"Điểm mặt" 6 nhà đất công trên "đất vàng" ở Bình Định chậm đưa vào sử dụng

Dũ Tuấn Thứ ba, ngày 12/12/2023 06:30 AM (GMT+7)
6 cơ sở nhà đất công trên “đất vàng” ở TP.Quy Nhơn, Bình Định chậm đưa vào sử dụng, có nhiều lý do khác nhau. Tuy nhiên, có trường hợp được UBND tỉnh Bình Định giao trụ sở từ hơn 2 năm trước nhưng đến nay, vẫn đang ở giai đoạn “hoàn thiện lại thiết kế”.
Bình luận 0

Tỉnh giao trụ sở hơn 2 năm, Liên minh Hợp tác xã vẫn đang làm lại thiết kế

Nói với Dân Việt, ông Nguyễn Thành Hải – Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Định cho biết, Sở này đang tiếp tục theo dõi, đôn đốc 6 trụ sở công tại TP.Quy Nhơn, đẩy nhanh tiến độ đưa vào sử dụng.

Nhiều nhà đất công trên "đất vàng" ở Bình Định chậm đưa vào sử dụng. VIDEO: DŨ TUẤN.

Việc nhiều trụ sở chậm trễ đưa vào sử dụng, khiến đại biểu lo ngại "lãng phí tài sản công" và buộc Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thành Hải phải giải trình, tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Định, lần thứ 14.

Ông Nguyễn Thành Hải cho hay, đáng chú ý là cơ sở nhà đất số 75 Mai Xuân Thưởng, từ tháng 6/2021, UBND tỉnh Bình Định đã giao cho Liên minh Hợp tác xã, làm trụ sở. 

Tuy nhiên, đến nay Liên minh Hợp tác xã vẫn đang hoàn thiện lại thiết kế trụ sở, theo ý kiến của Sở Xây dựng.

"Điểm mặt" 6 nhà đất công trên "đất vàng" ở Bình Định chậm đưa vào sử dụng - Ảnh 3.

Trụ sở 264 Trần Hưng Đạo (Chi cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Cục Hải quan cũ), đang được sửa chữa làm trụ sở làm việc cho Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP.Quy Nhơn. Ảnh: Dũ Tuấn.

Trụ sở 264 Trần Hưng Đạo (Chi cục Kiểm tra sau thông quan thuộc Cục Hải quan cũ), năm 2022 UBND tỉnh Bình Định đã giao cho Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh. 

Đến nay, cơ quan này đang sửa chữa trụ sở làm việc cho Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai TP.Quy Nhơn.

Còn trụ sở 17 Ngô Quyền, tháng 1/2023 UBND tỉnh Bình Định giao cho Trung tâm y tế TP.Quy Nhơn, hiện nay Trung tâm này đang xây dựng Khoa kiểm soát bệnh tật, HIV/AIDS, an toàn thực phẩm và một số phòng chức năng của bộ phận kế hoạch hoá gia đình.

Cơ sở nhà đất 267 Trần Hưng Đạo (trụ sở cũ Chi cục Thuế TP.Quy Nhơn), năm 2021 UBND tỉnh Bình Định giao cho Văn phòng Thành uỷ Quy Nhơn để bố trí làm Trung tâm chính trị TP.Quy Nhơn. 

Tuy nhiên, thời điểm này, UBND TP.Quy Nhơn đang tạm giao cho Trung tâm y tế thành phố sử dụng tạm thời trong thời gian thi công, công trình xây dựng mới khu nhà điều trị nhà hành chính.

"Điểm mặt" 6 nhà đất công trên "đất vàng" ở Bình Định chậm đưa vào sử dụng - Ảnh 4.

Trụ sở 17 Ngô Quyền đang trong quá trình thi công xây dựng. Ảnh: Dũ Tuấn.

Trụ sở 66 Hàn Mặc Tử, năm 2022, UBND tỉnh Bình Định giao cho UBND TP.Quy Nhơn quản lý. UBND TP.Quy Nhơn đã trình UBND tỉnh Bình Định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng dự án Khu dịch vụ công cộng kết hợp bãi đổ xe. Hiện tại, vẫn đang chờ hoàn thiện lại các nội dung theo góp ý của các sở có liên quan.

Cơ sở nhà đất 236 Phan Bội Châu (Cục thuế tỉnh Bình Định cũ), tháng 5/2023 UBND tỉnh Bình Định giao cho về Sở Văn hoá và Thể thao quản lý sử dụng, vào mục đích làm khu nhà ở cho huấn luyện viên và vận động viên thể thao. 

UBND tỉnh Bình Định giao Ban quản lý dự án dân dụng và công nghiệp chủ trì phối hợp cùng Sở Văn hoá và Thể thao, triển khai thực hiện cải tạo, sửa chữa. Sở Kế hoạch và Đầu tư đang thẩm định chủ trương đầu tư.

Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Bình Định đang tạm thời làm việc, trong thời gian cải tạo, sửa chữa trụ sở 183 Lê Hồng Phong.

"Điểm mặt" 6 nhà đất công trên "đất vàng" ở Bình Định chậm đưa vào sử dụng - Ảnh 5.

Cơ sở nhà đất 267 Trần Hưng Đạo (trụ sở cũ Chi cục Thuế TP.Quy Nhơn). Ảnh: Dũ Tuấn.

Chủ tịch tỉnh yêu cầu tránh tình trạng bỏ trống tài sản công gây lãng phí

Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Định Nguyễn Thành Hải cho rằng, có tình trạng chậm đưa các cơ sở nhà đất công tại TP.Quy Nhơn vào sử dụng, nhưng mức độ "chưa đến mức trầm trọng". 

Vẫn theo ông Nguyễn Thành Hải, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc chậm đưa trụ sở công vào sử dụng. 

Trong đó, có trách nhiệm của đơn vị chủ thể được UBND tỉnh Bình Định giao quản lý nhưng chưa quyết liệt trong việc đưa trụ sở vào sử dụng. 

"Điểm mặt" 6 nhà đất công trên "đất vàng" ở Bình Định chậm đưa vào sử dụng - Ảnh 6.

Cơ sở nhà đất 236 Phan Bội Châu, Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Bình Định đang tạm thời làm việc. Ảnh: Dũ Tuấn.

Tuy nhiên, cũng có nhiều nguyên nhân khách quan, nằm ngoài tầm của các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ quản trụ sở công, vì dự án xây dựng phải thực hiện đúng thủ tục theo quy định pháp luật về đầu tư công, đấu thầu và chờ bố trí vốn.

"Chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi và đề nghị các cơ quan được giao trụ sở công cần lưu ý, đẩy nhanh tiến độ đưa vào sử dụng, tránh tình trạng để kéo dài", ông Nguyễn Thành Hải nói.

Sau khi Sở Tài chính báo cáo về tình trạng cơ sở nhà đất công để trống trên địa bàn TP.Quy Nhơn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn đã cho ý kiến, yêu cầu các cơ quan, đơn vị đã được UBND tỉnh quyết định giao cơ sở nhà đất, nhưng chưa đưa vào sử dụng. 

Cần khẩn trương thực hiện các thủ tục để đưa vào sử dụng, đảm bảo việc quản lý sử dụng tài sản công hiệu quả, tiết kiệm, tránh tình trạng bỏ trống gây lãng phí.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bình Định cũng giao Sở Tài chính theo dõi đôn đốc, kịp thời báo cáo đề xuất UBND tỉnh phương án xử lý, đối với cơ sở nhà đất, chậm đưa vào sử dụng. 

"Điểm mặt" 6 nhà đất công trên "đất vàng" ở Bình Định chậm đưa vào sử dụng - Ảnh 6.

Cơ sở nhà đất số 75 Mai Xuân Thưởng, TP.Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn.

Bình Định thu ngân sách hơn 206 tỷ đồng từ việc bán tài sản công sau khi sắp xếp lại

Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Định Nguyễn Thành Hải cho hay, hiện tại còn 2 trụ sở "dư phôi" trên địa bàn TP.Quy Nhơn, nhưng chưa được xử lý.

Cụ thể, cơ sở nhà đất 119 Lê Lợi (trụ sở cũ của Văn phòng Sở Tư pháp) và 715 Trần Hưng Đạo (trụ sở cũ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Sở Tư pháp). 

Hiện nay, Sở Tài chính đã có tờ trình đề nghị bán tài sản (lần 2), UBND tỉnh Bình Định giao Sở Tài chính thực hiện rà soát tổng thể, đối với cơ sở nhà đất do tỉnh quản lý nhưng không còn nhu cầu sử dụng, để đề xuất phương án xử lý theo đúng quy định.

Theo Sở Tài chính tỉnh Bình Định, căn cứ Nghị định số 167 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại xử lý tài sản công, Nghị định số 67 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 167, tổng số cơ sở nhà đất của địa phương thuộc phạm vi đối tượng sắp xếp lại, xử lý là 3.808 cơ sở, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành phương án sắp xếp đối với 3.486 cơ sở (chiếm khoảng 92%).

"Điểm mặt" 6 nhà đất công trên "đất vàng" ở Bình Định chậm đưa vào sử dụng - Ảnh 7.

Cơ sở nhà đất 119 Lê Lợi (trụ sở cũ của Văn phòng Sở Tư pháp, ở giữa) đang được đề nghị bán đấu giá tài sản do dư phôi. Ảnh: Dũ Tuấn.

Cụ thể, giữ lại tiếp tục sử dụng 3.303 cơ sở, thu hồi 38 cơ sở, điều chuyển 63 cơ sở, chuyển giao về địa phương quản lý xử lý 66 cơ sở, bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất 16 cơ sở.

Đối với 322 cơ sở nhà đất còn lại, Sở Tài chính tỉnh Bình Định đã trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất, tại Tờ trình số 568 ngày 29/11/2023.

Hiện nay, tổng số tiền đã nộp vào ngân sách Nhà nước thông qua việc bán đấu giá tài sản công là trụ sở làm việc, sau khi thực hiện công tác sắp xếp lại, xử lý nhà đất là 206,4 tỷ đồng (năm 2023, thực hiện bán 5 ngôi nhà với số tiền nộp vào ngân sách tỉnh là 65 tỷ đồng).


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem