Làm chơi ăn thiệt
Ở xã Đông Thới, huyện Cái Nước (Cà Mau) ông “Tám sò” (Nguyễn Văn Tám) được xem là người tiên phong trong mô hình nuôi con “1 vốn 4 lời”. Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, ông Tám kể: “Gia đình tôi trước đây nghèo dữ lắm, nhà có 6 công đất nuôi tôm ở đầu kinh Thầy Tư, nhưng mấy năm trước gặp phải dịch bệnh, tôm chết liên tục. Hết cách tôi định bán đất đi làm thuê, may mà nhờ con sò huyết cứu nguy”.
Anh Lâm Văn Liêm, ngụ ấp Công Điền, xã Tân Trung, huyện Đầm Dơi thành công với mô hình nuôi sò huyết.
Theo lời lão nông này, nhiều năm trước trong một lần lặn hụp dưới kinh xáng Đông Hưng mò cua, bắt cá, ông Tám vô tình nhặt được mớ sò huyết giống, rồi mang về thả vào vuông tôm vì bán không ai mua. “Lúc đó không biết bỏ đâu nên thả đại vào vuông, ai ngờ vài tháng sau khoảng 2kg sò huyết giống lớn nhanh như thổi, giúp gia đình thu về gần cả triệu đồng. Thấy mô hình này áp dụng được nên tôi đầu tư lớn và thành công như ngày hôm nay” – ông Tám chia sẻ.
Nhiều nông dân ở địa phương này khẳng định, mô hình nuôi sò huyết xen canh trên đất nuôi tôm, cua đang là cứu cánh giúp nhiều gia đình thoát nghèo. “Khi thả sò huyết nuôi xen canh, tôm cua cũng ít bệnh. Ngoài nguồn thu hơn 100 triệu đồng/năm (1ha đất) từ sò huyết, tôi còn lãi gần 200 triệu đồng từ tiền thu hoạch tôm, cua” – ông Nguyễn Văn Lên (68 tuổi, ngụ xã Đông Hưng) nói.
Anh Nguyễn Văn La - cán bộ khuyến nông khuyến ngư xã Đông Thới cho biết: “Nhờ áp dụng thành công mô hình nuôi sò huyết mà nhiều hộ dân trong xã đã mua thêm nhiều đất đai, phương tiện sinh hoạt cũng được sắm đầy đủ”.
Mô hình nhân rộng
Nhiều nông dân còn gọi con sò huyết là con “1 vốn 4 lời”. Gọi như vậy không sai, ở đây cá biệt có hộ nuôi thành công lớn thì một vốn mang đến 7 - 8 lời là khác."
Theo ngành nông nghiệp địa phương, để giúp nhà nông nuôi sò huyết đạt hiệu quả cao, ngành nông nghiệp huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên môn giúp hộ nuôi sò huyết nắm bắt quy trình, kỹ thuật để giảm rủi ro, tăng hiệu quả.
Kỹ sư Nguyễn Thanh Giảng - Trưởng phòng NNPTNT huyện Cái Nước cho biết, toàn huyện có trên 6.600ha sò huyết, tập trung nhiều ở xã Đông Thới và Trần Thới.
Ông Giang vui mừng cho biết: “Tính đến đầu năm 2013, chính quyền xã Đông Thới thành lập được 2 tổ hợp tác nuôi sò huyết thương phẩm ở ấp Khánh Tư và Tổ hợp tác nuôi sò huyết ở ấp Kinh Lớn với trên 30 tổ viên tham gia”.
Tổ trưởng Tổ hợp tác Như Ý Danh Văn Đô tính: “Bình quân thả 1kg sò giống sau thời gian nuôi từ 6-12 tháng sẽ thu hoạch được từ 8-10kg sò huyết thương phẩm. Nếu nuôi mật độ vừa phải thì 1ha (10.000m2) thả được khoảng 200kg sò giống (loại sò tiêu từ 1.000-2.000con/kg). Sau 12 tháng sẽ thu hoạch, giá bán dao động từ 60.000-100.000/kg thì mỗi ha nuôi sò, sau khi trừ chi phí, người nuôi sò còn lời không dưới 100 triệu đồng...”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.