Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh (ảnh NBTV).
Sáng nay (16.7), tại Hà Nội diễn ra Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhiều đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng đã tới dự.
Trong báo cáo chuyên đề thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Ninh Bình, bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết: Bước vào xây dựng nông thôn mới, Ninh Bình là địa phương có xuất phát điểm thấp, bình quân chỉ đạt 5 tiêu chí/xã, có xã mới đạt 1 -2 tiêu chí; cơ sở hạ tầng thấp kém, nguồn lực có hạn, một bộ phận người dân còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Trước những khó khăn trên Ninh Bình đã có cách làm sáng tạo, hiệu quả. Đó là các cấp các ngành chỉ đạo quán triệt, triển khai nghiêm túc, sâu sát các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước và của tỉnh về xây dựng nông thôn mới, bằng việc tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho cán bộ từ tỉnh đến thôn, xóm, sau đó tổ chức sinh hoạt chi bộ, đoàn thể nhiều kỳ, kết hợp với thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị, cán bộ đảng viên và nhân dân. Thông qua đó, nhận thức của nhân dân có sự chuyển biến tích cực. Nhân dân hiểu rằng, xây dựng nông thôn mới chính là làm đổi thay diện mạo làng xã quê hương mình, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên”, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cho biết.
Nình Bình được đánh giá là địa phương tốp đầu trong xây dựng nông thôn mới (ảnh IT).
Thêm một cách làm mới được Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình chỉ rõ đó là việc thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”, tại các xã, ngay từ việc xây dựng đề án quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất đai, dồn điền đổi thửa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng kết cấu hạ tầng, phương án sản xuất, xây dựng nếp sống văn hóa, huy động đóng góp… đều được công khai để dân biết, dân được bàn, dân được quyết định, được giám sát.
“Nhân dịp này tỉnh đã chỉ đạo các địa phương bổ sung quy ước, hương ước của thôn, xóm những nội dung mới về xây dựng nông thôn mới để thuận lợi trong quá trình bàn bạc, quyết định, tham gia của nhân dân. Nhiều nội dung được lấy ý kiến của nhân dân nhiều lần, trình bày kỹ để dân hiểu, nhân dân được giám sát thông qua Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng”, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết.
Vẫn theo Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình, để tạo điều kiện cho các Sở, ban ngành đoàn thể gần cơ sở, sát với người dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định về việc phân công các cơ quan, đơn vị phụ doanh nghiệp kết nghĩa với những xã có tính chất đặc thù. Theo đó đã phân công 55 cơ quan, đơn vị phụ trách và 98 doanh nghiệp kết nghĩa với 55 xã đặc thù, nhằm giúp đỡ các xã còn nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới.
Điểm đáng chú ý, bên cạnh thực hiện có chất lượng 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới do Trung ương quy định, Ninh Bình đã quy định thêm tiêu chí số 20 “ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân” để xem xét, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trước khi hoàn thiện hồ sơ báo cáo cấp có thẩm quyền thẩm định kết quả xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo xã phát phiếu lấy ý kiến các hộ dân xem xã đã đủ điều kiện công nhận nông thôn mới hay không; và chỉ khi được từ 90% số phiếu nhất trí trở lên mới đủ điều kiện xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thanh cho biết thêm, trong 7 năm triển khai thực hiện tỉnh Ninh Bình đã thực hiện được nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới với tổng số tiền gần 33 nghìn tỷ đồng, trong đó đóng góp từ người dân 8,1 nghìn tỷ đồng; vận động nhân dân hiến trên 1.000 ha đất để dồn điền đổi thửa…
Nói về kết quả của từ xây dựng nông thôn mới ở Ninh Bình, bà Nguyễn Thị Thanh đã nêu một ví dụ sinh động. Đó là trường hợp người nông dân ở xã Khánh Thành huyện Yên Khánh khi trả lời trên truyền hình, đã nói một cách mộc mạc rằng ông mở mắt ra đã có 400 nghìn đồng. “Đó là thực tiễn, có được như vậy là nhờ gì, nhờ thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở trong xây dựng nông thôn mới, trong chuyển đổi tái cơ cấu nông nghiệp”, bà Thanh nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.