Bị quy kết làm nông thôn mới nhanh để "củng cố địa vị", cựu Chủ tịch xã ở Tuyên Quang kêu oan

Bách Thuận Thứ sáu, ngày 19/01/2024 06:19 AM (GMT+7)
Toà cấp sơ thẩm cho rằng bị cáo Bùi Quang Hùng, cựu Chủ tịch xã ở Tuyên Quang biết các quy định của pháp luật về tài chính, kế toán nhưng vẫn vi phạm với lỗi cố ý nhằm nâng cao uy tín của tập thể, cá nhân, cựu Chủ tịch UBND xã ở Tuyên Quang kháng cáo kêu oan.
Bình luận 0

Cựu Chủ tịch xã bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 341 triệu đồng

Ngày 18/1, Toà án nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã mở phiên toà phúc thẩm, xét kháng cáo kêu oan của bị cáo Bùi Quang Hùng – nguyên Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng (Yên Sơn, Tuyên Quang).

Tại bản án sơ thẩm số 71, ngày 21/9/2023, ông Hùng cùng 2 người khác là Nguyễn Thị Oanh - nguyên thủ quỹ UBND xã Mỹ Bằng, Đỗ Văn Dậu - nguyên lãnh đạo UBND xã Mỹ Bằng bị Toà án nhân dân huyện Yên Sơn tuyên phạm tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Nguyên Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng bị xử phạt 2 năm tù; bị cáo Oanh bị xử phạt 1 năm tù, cho hưởng án treo; bị cáo Dậu bị xử phạt 2 năm cải tạo không giam giữ.

Sau bản án sơ thẩm, ban đầu bị cáo Hùng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, tuy nhiên đến phiên phúc thẩm, bị cáo này thay đổi kháng cáo thành kêu oan.

Án sơ thẩm xác định, trong khoảng thời gian từ tháng 6/2014 đến tháng 9/2015, bị cáo Hùng đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, chỉ đạo Lương Văn Sâm là kế toán ngân sách xã và Nguyễn Thị Oanh là thủ quỹ UBND xã Mỹ Bằng để ngoài sổ sách kế toán và tự quyết định chi không đúng quy định đối với các khoản kinh phí còn lại có được từ nguồn thu xã hội hoá, huy động đóng góp của nhân dân để xây dựng "Công trình Chợ Trung tâm xã Mỹ Bằng" và từ nguồn thu tiền cho thuê ô chợ, gây thiệt hại cho ngân sách của UBND xã Mỹ Bằng hơn 341 triệu đồng.

Bị quy kết làm nông thôn mới nhanh để "củng cố địa vị", cựu Chủ tịch xã ở Tuyên Quang kêu oan- Ảnh 1.

Bị cáo Bùi Quang Hùng kháng cáo bản án sơ thẩm, bác bỏ quy kết cho rằng mình làm nông thôn mới nhanh để củng cố địa vị. Ảnh: BT

Cụ thể, lần 1, trong 2 năm 2014 – 2015, ông Hùng đã tự ý chỉ đạo kế toán Sâm và thủ quỹ Oanh để ngoài sổ sách kế toán và tự quyết định chi không đúng quy định với số tiền hơn 307 triệu đồng thu được từ khoản tiền đóng góp xã hội hoá của 28 hộ dân để xây dựng "Công trình Chợ Trung tâm xã Mỹ Bằng", gây thiệt hại hơn 307 triệu đồng.

Lần 2, trong năm 2015, ông Hùng đã tự ý chỉ đạo kế toán Sâm và thủ quỹ Oanh để ngoài sổ sách kế toán đối với khoản thu tiền thuê ô chợ tại Chợ Trung tâm xã Mỹ Bằng, chỉ đạo chi không đúng nhiệm vụ chi của ngân sách xã số tiền 34,5 triệu đồng được thu từ nguồn thu trên để chi khen thưởng đối với 25 tập thể có thành tích trong phong trào xây dựng nông thôn mới, gây thiệt hại cho ngân sách UBND xã Mỹ Bằng 34,5 triệu đồng.

Hành vi của ông Hùng cũng như 2 bị cáo khác được nhận định đã làm giảm uy tín và lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Toà sơ thẩm đánh giá các bị cáo đều là người có chức vụ, quyền hạn nhận thức rõ hành vi của mình là trái công vụ, trái với chức trách, nhiệm vụ được giao, làm không đúng quy định của pháp luật, biết được hành vi đó sẽ gây thiệt hại về tài sản hoặc lợi ích của nhà nước… nhưng vì vụ lợi và động cơ cá nhân khác mà các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng cho UBND xã Mỹ Bằng để củng cố địa vị, uy tín hoặc quyền lực cá nhân…

Theo án sơ thẩm, trong vụ án, sau khi xây dựng xong chợ Trung tâm xã Mỹ Bằng, còn thừa hơn 307 triệu đồng, ông Hùng không chỉ đạo nộp vào tài khoản của xã, không tổ chức một trong các hình thức hỏi ý kiến nhân dân theo quy định để chuyển số tiền thừa vào mục đích khác, mà tự quyết chỉ đạo sử dụng chi vào nhiều mục đích khác nhau.

Bị quy kết làm nông thôn mới nhanh để "củng cố địa vị", cựu Chủ tịch xã ở Tuyên Quang kêu oan- Ảnh 2.

Phiên tòa xử cựu Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng với cáo buộc gây thiệt hại 2 lần cho UBND xã này, một lần 34,5 triệu đồng, một lần hơn 307 triệu đồng. Ảnh: BT

Ngoài ra, ông Hùng còn chỉ đạo chi khoản 34,5 triệu đồng thu được từ tiền thuê ô chợ vào việc chi khen thưởng cho các tập thể cá nhân trong phong trào xây dựng nông thôn mới mà không báo cáo xin ý kiến thường trực Đảng uỷ, Thường trực HĐND xã cũng như họp Ban Thi đua khen thưởng xã với khoản tiền này.

Bị cáo khai sắp về hưu, không có lý do để củng cố địa vị

Tại phiên toà phúc thẩm, cựu Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng trình bày trước Hội đồng xét xử (HĐXX) rằng mình bị oan. Theo lời khai của ông Hùng, ông không tham ô, không vụ lợi cá nhân, lợi ích vật chất trong vụ việc cũng không có.

Bị cáo Hùng khai, ở phiên sơ thẩm, khi vị đại diện Viện Kiểm sát cho rằng ông "làm nông thôn mới nhanh để được lên ông, lên bà", ông này cho rằng ý kiến đó không thuyết phục. Cũng ở bản án sơ thẩm, ông Hùng bị quy kết làm nông thôn mới nhanh để củng cố địa vị, bị cáo này cho rằng cũng không thấy thuyết phục.

Trình bày cho những quan điểm của mình, bị cáo Hùng cho biết thời điểm đó trước Đại hội Đảng bộ xã Mỹ Bằng, trong đề án nhân sự thì ông Hùng và một số người khác không còn đủ tuổi theo quy định nên không thể tái cử, vì vậy không có tên trong danh sách.

"Tôi sẽ trở về là người nông dân, còn địa vị gì mà phải củng cố" – bị cáo Bùi Quang Hùng nói.

Theo lời khai của bị cáo Hùng trước toà, động cơ làm nông thôn mới của người này là trong sáng. Thứ nhất, ông Hùng thực hiện làm nông thôn mới là chấp hành đúng như Nghị quyết của Đảng từ Trung ương đến địa phương về xây dựng nông thôn mới, đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống của người dân.

Thứ hai, việc thực hiện nông thôn mới đem lại lợi ích thiết thực cho người dân. Vị nguyên lãnh đạo UBND xã Mỹ Bằng giải thích, công trình được thực hiện với sự đồng thuận, ủng hộ của người dân nên thi công rất nhanh, tiết kiệm thời gian, làm nhanh, làm gọn, công trình xây dựng xong người dân được hưởng thụ ngay, không bị trượt giá về vật liệu, nhân công… 

Trả lời xét hỏi của HĐXX, bị cáo Bùi Quang Hùng khai, sau khi có mặt bằng, bị cáo này đã xây dựng Đề án số 01/ĐA-UBND ngày 12/1/2014 "Đề án quy hoạch chi tiết chợ trung tâm xã Mỹ Bằng" trình HĐND xã và đã được HĐND xã Mỹ Bằng thông qua.

Nguồn vốn xây dựng được thể hiện là nguồn vốn đầu tư xây dựng nông thôn mới (500 triệu UBND huyện Yên Sơn cấp, đã giành cho công tác san ủi, tạo mặt bằng xây dựng chợ); các hộ kinh doanh tự bỏ vốn; các khoản thu xã hội hoá xây dựng nông thôn mới nhưng không đưa ra mức cụ thể.

Bị quy kết làm nông thôn mới nhanh để "củng cố địa vị", cựu Chủ tịch xã ở Tuyên Quang kêu oan- Ảnh 3.

Luật sư Hoàng Văn Hướng - người bào chữa cho bị cáo Hùng đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung. Ảnh: BT

Khai về việc này, ông Hùng nói việc huy động xã hội hoá từ người dân không biết dân góp được bao nhiêu nên không thể quy định cứng, UBND chỉ trình chủ trương để HĐND xem xét.

Về việc chia ô, ki ốt ở chợ, bị cáo Hùng cho biết với khu vực ki ốt chợ phiên thu 11,5 triệu/năm; khu vực ki ốt buôn bán thường xuyên thu 100 triệu đồng/năm. Khai trước toà, ông Hùng nói theo quy định, khoản tiền thu được nêu trên không phải nộp vào ngân sách. Toàn bộ số tiền xã hội hoá thu được đều được nhập vào quỹ xây dựng nông thôn mới, thu đến đâu nhập vào quỹ luôn.

Sau khi hoàn thiện xây dựng các hạng mục chợ, còn thừa một số tiền nên đã mời mọi người đến hội nghị tri ân để xin chuyển tiền thừa từ nguồn xã hội hoá của 28 hộ dân sang các công trình nông thôn mới khác.

Theo lời khai của bị cáo Hùng, hội nghị tri ân này có khoảng 500 khách, hầu hết mọi người đều ủng hộ, nhất trí với quan điểm không lấy lại tiền thừa, để lại cho UBND xã thực hiện tiếp các công trình nông thôn mới khác.

Ông Hùng khẳng định không có động cơ cá nhân khác, không tham ô, vụ lợi trong việc, ông cho rằng quy kết của án sơ thẩm là không chính xác. 

Tại toà, vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Hùng.

Luật sư Hoàng Văn Hướng – bào chữa cho bị cáo Hùng cho rằng, về số tiền 34,5 triệu đồng ông Hùng bị quy kết gây thiệt hại, hiện tại vẫn chưa làm rõ được đây là số tiền nào, là tiền từ nguồn xã hội hoá nêu trên hay có thêm tiền từ các phần thưởng của UBND xã.

Theo luật sư Hướng, ông Hùng thực hiện các hoạt động không có vụ lợi, mục đích để làm tốt cho quê hương, làm tốt nông thôn mới.

Mặt khác, vị luật sư này cũng cho rằng việc xác định hậu quả của vụ án chưa khách quan. Từ các phân tích của mình, ông Hướng không đồng tình với bản án sơ thẩm. Luật sư đề nghị HĐXX phúc thẩm trả hồ sơ để điều tra, làm rõ một số vấn đề.

Về các quy kết bị cáo Hùng chỉ đạo Oanh, Sâm, luật sư Hướng nêu quan điểm, hiện ông Sâm đã chết không có lời khai, bị cáo Oanh có lời khai đối lập với bị cáo Hùng, từ đó luật sư cho rằng các quy kết thân chủ mình chỉ đạo là chưa thoả đáng.

Đối đáp với quan điểm của luật sư cũng như bị cáo Hùng, vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tuyên Quang cho rằng có đủ căn cứ xác định bị cáo Hùng chỉ đạo bị cáo Oanh và ông Sâm thu các khoản tiền xây dựng chợ, không nhập vào ngân sách nhà nước để đảm bảo thu chi theo quy định.

Về khoản tiền khen thưởng trích từ quỹ nông thôn mới, phía công tố cho rằng không có tài liệu nào chứng minh bị cáo Hùng xin ý kiến HĐND có nhất trí chi khoản tiền 34,5 triệu đồng này không. Hành vi này, Viện Kiểm sát cho rằng đã vụ lợi cá nhân.

Cuối ngày 18/1, HĐXX tuyên bố kết thúc tranh luận, chuyển sang nghị án. Toà sẽ tuyên án phúc thẩm vào sáng 19/1. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem