Bí thư Bình Định hồi tưởng chuyện 'con đường lầy lội' từ thời làm thư ký Chủ tịch tỉnh Mai Ái Trực
Bí thư Bình Định hồi tưởng chuyện 'con đường lầy lội' từ thời làm Thư ký Chủ tịch tỉnh Mai Ái Trực
Dũ Tuấn
Thứ bảy, ngày 16/12/2023 06:28 AM (GMT+7)
Bí thư Bình Định kể, năm 2000 khi ấy là Thư ký Chủ tịch UBND tỉnh Mai Ái Trực, trong lần công tác trên con đường quê lầy lội, thấy cảnh cô dâu chú rể quần áo lấm lem ngày hạnh phúc. Bỗng, ông Mai Ái Trực rất tâm tư 'làm sao có con đường cho dân đi đàng hoàng, êm thuận' và từ đó, tâm tư hoá hành động.
"Chủ tịch tỉnh Mai Ái Trực rất tâm tư, có con đường cho dân đi đàng hoàng, êm thuận"
UBND tỉnh Bình Định vừa tổ chức Hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến triển khai thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển KT-XH năm 2024, vào chiều 15/12.
Tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, Bình Định đi lên từ tỉnh nghèo, rất khó khăn, để đạt được kết quả như hôm nay là "một kỳ tích".
"Ít ai nghĩ rằng, đến năm 2023 Bình Định lọt vào top 5 trong 14 tỉnh miền Trung và duyên hải Nam Trung bộ. Đây là thành tích đáng tự hào, là mồ hôi công sức của rất nhiều thế hệ, vun đắp, gây dựng nên. Có thể nói những gì khó khăn nhất, Bình Định đã vượt qua, vươn lên trở thành tỉnh khá và tới đây, quyết tâm ở vị trí top dẫn đầu", ông Dũng nói.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định hồi tưởng, chỉ 10 năm trước Bình Định hết sức khó khăn, ông còn nhớ mãi khi còn làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, họp Thường vụ Tỉnh ủy để bàn việc mở con đường Trần Phú, ở phía trước trụ sở UBND tỉnh lúc bấy giờ.
Kinh phí để thực hiện chỉ 15 tỷ đồng nhưng trong 3 cuộc họp của Thường vụ, vẫn không biết tìm tiền đâu để làm, rồi muốn mở đường sân bay tốn khoảng 17 tỷ đồng nhưng cũng không tìm được nguồn vốn.
"Cuối cùng, phải ra Nghị quyết ai làm được thì nợ 5 năm. Thời điểm đó, Bình Định rất khó khăn", ông Dũng nhớ lại.
Vẫn theo ông Hồ Quốc Dũng, xa hơn nữa là vào năm 2000, ông nhớ khi ấy còn làm thư ký cho Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Mai Ái Trực.
Trong 1 lần đi công tác ở huyện trung du Hoài Ân, khi đi ngang qua các con đường nông thôn lầy lội.
Gặp một đám cưới, chứng kiến cảnh cô dâu chú rể ngồi trên xe, quần áo lấm lem trong ngày hạnh phúc trọng đại. Bỗng lúc này, ông Mai Ái Trực rất tâm tư, làm sao để dân có đường đi cho đàng hoàng, êm thuận, sạch đẹp.
"Sau đó, tâm tư trên được thực hiện thành hành động, đã trình ra Thường vụ Tỉnh ủy xin ý kiến ban hành Chương trình xây dựng bê tông hóa giao thông nông thôn", ông Dũng hồi tưởng và cho biết, để bây giờ, Bình Định gần như bê tông hóa tất cả đường làng, ngõ xóm.
Bình Định có một nông thôn yên bình, sạch đẹp. Hạ tầng giao thông hàng đầu của miền Trung, việc này đã được Thủ tướng Chính phủ khen ngợi, đánh giá. Bình Định có một nền kinh tế, vững chắc trên cả 3 trụ cột "nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ du lịch".
Người đứng đầu Tỉnh ủy Bình Định cho rằng, ít có địa phương nào có sự phát triển đồng đều như Bình Định, đây là nỗ lực rất lớn. Bình Định cũng đang có rất nhiều thời cơ, thuận lợi để tiếp tục phát triển tăng tốc, hướng đến vị trí top đầu.
"Ít nhất là ở top 5, không thể cứ ngấp nghé. Nếu vẫn say sưa trong chiến thắng, Bình Định sẽ tụt hậu. Những tỉnh hiện nay ở top như Bình Định, có nhiều điều kiện thuận lợi hơn Bình Định. Nếu như không có quyết liệt, nỗ lực, quyết tâm lớn, khả năng trụ hạng rất khó", ông Dũng khẳng định.
"Việc làm của mỗi cán bộ, cần hướng đến hạnh phúc của dân"
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, Chính phủ đã ký thông qua quy hoạch tỉnh Bình Định đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo ông Dũng, đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhất, định hình cho sự phát triển của Bình Định trong tương lai.
"Tôi đã dành thời gian để đọc hết toàn bộ gần 100 trang, kể cả Nghị quyết lẫn phụ lục. Quy hoạch rất đầy đủ, đây là động lực tạo phát triển cho Bình Định", ông Dũng nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định chỉ đạo, UBND tỉnh phải có giải pháp thiết thực, cụ thể hóa quy hoạch thành nhiệm vụ của từng địa phương. Từng huyện, thị xã đều có trong quy hoạch, nếu làm đúng thì tương lai, Bình Định sẽ cất cánh.
"Cơ sở pháp lý đã đầy đủ, chỉ còn chờ cách làm. Phải xác định việc thực hiện quy hoạch là ưu tiên hàng đầu số 1, phải đọc nghiền ngẫm, suy nghĩ cách thực hiện đạt được mục tiêu nhiệm vụ, chỉ có như thế mới giữ được vị trí top đầu", ông Dũng nhắn nhủ.
Người đứng đầu Tỉnh ủy Bình Định đề nghị, thời gian tới cần đưa Bình Định trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hàng đầu, đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Làm sao để khi nhắc đến Bình Định là nơi "dù không muốn đến, họ cũng phải đến", đừng để xuất hiện hình ảnh "lắc đầu" khi nghĩ về Bình Định.
Để làm được việc này, trước hết cần tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện mạnh nữa môi trường đầu tư và phải có nguồn nhân lực để đáp ứng được nhu cầu.
"Từng cấp, ngành, địa phương cần suy nghĩ phải làm sao khai thác tối đa tìm năng lợi thế của mình. Đặc biệt, định hình rõ sự phát triển của chúng ta trong thời gian đến", ông Dũng yêu cầu.
Theo Bí thư Hồ Quốc Dũng, thời gian qua Bình Định rất lúng túng trong việc gắn sản xuất nông nghiệp với chế biến tiêu thụ. Nhưng Bình Định đã nỗ lực và kêu gọi được nhà đầu tư lớn, chế biến xuất khẩu về các lĩnh vực: thủy sản, gia súc gia cầm…
Ngoài ra, kêu gọi được nhà máy chế biến các sản phẩm nông sản. Từ đây, sản phẩm của người nông dân Bình Định trồng ra sẽ được thu mua, chế biến, xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Đối với ngành du lịch, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đặc biệt lưu ý, cần phải làm mới. Bởi, hiện nay, khách du lịch đến Bình Định còn ít.
Trước đây, năm 2019, có thời điểm mỗi ngày Cảng Hàng không Phù Cát đón 40 chuyến bay đi và đến, vận chuyển hàng nghìn khách, cả thành phố Quy Nhơn đông nghẹt đường, như ngày hội. Bây giờ, đi từng quán bún, phở, nhà hàng, khách sạn… đều ế ẩm.
Hiện ở Hà Nội, TP.HCM về Bình Định mỗi ngày chỉ 2-3 chuyến bay, mỗi chuyến chỉ 90-100 người.
"Như vậy, thì khách du lịch ở đâu? Không thể cứ thể mãi như vậy được, nếu vẫn cứ say sưa ca ngợi thì Bình Định sẽ tụt lùi. Phải nghĩ đến những sản phẩm đặc trưng, riêng có của Bình Định, để kéo du khách đến với tỉnh", ông Dũng đặt vấn đề.
Vẫn theo ông Hồ Quốc Dũng, cùng với việc phát triển kinh tế, cũng cần quan tâm hơn nữa đến giáo dục, y tế, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo…
"Chúng ta nói GDP tăng 10-20% nhưng mà đến trường học, cơ sở y tế thiếu thốn, thì không có ý nghĩa gì cả. Làm sao bảo đảm điều kiện tốt nhất, con em Bình Định đi học đến trường khang trang sạch đẹp, là nơi để lại nhiều kỉ niệm đẹp trong cuộc đời học sinh. Dân đến chữa bệnh phải có nơi tiện nghi, đầy đủ, khó mấy cũng phải làm tốt việc an sinh xã hội", ông Dũng cho hay.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định khẳng định, quyết định vẫn là yếu tố con người, do vậy phải xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn thách thức, dám tìm ra cái mới.
"Mỗi việc làm phải hướng đến hạnh phúc của người dân. Giải quyết việc gì cần phải nghĩ có đem lại lợi ích cho người dân hay không. Nếu chúng ta quyết tâm, đoàn kết, nhất trí, quyết liệt trong công việc, dám dấn thân vào những khó khăn, thách thức để làm, thì chắc chắn Bình Định sẽ đạt được những thành quả tốt hơn nữa trong thời gian đến", ông Dũng nói.
Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, năm 2024, tỉnh xác định đây là năm bản lề, tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh đảng bộ lần thứ XX, góp phần quan trọng thực hiện hoàn thành thắng lợi mục tiêu kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Năm 2024, HĐND tỉnh Bình Định giao 21 chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển KT-XH, trong đó mức tăng trưởng GRDP từ 7,5-8%; tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh 15.000 tỷ đồng (trong đó, thu nội địa 14.267 tỷ đồng); tạo việc làm mới cho 32.500 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới 2,0%.... Đặc biệt, chỉ tiêu giao số lượng căn hộ nhà ở xã hội hoàn thành 1.400 căn hộ.
Ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu, cần nỗ lực hơn nữa, chủ động khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức.
Tạo đột phá về cải cách hành chính, đạo đức công vụ. Phát huy tính năng động, tư duy đổi mới, sáng tạo, hành động quyết liệt với tinh thần "bứt phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung", để triển khai thực hiện các nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2024.
"Tiếp tục đổi mới phong cách chỉ đạo, điều hành theo phương châm: "Làm gương, kỷ cương, trọng tâm, bứt phá". Toàn bộ hệ thống chính quyền phải chuyển đổi tư duy từ "chính quyền quản lý" sang "chính quyền phục vụ"; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Hỗ trợ, giúp đỡ để người dân chuyển đổi phương thức sản xuất mới, hiệu quả để vươn lên làm giàu bền vững", ông Tuấn yêu cầu.
Ông Mai Ái Trực (SN 1946, tại tỉnh Bình Định), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX (2001 - 2006), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (2002-2007). Trước đó, ông từng là Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.