Cách đây hai chục năm, cả bản Tá Miếu, cả xã Sín Thầu, Mường Nhé, Điện Biên nghèo xơ xác. Những khi thời tiết thất thường, gia súc, gia cầm bệnh chết, cây lúa, cây ngô chưa ra bông đã lụi, nhà nào cũng phải lên rừng đào củ nâu, củ bấu về ăn cầm cự qua ngày.
Từ khi Chương trình 135 của Nhà nước theo chân các chiến sĩ biên phòng, giáo viên tình nguyện về bản, cuộc sống của người Hà Nhì thay đổi hẳn. Chúng tôi được giúp lương thực, thuốc chữa bệnh, được cung cấp giống, hướng dẫn cách trồng cấy, chăn nuôi, được vay vốn ưu đãi để sản xuất, trẻ con được học cái chữ.
|
Ông Chang Vãng Sinh . |
Nhớ hồi còn ở cùng mẹ và các chị, ngày ngày lùa 3 con trâu, bò vào núi thả, tôi mơ ước một ngày nào đó mình được làm chủ một đàn bò. Mong ước xem chừng xa vời vì ở quê tôi lúc ấy, bà con chỉ chăn trâu bò (thả rông) để lấy sức kéo, hạn hữu lắm mới trao đổi để lấy các vật dụng cần thiết.
Đầu năm 2000, Nhà nước có chương trình cấp bò giống cho người dân địa phương nuôi, khi nhiều người còn đắn đo, tôi xung phong nhận 10 con bò bố mẹ về nuôi với cam kết "nếu để bò gầy hoặc chết, tôi sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm". Một số người đến nhà tôi và có lời can: "Nhận bò của chính quyền nhỡ có vấn đề gì sẽ phải đi tù đấy". Tôi cười: "Chính sách là giúp người Hà Nhì mình hết nghèo, hết khổ...".
Đầu nghĩ, tay làm, tôi nhờ bộ đội biên phòng hướng dẫn cách làm chuồng, tận dụng thức ăn từ trồng ngô, lúa, những đồi cỏ dại cạnh con suối Mo Phí sau nhà, vào rừng cắt cỏ chăm chút cho đàn bò. Ba năm lăn lộn học cách nuôi bò, cuối cùng tôi đã thành công.
Khi hoàn trả 10 con bò bố mẹ cho chính quyền để luân phiên cho hộ khác nuôi, tôi vẫn còn 20 con bò giống béo tốt. Giờ đây, gia đình tôi đang sở hữu đàn bò đông nhất nhì xã với tổng đàn có lúc lên tới 150 con. Thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ bán bò đã giúp gia đình tôi khá giả, các con của tôi học lên cao trở thành cán bộ. Tôi được nhận nhiều giấy khen, đi dự các hội nghị điển hình làm kinh tế giỏi...
Năm nay đã ngoài 60 tuổi, nhưng ngày nào tôi cũng leo qua 4 quả đồi, 5 con dốc để trông nom đàn bò của mình. Bà con trong bản, trong xã ai không nghiện ngập hoặc đã cai được thuốc phiện và muốn nuôi bò đều được tôi giúp vốn, giống, kinh nghiệm nuôi bò.
Điều mong mỏi nhất của tôi là nhà nào ở nơi này cũng nuôi được đàn bò đông đúc, để không còn ai đói nữa. Nhiều người hỏi về bí quyết làm giàu, tôi bảo, tôi tin vào đôi bàn tay lao động chân chính của mình và làm theo những điều hay mà cán bộ, bộ đội biên phòng phổ biến...
Ông Chang Vãng Sinh (bản Tá Miếu, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, Điện Biên)
Biên Phúc (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.