Bí thư Đồng Nai: "Doanh nghiệp xây được nhà xưởng cũng nên xây nhà ở cho người lao động"

Nha Mẫn Thứ sáu, ngày 22/10/2021 09:45 AM (GMT+7)
Theo ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai, doanh nghiệp muốn giữ chân lao động cần quan tâm đến chỗ ở cho người lao động, không nên để người lao động sống khổ sở, thiếu thốn.
Bình luận 0

Ngày 22/10, ông Lê Văn Danh - Phó trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tại Đồng Nai cho biết đến thời điểm này, các doanh nghiệp tại Đồng Nai cơ bản đều đã tái hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Bí thư Đồng Nai: "Doanh nghiệp xây được nhà xưởng cũng nên xây nhà ở cho người lao động" - Ảnh 1.

Ông Danh thông tin về các vấn đề phục hồi kinh tế của doanh nghiệp tại cuộc họp ngày 22/10. Ảnh: Nha Mẫn

Nhiều ngày qua, Đồng Nai không còn doanh nghiệp đăng ký mới đối với mô hình sản xuất 3 tại chỗ. Tỷ lệ công nhân lưu trú tại doanh nghiệp hiện chỉ còn 40.000 người, do một số doanh nghiệp vẫn chưa an tâm, lo lắng ảnh hưởng đến đơn hàng cuối năm nên chưa dám “thả cửa” cho công nhân đi về trong ngày.

Bí thư Đồng Nai: "Doanh nghiệp xây được nhà xưởng cũng nên xây nhà ở cho người lao động" - Ảnh 2.

Bí thư Đồng Nai đề nghị quan tâm chăm lo đời sống người lao động. Ảnh: Nha Mẫn

Cũng theo ông Danh, doanh nghiệp gỗ là những doanh nghiệp may mắn ít bị ảnh hưởng nhất bởi dịch bệnh, đơn hàng đều đặn, khách hàng cũng không gây khó dễ.

“Hiện nay, doanh nghiệp dù đã hoạt động lại nhưng vẫn chưa hết công suất. Một số doanh nghiệp có tình trạng thiếu công nhân. Dù vậy việc phục hồi kinh doanh sản xuất diễn ra nhanh và đang ổn định dần. Các doanh nghiệp cũng mong muốn sớm phủ được mũi 2 vaccine ngừa Covid-19 cho công nhân”, ông Danh nhấn mạnh.

Bí thư Đồng Nai: "Doanh nghiệp xây được nhà xưởng cũng nên xây nhà ở cho người lao động" - Ảnh 3.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đề nghị các doanh nghiệp chăm lo quan tâm đời sống công nhân. Ảnh: Nha Mẫn chụp công nhân Công ty Changshin vào tháng 10

Trước báo cáo của đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp tại Đồng Nai, ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cho biết, địa phương sẽ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp. 

Đối với tình trạng thiếu công nhân trong giai đoạn hiện nay, ông Lĩnh hy vọng doanh nghiệp phải chấp nhận đương đầu với những khó khăn này. Bởi sau một “cơn bão” đi qua thì doanh nghiệp cần phải kịp thời thích ứng nhanh, đổi mới và không thâm dụng lao động như trước.

“Doanh nghiệp nên ứng dụng công nghệ vào sản xuất, thực hiện tự động và bán tự động dây chuyền để cải tổ lại sản xuất. Đã đến lúc cần thay da đổi thịt để thích ứng với giai đoạn khó khăn", ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh. 

Ngoài ra, ông Lĩnh cho rằng muốn giữ chân lao động thì địa phương, doanh nghiệp phải chăm lo cho người lao động nhiều hơn về cả nơi ở, đời sống lẫn sức khỏe. "Đặc biệt, nên quan tâm đến nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Không được bỏ mặc người lao động nhất là những giai đoạn khó khăn”, ông Lĩnh nói.

Cũng theo ông Lĩnh, doanh nghiệp có thể bỏ tiền ra xây dựng nhà máy thì cũng nên bỏ tiền ra xây dựng nhà ở cho người lao động bởi người lao động là đối tượng tạo ra giá trị thặng dư, gia tăng cho xã hội.  

Ông Lĩnh nói thêm: “Trước mắt việc hỗ trợ người lao động, người khó khăn phải thực hiện theo tiêu chí thà trao nhầm hơn bỏ sót bởi nhầm một vài suất không quan trọng, chỉ lo thiếu, lo sót cho người cần”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem