Bí quyết nuôi cá mùa nước cạn

Thứ hai, ngày 29/02/2016 13:15 PM (GMT+7)
Vào mùa khô hạn, chuyện thiếu nước trong sản xuất, chăn nuôi của nông dân lại trở nên căng thẳng. Với các hộ nuôi cá tại ấp 8, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom, Đồng Nai), việc đảm bảo đủ nguồn nước lại càng mang ý nghĩa sống còn.
Bình luận 0

Để có đủ nước, nông dân đã phải sử dụng rất nhiều biện pháp khác nhau. Nhờ vậy trong những năm qua, các ao nuôi vẫn được duy trì và phát triển, cá vẫn có đều đều bán ra thị trường.

img

Anh Nguyễn Mạnh Tuấn đang cho đàn cá ăn.

Dùng mọi cách để giữ nước

Nghề nuôi cá ở ấp 8 đã được hình thành hơn chục năm qua. Ban đầu, đó chỉ là những ao tự nhiên, sau này thấy có hiệu quả, nhiều hộ đã bắt đầu đào ao, mở rộng diện tích, thả thêm nhiều giống cá mới. Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp 8, ông Lưu Đình Nguyên, cho biết: “Mới đầu ít người nuôi, nhưng khi thấy có hiệu quả thì đến bây giờ hầu như hộ nào trong ấp cũng có ít nhất 1 ao. Họ bắt đầu mở rộng diện tích ao nuôi, học thêm kỹ thuật để đạt năng suất cao hơn”.

Từ việc nuôi cá phát triển hiện nay, xã Sông Trầu đã hình thành nên tổ hợp tác cá. Mô hình này đang trở thành nơi để các hộ nuôi có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, thông qua tổ hợp tác cá mà các lớp học về kỹ thuật nuôi, chăm sóc cá cũng được các hộ dân tiếp cận, giúp người dân có thêm kiến thức khoa học. Từ đó, thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển.

Bước vào mùa khô, nguồn nước trong ao trở thành bài toán nan giải đối với các hộ nuôi cá. Để có thể giữ nước, họ buộc phải huy động mọi cách nhằm duy trì sản xuất. Là một trong những hộ có diện tích ao lớn nhất của ấp, anh Nguyễn Mạnh Tuấn phân tích: “Diện tích ao nhà tôi có khoảng 7 ngàn m2, khó nhất là phải giữ và duy trì được lượng nước tối thiểu, thường ao phải có nước sâu từ 1-2,5m mới nuôi được. Phải trữ nước từ mùa mưa, giữ chân ao luôn kín, chặn đập ở những con suối, mương gần đó nhằm giữ nguồn nước không bị ngấm ra ngoài, xử lý tốt nguồn nước nhằm đề phòng dịch bệnh”.

Ngoài những cách trên, nhiều hộ nuôi cá còn sử dụng máy bơm để bơm nước giếng khoan vào trong ao, tuy nhiên hiệu quả không cao. Giữ được nước là điều tiên quyết nhưng nếu cách nuôi không đúng cũng sẽ gây thiệt hại lớn.

Theo đó, loại cá nuôi cũng phải chọn cho phù hợp, thường là cá tạp trong cùng một ao, như: trắm, chim, mè... có sức kháng bệnh cao, chịu được mực nước thấp vào mùa khô. Với kinh nghiệm nuôi cá lâu năm, ông Trịnh Công Thiệp chia sẻ: “Phải thả với mật độ ít hơn và cho ăn ít đi so với mùa mưa do lượng nước thấp, nuôi nhiều cá sẽ thiếu oxy, còn lượng thức ăn thừa sẽ làm ô nhiễm nguồn nước”.

Vươn lên từ nuôi cá

Toàn ấp 8 hiện có hơn 30 hécta diện tích mặt nước dùng nuôi cá, và từ những ao cá ấy, đời sống của người dân trong ấp đã được cải thiện rõ rệt. Năng suất khá tốt nên trung bình một năm, mỗi hộ nuôi cá có thu nhập khoảng 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Riêng mùa khô do thời gian nuôi lâu hơn, thường chỉ được một lứa cá nên thu nhập dao động từ 30-40 triệu đồng.

Là một trong những hộ khá lên từ nuôi cá, anh Nguyễn Mạnh Tuấn đang tích cực mở rộng quy mô trang trại theo mô hình VAC khép kín. Anh cho biết: “Gia đình tôi nuôi cá hơn 12 năm. Kinh tế gia đình khá lên, bản thân tôi sau khi học xong đại học cũng quay về cùng gia đình làm trang trại cá, phát triển rộng lớn thêm”. Từ những kết quả đạt được, người dân ấp 8 đã góp phần đưa xã Sông Trầu trở thành xã nông thôn mới, nhiều hộ gia đình theo nghề cá vẫn đang tiếp tục tích cực tăng gia sản xuất để cùng địa phương phát triển bền vững.

Thiên Quyết (Báo Đồng Nai)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem