Bị phương Tây xa lánh, ngành công nghệ thông tin Nga vào thế phòng thủ

Huỳnh Dũng Thứ sáu, ngày 02/12/2022 10:15 AM (GMT+7)
Nga đã cố gắng ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám bằng cách cung cấp cho các công nhân CNTT những lợi ích mới, nhưng một số người lo ngại ngành này sẽ bị tiêu diệt.
Bình luận 0

Theo Anastasia, một nhà thiết kế web 24 tuổi đến từ Moscow, 9 tháng qua là thời kỳ hỗn loạn đối với lĩnh vực CNTT của Nga. Sau khi chiến tranh bùng nổ ở Ukraine, xưởng phim của cô buộc phải thắt chặt ngân sách và thời hạn dự án. Tuy nhiên, thay đổi lớn nhất cho đến nay là cảm giác không chắc chắn về tương lai. "Không ai thực sự biết ngày mai sẽ ra sao", Anastasia nói đồng thời cũng khẳng định, sau ba thập kỷ phát triển thầm lặng, lĩnh vực CNTT đột nhiên rơi vào thế phòng thủ.

Ngành công nghệ thông tin của Nga gần như bị phương Tây ghẻ lạnh chỉ sau một đêm sau khi Moscow tấn công Ukraine. Ảnh: Maxim Shemetov/Reuters.

Ngành công nghệ thông tin của Nga gần như bị phương Tây ghẻ lạnh chỉ sau một đêm sau khi Moscow tấn công Ukraine. Ảnh: Maxim Shemetov/Reuters.

Các biện pháp trừng phạt và sự ra đi ồ ạt của các tập đoàn đa quốc gia đã làm xói mòn khả năng tiếp cận vốn và công nghệ nước ngoài của ngành. Và hàng chục ngàn chuyên gia CNTT Nga đã rời khỏi đất nước kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột.

Tổng thống Vladimir Putin đã thừa nhận rằng lĩnh vực CNTT của Nga sẽ phải đối mặt với những khó khăn "khổng lồ" khi nước này tìm cách ngăn chặn hậu quả từ các lệnh trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, đồng thời, một số người trong ngành cho rằng cuộc khủng hoảng có thể tạo cơ hội cho các công ty công nghệ Nga chiếm lại thị trường nội địa và giảm bớt sự phụ thuộc công nghệ của họ vào phương Tây.

Trong một thế giới nơi các công nghệ tiên tiến ngự trị tối cao, khả năng thích ứng với thực tế mới của ngành CNTT Nga có thể sẽ là chìa khóa quyết định liệu Moscow có thể theo kịp về mặt kinh tế và quân sự với phần còn lại của thế giới trong thời gian dài hay không. Bởi lĩnh vực này gần như bị phương Tây ghẻ lạnh chỉ sau một đêm sau khi chiến tranh bùng nổ ở Ukraine vào tháng 2.

Hoa Kỳ và 37 quốc gia khác đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Nga đối với các công nghệ chiến lược như chất bán dẫn, vi điện tử, thiết bị viễn thông, cảm biến, laser và linh kiện máy bay. Thậm chí, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đưa hơn chục công ty và tổ chức công nghệ của Nga vào danh sách đen. Ngay cả các biện pháp không trực tiếp nhằm vào lĩnh vực CNTT cũng đã ảnh hưởng đến công việc của ngành.

Các biện pháp trừng phạt tài chính đã gây khó khăn cho các công ty CNTT trong việc gửi hoặc nhận thanh toán từ nước ngoài. Các biện pháp trừng phạt hậu cần đã khiến việc vận chuyển phần cứng của họ sang Nga trở nên đắt đỏ và phức tạp hơn đối với các nhà cung cấp công nghệ nước ngoài.

Tất cả những khó khăn này, kết hợp với nguy cơ bị tổn hại về uy tín, đã thúc đẩy một cuộc di cư ồ ạt của những gã khổng lồ công nghệ phương Tây khỏi nước Nga. Một số công ty đã rời khỏi Nga trong những tháng gần đây bao gồm Microsoft, IBM, Oracle, Intel, SAP, Cisco Systems, Adobe và Nokia.

Nga đã cố gắng ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám bằng cách cung cấp cho các công nhân CNTT những lợi ích mới, nhưng một số người lo ngại ngành này sẽ bị tiêu diệt. Ảnh: @AFP.

Nga đã cố gắng ngăn chặn tình trạng chảy máu chất xám bằng cách cung cấp cho các công nhân CNTT những lợi ích mới, nhưng một số người lo ngại ngành này sẽ bị tiêu diệt. Ảnh: @AFP.

Anastasia, người yêu cầu tờ Al Jazeera chỉ sử dụng tên riêng để bảo vệ danh tính của mình, nói rằng trước chiến sự, xưởng thiết kế của cô đã kiếm được "số tiền rất lớn" từ các dự án cho các công ty phương Tây. Nhưng sự ra đi đột ngột của họ đã buộc hãng phim phải chật vật tìm kiếm nguồn doanh thu mới, một nhiệm vụ khó khăn do các công ty Nga không sẵn sàng chi tiền như những gã khổng lồ phương Tây.

Chảy máu chất xám

Vượt qua các biện pháp trừng phạt của phương Tây không phải là thách thức duy nhất mà ngành CNTT Nga phải đối mặt. Hiệp hội Thương mại Điện tử Nga ước tính rằng 50.000 đến 70.000 chuyên gia CNTT đã rời khỏi đất nước trong vài tuần đầu tiên của cuộc chiến.

Hiệp hội các nhà phát triển phần mềm Russoft đưa ra một con số thấp hơn, cho biết khoảng 40.000 công nhân CNTT đã chuyển ra nước ngoài trong nửa đầu năm 2022. Tất nhiên, làn sóng di cư này đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ chảy máu chất xám tiềm ẩn.

Ngay cả trước chiến sự, lĩnh vực CNTT của Nga đã thiếu 500.000 đến 1 triệu chuyên gia để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của mình, theo dữ liệu từ Bộ Phát triển Kỹ thuật số Nga.

Điện Kremlin đã tìm cách ngăn chặn dòng chảy nhân sự IT bằng cách cung cấp những lợi ích mới để họ ở lại, bao gồm hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự, miễn nộp thuế thu nhập, lãi suất thế chấp ưu đãi và tài trợ bổ sung cho các khoản trợ cấp.

Valentin Makarov, người đứng đầu Russoft, nói với tờ Al Jazeera rằng những biện pháp này đã giúp khôi phục lại một số cảm giác bình tĩnh và ổn định cho công đồng chất xám công nghệ. Ông nói: "Vấn đề này "tất nhiên là tồi tệ, nhưng không nghiêm trọng".

Nhưng Anastasia đưa ra một đánh giá bi quan hơn, cô cho biết nhiều đồng nghiệp và bạn học cũ của cô đã rời khỏi đất nước sau khi chiến sự bắt đầu. Anastasia giải thích rằng nguyên nhân lớn nhất dẫn đến di cư là sự không chắc chắn.

Mặc dù cộng đồng CNTT Nga từ lâu đã có tư tưởng chống đối hơn so với công chúng nói chung, nhưng cuộc chiến lần đầu tiên cho thấy chính trị tác động trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của họ. "Những gì tôi liên tục nghe được từ những người bạn đã rời đi của mình là họ không còn cảm thấy an toàn ở Nga nữa", cô Anastasia nói. "Bầu không khí lo lắng hiện tại không có lợi cho công việc".

Theo cô, những lợi ích mới của chính phủ không đủ để xoa dịu những lo ngại cơ bản về hướng đi dài hạn của Nga. Đồng thời, cô ấy cũng cảnh báo rằng việc mất đi những chuyên gia này có thể gây ra những tác động tiêu cực nghiêm trọng về lâu dài.

"Chúng tôi chưa thực sự cảm nhận được hậu quả của việc di cư, nhưng tôi nghi ngờ rằng sự thiếu hụt các chuyên gia chất lượng cao sẽ trở nên đáng chú ý sau này", cô nói. "Sự ra đi của các chuyên gia xuất sắc đồng nghĩa với việc sẽ có ít ý tưởng tuyệt vời và các dự án đầy tham vọng hơn trong tương lai ở Nga".

Bị phương Tây xa lánh, ngành CNTT Nga vào thế phòng thủ. Ảnh: @AFP.

Bị phương Tây xa lánh, ngành CNTT Nga vào thế phòng thủ. Ảnh: @AFP.

"Trật tự công nghệ mới"

Vậy ngành CNTT của Nga có thể vượt qua những thách thức này và tìm cách tiếp tục đổi mới không? Câu trả lời của một số người trong ngành là có.

Tại một cuộc họp báo ở Moscow vào tuần trước với sự góp mặt của một số nhà phát triển CNTT nổi tiếng nhất của Nga, các thành viên tham gia hội thảo lập luận rằng, sự ra đi hàng loạt của những gã khổng lồ công nghệ phương Tây đang kích thích các công ty Nga phát triển các giải pháp của riêng họ.

Họ cũng cho rằng các công ty Nga có tiềm năng không chỉ giành lại thị trường nội địa mà còn có thể xâm nhập sâu vào Mỹ Latinh, Đông Nam Á và Trung Đông. "Chính phủ và các công ty CNTT cần đưa ra quyết định: Liệu chúng ta có giới hạn bản thân trong việc chỉ thay thế hoặc hỗ trợ phần mềm của các công ty phương Tây đã rời đi, hay mục tiêu của chúng ta là trở thành người dẫn đầu trong một trật tự công nghệ mới đang nổi lên", Makarov, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết.

Ông còn nói: "Nga đã chứng minh rằng họ có thể dẫn đầu trong lĩnh vực an ninh thông tin và xuất khẩu chủ quyền công nghệ sang các nước khác; Chúng tôi có thể sử dụng các nền tảng an ninh mạng để xây dựng và quảng bá các ứng dụng công nghệ khác của Nga trên thị trường toàn cầu".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem