Bí quyết trồng lúa thời “bão giá”

Thứ sáu, ngày 11/03/2011 13:36 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhờ áp dụng "1 phải, 5 giảm", ông Bùi Văn Sô- ở ấp Hòa Long B, thị trấn Kinh Cùng (Phụng Hiệp, Hậu Giang) đã giảm tối đa chi phí trong trồng lúa.
Bình luận 0

Ông Sô có kinh nghiệm hơn 30 năm trồng lúa nên kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc để đạt năng suất cao, ông đã thấm nhuần. Vậy mà "ôm" cây lúa bao nhiêu năm, nhưng gia đình ông không thể khá giả. Có thời điểm giá lúa thấp trong khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao, ông và hầu hết nông dân trồng lúa ở địa phương không có lãi, thậm chí còn thua lỗ.

Chi phí giảm

img

Ruộng lúa áp dụng "1 phải, 5 giảm" của gia đình ông Bùi Văn Sô.

Ông Sô cho biết: "Nông dân trồng lúa rất giỏi kỹ thuật nhưng chi phí đầu vào tăng nên rất khó có lợi nhuận cao từ cây lúa. Vì vậy phải giảm tối đa chi phí sản xuất mới mong có lời được". Vậy là ông học hỏi qua các đợt tập huấn khuyến nông, qua sách báo để áp dụng kỹ thuật sản xuất lúa "3 giảm, 3 tăng" (giảm giống, phân bón, thuốc trừ sâu; tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả) rồi dần dà cải tiến thành "1 phải, 5 giảm" (phải dùng giống lúa xác nhận; giảm lượng nước, thất thoát sau thu hoạch, lượng giống gieo sạ, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón) trên cánh đồng của mình.

Ông Sô cho biết, trong "1 phải, 5 giảm" thì giảm sử dụng nước đem lại hiệu quả cao. Trước đây, nông dân thường để nước ngập chân ruộng hầu như suốt vụ nên tốn nhiều chi phí bơm tưới. Với kỹ thuật mới này thì ruộng lúa của ông Sô đã giảm tối đa việc sử dụng nước ngọt và trung bình 1ha đất sẽ tiết kiệm khoảng 15 lít xăng bơm tưới.

Nước chỉ bơm vào ruộng lúc mới sạ và lúc trổ bông nên lúa có ưu điểm là hạt chắc hơn, nhẹ lượng phân bón và rất ít đổ, ngã. Theo tính toán của ông Sô, nếu như trước đây chưa áp dụng cách sản xuất này thì phải sử dụng từ 20 đến 25kg phân đạm/ công đất (1.000m2). Còn hiện nay, lượng phân đạm sử dụng giảm xuống chỉ còn khoảng 14kg. Chính cách bón phân cân đối, hợp lý này giúp lúa ít sâu bệnh. "Trước đây, nông dân quan niệm sai lầm là sạ dày, bón thừa phân đạm. Chính làm như vậy sẽ tạo điều kiện cho sâu rầy phát triển, chi phí lại tăng" - ông Sô nói.

Ông Sô cho biết thêm: "Nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm nên cách làm này trong tương lai sẽ giúp nông dân rất nhiều. Qua đó có thể chia sẻ nguồn nước cho nhiều nông dân khác cùng sản xuất. Ngoài ra, việc siết nước cho khô, sau đó bơm nước vào sẽ giúp cây lúa thay bộ rễ mới nên giảm đáng kể lượng phân bón cho nông dân".

Năng suất vẫn tăng

Thực hiện "1 phải, 5 giảm" không chỉ giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, mà còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường do sử dụng ít phân bón, thuốc hóa học.

Tính đến nay, cánh đồng 1ha của ông Sô đã áp dụng "1 phải, 5 giảm" được 4 vụ và đều cho năng suất cao. Tất cả chi phí sản xuất đều được giảm đến mức thấp nhất, trong khi năng suất lại tăng lên. Các công đoạn sản xuất đều có liên quan nhau. Khi nông dân áp dụng sạ thưa, đương nhiên sẽ bón ít phân đạm. Lúa ít sâu bệnh nên kéo theo giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Lúa không đổ, ngã nên giảm thất thoát sau thu hoạch. Với cách làm mới, mỗi vụ ông Sô giảm chi phí sản xuất khoảng 8 triệu đồng/ha, tức giảm gần 50% so với những hộ không áp dụng kỹ thuật sản xuất này.

Vụ đông xuân này, ruộng lúa của ông Sô trúng mùa, dự kiến năng suất có thể lên đến 9 tấn/ha, cao nhất trong vùng. Ông Sô cho rằng, kỹ thuật sản xuất "1 phải, 5 giảm" sẽ mang lại hiệu quả cao hơn nữa trong thời điểm xăng dầu, chi phí vật tư nông nghiệp ngày càng leo thang nhanh như hiện nay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem