Bí thư Hà Nội: "Xét nghiệm diện rộng là rất cần thiết nhằm bóc tách triệt để F0 trong lúc này"
Bí thư Hà Nội: "Xét nghiệm diện rộng rất cần thiết nhằm bóc tách triệt để F0 trong lúc này"
Thành An
Thứ bảy, ngày 14/08/2021 15:13 PM (GMT+7)
"Chiến dịch xét nghiệm mới triển khai được 1-2 ngày, nhưng sau khi lấy được hơn 200.000 mẫu, đã phát hiện 17 mẫu dương tính với SASR-CoV-2. Điều này cho thấy đây là biện pháp trúng, đúng và rất cần thiết trong lúc này", Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.
Từ ngày 9 đến 17/8, TP.Hà Nội sẽ thực hiện lấu mẫu xét nghiệm quy lớn nhất từ trước đến nay trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, TP sẽ xét nghiệm tối đa khoảng 1,3 triệu mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR, đồng thời dự kiến triển khai xét nghiệm test nhanh khoảng 2 triệu mẫu. Về việc này, ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, trả lời báo chí về chiến dịch này.
Thưa ông, vì sao Hà Nội quyết định triển khai chiến dịch xét nghiệm diện rộng vào lúc này?
- Muốn xác định được người nhiễm, người mắc bệnh, xác định được ổ dịch thì chỉ có xét nghiệm. Đây là bước quan trọng để thực hiện chiến dịch chống dịch xuyên suốt theo 5 nguyên tắc "ngăn chặn - phát hiện - cách ly - khoanh vùng - dập dịch".
Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 24/7. Tuy nhiên mỗi ngày vẫn ghi nhận số ca mắc mới từ 60 đến 80, có ngày trên 100; xuất hiện nhiều chùm ca bệnh phức tạp với số ca mắc lớn, có nhiều ca bệnh trong cộng động và nhiều ca bệnh chưa xác định được nguồn lây.
Dịch bệnh đã xuất hiện trong bệnh viện, nhà máy sản xuất, cơ quan, doanh nghiệp, chuỗi cung ứng, chợ đầu mối... và tiếp tục có nguy cơ bùng phát nếu không có biện pháp quyết liệt hơn nữa.
Với chủng mới Delta của virus, các F0 tiềm ẩn ít biểu hiện rất khó phát hiện nhưng lại có khả năng lây nhiễm cao. Chúng ta không thể chờ F0 biểu hiện để bóc tách ra khỏi cộng đồng và rất khó khăn nếu kéo dài giãn cách xã hội cho nên phải tổ chức xét nghiệm diện rộng để chủ động tìm và bóc tách triệt để F0, không để dịch lây lan, bùng phát.
Mặc dù, chiến dịch xét nghiệm mới triển khai được 1-2 ngày, nhưng sau khi lấy được hơn 200.000 mẫu, đã phát hiện 17 mẫu dương tính với SASR-CoV-2. Điều này cho thấy đây là biện pháp trúng, đúng và rất cần thiết trong lúc này.
Theo kế hoạch được ban hành, Hà Nội Nội dự kiến lấy 1,3 triệu mẫu xét nghiệm theo công nghệ RT-PCR và dự kiến khoảng 2 triệu test nhanh. TP làm thế nào để bảo đảm việc này thật sự hiệu quả, thưa ông?
- Chiến dịch xét nghiệm lần này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, phạm vi rộng, đối tượng nhiều, tiến độ đòi hỏi nhanh (chậm nhất ngày 17/8 phải hoàn thành). Cho nên, các đơn vị tham gia và điều phối phải nêu cao ý thức trách nhiệm, quyết tâm thực hiện ở mức cao nhất để tranh thủ từng phút, từng giờ, bóc tách triệt để F0 ra khỏi cộng đồng.
TP thực hiện có trọng tâm, trọng điểm để bảo đảm thực chất, hiệu quả. Việc chỉ định xét nghiệm phải đúng, trúng khu vực nguy cơ cao (vùng đỏ, vùng da cam), nhóm đối tượng nguy cơ và mở rộng xét nghiệm theo đại diện hộ gia đình.
Ngay từ khâu chuẩn bị đã phải thật chu đáo, toàn diện. Phương án lấy mẫu, làm xét nghiệm phải thống nhất, phù hợp năng lực xét nghiệm trong 24 giờ không để mẫu tồn và khi phát hiện ra ca nhiễm thì phải khẩn trương tổ chức khoanh vùng xử lý triệt để ngay không để dịch bệnh bùng phát.
Vậy những trường hợp nào sẽ được lấy mẫu xét nghiệm, thưa ông?
- Trên cơ sở đánh giá nguy cơ của ngành y tế, các quận, huyện, thị xã sẽ chỉ đạo tổ chức lấy mẫu và chia theo 3 khu vực: Khu vực đỏ (nguy cơ cao nhất), cam (nguy cơ cao) và vàng (nguy cơ). Cách thức đánh giá phải tuân theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19.
Ví dụ, Hà Nội ưu tiên xét nhiệm trước hết tập trung vào "nhóm đỏ", ở trong các xã, phường nguy cơ rất cao và nguy cơ cao theo quy định của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Việc lấy mẫu xét nghiệm theo hộ gia đình sẽ được thực hiện tại các quận nội thành và huyện có nguy cơ cao theo chỉ định về mặt dịch tễ của ngành y tế. Mỗi gia đình lấy đại diện một mẫu của một thành viên có nguy cơ cao nhất, có thể căn cứ theo tiền sử di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người, thường xuyên tới khu vực nguy cơ cao như bệnh viện, chợ...
Ông nói gì về việc một số người dân và tổ chức sử dụng test nhanh kháng nguyên để tự phát hiện ca nhiễm?
- Với việc tổ chức, cá nhân tự ý xét nghiệm, quan điểm là TP không khuyến khích. Vì test nhanh để bảo đảm hiệu quả phải có hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Ngoài ra, việc tự làm xét nghiệm, nếu cho kết quả sai có thể sẽ dẫn đến sự chủ quan trong việc phòng, chống dịch bệnh, khi ấy sẽ rất nguy hiểm.
Là người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội, ông có chỉ đạo gì đối với các cấp ủy Đảng và hệ thống chính trị cũng như yêu cầu ra sao với người dân để chiến dịch xét nghiệm lần này đạt mục tiêu đề ra?
- Thành ủy đề nghị Ban Cán sự đảng UBND TP chỉ đạo huy động tổng lực ngành y tế tham gia chiến dịch này. Ngoài đơn vị công lập, các bệnh viện tư nhân đủ năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 cũng tham gia; đề nghị các bệnh viện, đơn vị y tế của Trung ương, bộ, ngành hỗ trợ; huy động thêm đội ngũ khác như sinh viên, cán bộ y tế ngoài công lập, y tế học đường... để bổ sung cho lực lượng y tế trong việc lấy mẫu diện rộng, nhập số liệu.
Sở Y tế chịu trách nhiệm chỉ đạo việc chuyển mẫu xét nghiệm, bàn giao mẫu và thực hiện xét nghiệm không để tồn mẫu và bảo đảm tiến độ trả kết quả xét nghiệm; chỉ ký hợp đồng với các đơn vị thực hiện xét nghiệm đủ điều kiện...
Cấp ủy Đảng, chính quyền các quận, huyện, thị xã phải xây dựng kế hoạch triển khai, bố trí địa điểm lấy mẫu xét nghiệm phù hợp tình hình thực tế của địa phương, chịu trách nhiệm toàn diện về công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 trên địa bàn bảo đảm tuyệt đối an toàn...
Thành ủy kêu gọi người dân nhận thức sâu sắc rằng việc xét nghiệm trước hết là nhằm bảo vệ sức khỏe của chính mình. Nếu người nào thuộc đối tượng lấy mẫu xét nghiệm, cần chủ động, tích cực hợp tác và giúp đỡ cơ quan chuyên môn hoàn thành nhiệm vụ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.