Bí quyết nuôi rùa răng hiệu quả kinh tế cao

Thứ bảy, ngày 23/05/2015 06:15 AM (GMT+7)
Nhờ kiên trì theo đuổi việc nuôi và cho sinh sản nhân tạo càng đước (rùa răng, trọng lượng 7-8kg), nông dân Võ Thành Ngay (52 tuổi, ấp Phú Bình, xã Phú Lộc, Tân Châu, An Giang) là một trong rất ít người bước đầu thành công với mô hình được cho là mạo hiểm, nhưng hiệu quả lại rất cao.
Bình luận 0

Dù ông Ngay có đến 25 công ruộng, xây túi biogas nuôi trên 20 con heo, nhưng một thời gian dài, cuộc sống gia đình cứ tầm tầm không khá lên được, trong khi việc học hành của 2 con cứ thúc bách chuyện tiền nong. Được bạn bè chỉ dẫn, cuối năm 2008, ông Ngay đến xã Khánh An (An Phú) gom mua được 20 con càng đước, mỗi con từ 1 - 1,5kg (giá 400.000 đồng/kg), đem về quyết tâm nuôi và cho sinh sản loại động vật giá trị kinh tế cao này.

img
Kiểm tra trọng lượng càng đước.


Sau 2 năm chăm sóc, mỗi con đều tăng trên 2,5kg, nhưng không con nào đẻ trứng, điều mà ông quan tâm và cần nhất. Ông lựa ra 16 con (620kg) đem qua chợ An Phú bán 450.000 đồng/kg, thu được gần 25 triệu đồng. Cú làm ăn này bước đầu đã tạo cho ông một động lực lớn, dù thu lợi còn khiêm tốn, nhưng lại rộng mở cơ hội để phát triển.

Ông Ngay tâm sự: “Càng đước là loại động vật rất ít bệnh, tuy dễ nuôi, nhưng nếu không theo dõi đặc tính để xử lý (thay nước mỗi ngày, cho ăn, kiểm tra) thì chúng chậm lớn, ít ăn, thậm chí chết đột ngột, nhất là cho sinh sản rất khó. Riêng việc hướng dẫn kỹ thuật nuôi, cho càng đước sinh sản thì rất ít người biết và không thấy phổ biến trên các phương tiện truyền thông. Do đó, tôi phải tự mày mò học hỏi mỗi nơi một chút, đặc biệt bỏ công để theo dõi tập quán ăn, uống, sinh hoạt… để tự tích lũy kinh nghiệm cho mình. Bước đầu, tôi đã thành công trong việc cho chúng sinh sản dù chỉ ở mức 20 - 30%”.

Hiện nay, ông Võ Thành Ngay sở hữu đến 28 con càng đước, trong đó có 8 con mái, bình quân mỗi con nặng 5kg, cá biệt có con đến 7-8kg. Càng đước là loài động vật ăn tạp, chúng thích nhất là các loại xoài, mít chín, cua, óc, tép, cá, rau muống… Mỗi con càng đước thường đẻ 3-6 trứng, cá biệt đến 10 trứng, tập trung từ tháng 9 đến tháng 12. Sau 4,5 tháng ấp trứng sẽ đẻ ra con, nhưng gặp thời tiết lạnh thì kéo dài đến 6-7 tháng. Trứng của càng đước chỉ bằng trứng gà ác và khi vừa đẻ xong (1 hoặc 2 ngày), thương lái đến nơi mua đến 1 triệu đồng/con, nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu.

Ông Ngay cho biết: “Từ sự cố ấp gần 100  trứng thất bại, tôi đã có một kinh nghiệm lớn, nên dần dà sau đó tỷ lệ thành công đã từng bước nâng lên. Dù bán với giá khoảng 600.000 đồng/kg (con đực), 800.000 đồng/kg (con cái), nhưng lợi nhất vẫn là bán càng đước con. Nếu tỷ lệ sinh sản đạt 50% thì nghề nuôi càng đước rất dễ khá lên, đặc biệt món khoái khẩu này hiện đang không đủ cung”.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Lộc Nguyễn Văn Chiến chia sẻ: “Dù là xã biên giới nghèo nhưng phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh được nhiều nông dân tích cực tham gia và đạt kết quả khả quan. Ông Võ Thành Ngay (nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh nhiều năm liền) là một điển hình. Hiện mô hình nuôi càng đước của ông đạt hiệu quả rất cao, thu hút 2 hộ khác nuôi và học hỏi kinh nghiệm. Ngoài ra, xã còn nhiều mô hình hiệu quả khác, như: Nuôi gà thả vườn, nuôi lươn, cá lóc…”.

(Theo Báo An Giang)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem