đông đã kêu gọi toàn Đảng Cộng sản Trung Quốc phân biệt rõ mâu thuẫn chủ yếu và mâu thuẫn thứ yếu, thống nhất nhận thức, tránh chia rẽ trên mặt trận thống nhất chống Nhật của dân tộc Trung Hoa khi đó.

Từ "Long trung đối", ông Mao Trạch Đông còn rút ra một nguyên tắc quân sự quan trọng là "tập trung lực lượng vượt trội, tiêu diệt từng kẻ thù". Sau này, học giả Anh Michael Elliot Bartman đánh giá Mao Trạch Đông vừa là nhà chính trị vĩ đại, vừa là nhà quân sự vĩ đại. Sở dĩ Mao Trạch Đông được lịch sử Trung Quốc lựa chọn làm nhà lãnh đạo, có một nguyên nhân quan trọng là ông giỏi "quan kỳ đại lược".

Đông Phong (Đời Sống & Pháp Luật)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem