Bí quyết nuôi bò thành tỷ phú của nữ nông dân TP.HCM
Bí quyết nuôi bò thành tỷ phú của nữ nông dân TP.HCM
Lê Giang
Thứ ba, ngày 10/10/2023 20:21 PM (GMT+7)
Đứng trên cánh đồng rộng 97 ha thuộc Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng, bà Hưng chỉ tay về đàn bò khoe: "Bò nhà mình vừa đẻ 10 con giống 3B. Giống này hiện nay được nhiều nông dân tìm nuôi, chất lượng thịt tốt lắm".
Từng phải ngủ trong căn chòi quây tôn cạnh chuồng bò, sau 18 năm, với số vốn 100 triệu bán đất ở quê Thanh Hoá, nay bà Hoàng Thị Hưng sở hữu đàn bò hơn 130 con và hơn 1.600m2 đất tại xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh, TP.HCM), nhờ chăn nuôi bò hiệu quả.
Đầu tắt mặt tối từ 4 giờ sáng mỗi ngày
Tại TP.HCM, trước đây hầu hết nông dân nuôi bò chủ yếu để lấy sữa, nhưng ở huyện Bình Chánh có một nông dân nuôi bò để lấy thịt, với hơn 100 con thả rông trên đồng cỏ. Bà Hoàng Thị Hưng 53 tuổi ở ấp 7, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh đã gắn bó với nghề chăn nuôi bò hơn 18 năm nay.
Bà Hưng thực hiện mô hình nuôi bò thịt thả rông, tận dụng cánh đồng cỏ bỏ hoang rộng mênh mông ở xã Lê Minh Xuân.
Nhớ về những ngày đầu vào TP.HCM lập nghiệp, bà Hoàng Thị Hưng kể với cảm xúc mà đôi mắt rưng rưng dòng lệ.
Khi đó, vợ chồng bà quê ở Thanh Hóa quyết định vào Nam lập nghiệp năm 2004. Đến năm 2005, gia đình chuyển về ấp 7, xã Lê Minh Xuân để chăn nuôi bò kiếm sống. Ban đầu, vợ chồng bà phải gom góp tiền bán ruộng đất ở quê để mua 16 con bò (bò mẹ, bò con) hơn 100 triệu. Vài năm sau đó, với sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, bà được hỗ trợ vốn vay để phát triển đàn bò của mình.
Bà Hưng nói thêm, để có được đàn bò như ngày hôm nay, mỗi ngày hai vợ chồng bà phải làm việc "đầu tắt mặt tối" từ 4 giờ sáng đến 16 giờ chiều. Bà phụ trách lùa bò ra đồng mỗi sớm, còn chồng thì tranh thủ lái chiếc ba gác thẳng tiến đến chợ Bình Điền thu gom rau, củ, quả tiểu thương bỏ ở chợ, đem về làm thức ăn cho bò.
Với bà Hưng, những ngày đầu nuôi bò cực khổ vô cùng. Bà thuê được 360m2 đất thấp với giá 3 triệu đồng/năm, hai vợ chồng đã phát hoang cây bình bát rồi dựng mái nhà lá chòi tôn ở cạnh, để canh bò mỗi đêm. Nhiều đêm một thân một mình trong căn chòi, nước mắt bà rơi lã chã vì tủi thân khó nhọc nơi xứ người.
"Lúc mới vào TP.HCM, tôi chỉ 30 tuổi. Chồng thì đi làm thuê trong thành phố rồi. Bò lên giống lúc nào phải đi lúc đó, đêm hôm khuya khoắt tôi vừa đi vừa khóc. Nhưng…nghĩ tới "chén cơm manh áo", việc học hành con cái mình lại cố gắng", bà Hưng kể.
Qua 18 năm nỗ lực, chịu khó, gia đình bà đã sở hữu đàn bò trên 130 con (gồm bò giống, bò con) với tổng trị giá gần 3 tỷ đồng. Không những vậy, gia đình bà đã mua được hơn 1.600 m2 đất tại ấp 7, xã Lê Minh Xuân để nuôi bò, nuôi yến tạo thêm nhiều nguồn thu nhập cho gia đình.
Bí quyết nuôi bò chi phí thấp, hiệu quả cao
Theo lời bà Hưng, nhờ chăn nuôi bò, mỗi năm hai vợ chồng bà thu về lợi nhuận khoảng 600 triệu đồng. Có năm, bò sinh sản tốt cộng với được giá, nhà bà thu về lợi nhuận gần 1 tỷ đồng.
"Có thời điểm chăn nuôi thuận lợi, đàn bò nhà tôi lên đến gần 180 con, trong đó có khoảng 90 bò mẹ. Mỗi ngày chúng đẻ từ 4 đến 5 con. Nuôi riết thành quen. Bây giờ, bò bệnh gì thì vợ chồng tôi đều "bắt được bệnh". Thậm chí, tôi còn làm "bác sĩ phụ sản" đỡ đẻ cho bò, và tiêm chích cho chúng khi có dấu hiệu bệnh", bà Hưng chia sẻ.
Cũng theo bà Hưng, nuôi bò với số lượng lớn nên lúc nào cũng tất bật. Có những tháng bò đẻ tới 10 con. Đó là tháng gia đình bà sẽ rất vất vả, vì chăm sóc bò mẹ và đàn bò con.
Với thời điểm bão giá như hiện tại, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến nhiều trang trại bò phải lao đao. Nhiều nông dân không thể duy trì trang trại phải bán bò và chuyển sang công việc khác, vì không thể bù lỗ.
Nhưng bà Hưng nói trang trại mình không ảnh hưởng nhiều. Để có đàn bò khỏe mạnh, bà không bao giờ cho bò ăn thức ăn công nghiệp, mà thường cắt cỏ cho bò ăn. Việc cho ăn thức ăn công nghiệp vừa tốn kém, giảm lợi nhuận và chất lượng thịt bò không cao. Cùng với đó việc nuôi bò thả rông tuy tốn công theo dõi chăn dắt nhưng tiết kiệm nhiều chi phí.
Bên cạnh đó, nguồn thức ăn khác bên cạnh việc nuôi thả rông chính là rau củ dập hư tại chợ đầu mối. Mỗi ngày, chồng bà chạy xe thu gom rau củ, trái cây hư của các sạp ở chợ đầu mối Bình Điền để đem về cho bò ăn. Điều này tiết kiệm rất nhiều chi phí mà lại mang lại hiệu quả kinh tế cao, khi bò nuôi mau lớn và lượng thịt bò đạt chất lượng cao.
Đứng trên cánh đồng rộng 97 ha thuộc Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng, bà Hưng chỉ tay về đàn bò khoe: "Bò nhà mình vừa đẻ 10 con giống 3B. Giống này hiện nay được nhiều nông dân tìm nuôi, chất lượng thịt tốt lắm".
Bà Hưng cho biết giá bò giống của bà từ cao hơn nhiều so với thị trường, nhờ chất lượng. Ở những nơi khác bò giống từ 20 – 30 triệu đồng/con, thì trại của bà người mua trả đến 30 - 40 triệu đồng/con. Bà còn hỗ trợ nông dân trong vùng có nhu cầu chăn nuôi 1 cặp bò giống bằng cách cho "nợ"qua lứa, khi chưa đủ kinh phí trả ngay.
Không những vậy, bà Hưng còn nhiệt tình tư vấn phương pháp chăn nuôi, phòng chữa bệnh cho bò. Nếu bò không hiệu quả có thể mang đến trại đổi lại. Nhiều hộ chăn nuôi trong vùng cũng ăn nên làm ra nhờ sự giúp đỡ của bà Hưng về con giống và chuyển giao công nghệ kỹ thuật chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Của - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lê Minh Xuân cho biết: "Bà Hưng là một trong những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm ở xã. Với những kinh nghiệm tích lũy được, bà cùng Hội Nông dân địa phương hỗ trợ những nông dân khác trên địa bàn về con giống, cũng như truyền đạt những kinh nghiệm chăn nuôi thành công của bản thân".
Với việc xây dựng mô hình chăn nuôi bò hiệu quả kinh tế cao, bà Hoàng Thị Hưng trở thành một trong những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền. Bà vinh dự 4 lần được UBND TP.HCM trao tặng Bằng khen "Nông dân tiêu biểu" và danh hiệu "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi" giai đoạn 2017- 2022.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.