Bí quyết trồng nấm ăn cho Tết

Thứ bảy, ngày 10/12/2011 13:48 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Còn một tháng nữa là đến Tết. Ta đủ thời gian để làm một mẻ nấm sò (mà bà con ở phía Nam gọi là nấm bào ngư) phục vụ cho thị trường.
Bình luận 0

Nấm sò là loại nấm rất dễ trồng, mau cho thu hoạch và đạt năng suất cao nhất so với các loại nấm ăn khác. Từ 1kg rơm khô, ta có thể làm ra 1kg nấm sò hoặc hơn nữa. Có nghĩa là, nếu bạn có 1 tạ rơm là ta có thể làm được 1 tạ nấm sò. Hiện nay, giá 1kg nấm sò từ 15.000-20.000 đồng. Vậy, có 1 tạ nấm là ta thu được 1,5-2 triệu đồng. Mọi việc lại chỉ diễn ra trong 1 tháng.

img
 

Mà tại sao ta chỉ làm 1 tạ? Ta hãy làm 2-3 tạ hoặc 5-6 tạ! Nếu tốt, ta làm cả tấn rơm luôn. Nấm bán rất chạy, có bao nhiêu cũng bán hết. Càng tết, càng cần nấm!

Hiện nay ở thành phố, người ta đã hiểu hơn về nấm. Họ biết rằng, nấm ăn là loại rau cao cấp: Vừa chứa nhiều chất bổ, vừa sạch lại vừa ngon. Vì vậy, nấm rất được ưa chuộng. Nấm sò lại chế ra được nhiều món ăn. Phổ biến nhất là món xào. Ta có thể xào nấm sò với thịt bò, thịt lợn. Cũng có thể xào nó với rau, su su hoặc giá đỗ. Cũng có người dùng nấm sò để nấu canh. Có người lại luộc nấm sò rồi đem trộn với rau mầm.

Ở các nhà hàng, người ta dùng nấm sò để nấu lẩu. Có nơi còn tẩm nấm với gia vị và dầu ô liu rồi đưa đi nướng như nương chả, ăn rất ngon. Vì vậy, Tết này, nhà nào mà chả cần nấm sò. Bà con ta hãy bắt tay ngay vào việc trồng nấm sò.

Trước hết, ta phải lo nguyên liệu. Ta dùng rơm khô làm nguyên liệu là đơn giản nhất. Rơm phải khô, vàng và còn mùi thơm. Tốt nhất là ta rút rơm ở các cây rơm đã trữ từ trước. Ta phải xử lý rơm để diệt bỏ các loại bào tử khác đã có trong đó. Ta xử lý bằng nước vôi trong (1kg vôi bột/4m3 nước). Ta cho rơm vào bể hoặc vào hố đựng nước vôi trong và ngâm rơm khoảng 10-12 tiếng. Sau đó, vớt rơm ra và ủ thành đống trên sân.

Ta lấy tấm nylon phủ lên trên. Sau 2 ngày, ta dỡ đống ủ ra, đảo đều rồi lại ủ tiếp thêm 2 ngày nữa. Nhiệt độ trong đống rơm lên tới 60-70oC. Nó diệt hết các loại bào tử và làm cho rơm mềm ra. Sau đó, ta tãi rơm ra và đưa vào đóng bịch. Bịch là các túi nylon (kích cỡ 35cmx45cm hoặc các kích cỡ khác cũng được). Ta nhồi 1 lớp rơm, sau đó lại rải 1 lớp giống nấm xung quanh.

Ta chia bịch rơm thành 3-4 lớp và rải đều giống cho cả các lớp. Lớp trên cùng, ta rải giống khắp mặt. Sau đó, ta buộc chặt bịch lại, làm sao để bịch nấm thật chắc, thật chặt. Ta đưa bịch nấm đi ủ. Chờ vài ngày, sợi nấm bắt đầu loang ra. Nó cứ loang rộng dần. Tới khoảng 3 tuần thì sợi nấm loang ra khắp bịch nấm. Nó làm cho bịch nấm từ màu nâu trở thành màu trắng như bông. Lúc này, ta dùng dao sắc khứa độ 3-4 vết lên vỏ bịch nấm, mỗi vết độ 3cm ở xung quanh bịch.

Chỉ 1-2 hôm sau, từ vết cắt đó, nấm sẽ mọc ra. Lúc đầu, nó như một cụm đầu kim ghim nhỏ nhô ra. Lúc này, ta bắt đầu phun ẩm liên tục (phun mù nhiều lần). Những đầu kim đó lớn rất nhanh. Sau 2-3 hôm, mỗi đầu kim đã lớn lên bằng đồng xu hoặc lớn hơn nữa.

Khi cánh nấm to bằng lòng bàn tay hoặc bằng cái đĩa tách là ta có thể thu hoạch được. Ta hái cả cụm. Có cụm nặng tới 5-6 lạng. Bịch nấm sẽ lại tiếp tục mọc ra các cụm khác. Ta lại phun ẩm, lại thu. Tới khi nào bịch nấm nhẹ tênh, tức là toàn bộ xen - lu - lô của rơm đã chuyển thành nấm hết thì ta mới bỏ đi. Ta lột bao nylon và vứt bã nấm vào chuồng trâu, chuồng lợn để làm phân.

Nấm sò cần tiêu thụ ngay. Hái đến đâu, bán đến đấy. Ta có thể trồng kế tiếp các đợt nấm. Muốn có giống và tài liệu, xin liên hệ với khuyến nông địa phương hoặc Trung tâm nấm ăn ở Viện Di truyền nông nghiệp (qua số điện thoại: 0438.386.632).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem