Trong thư gửi Tổng Biên tập báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt, ông Hải cho biết, những năm qua, Bắc Giang đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung với những nông sản đặc trưng, nổi tiếng, trở thành vùng trồng cây ăn quả lớn thứ ba và vùng trồng vải thiều chuyên canh lớn nhất toàn quốc; vùng chăn nuôi gà đồi Yên Thế đứng thứ hai và tổng đàn lợn đứng thứ ba cả nước…
Vải thiều sớm tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đang có giá 40.000 đồng/kg. Ảnh: BBG.
Riêng sản phẩm vải thiều Lục Ngạn đang từng bước được tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, từ quy hoạch vùng trồng đến sản xuất và tiêu thụ; đã được cấp văn bằng bảo hộ tại 6 quốc gia và đang tiến hành đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp tại Mỹ, Australia, Malaysia và một số nước trên thế giới, hàng năm doanh thu từ vải thiều đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân các huyện miền núi và đã trở thành cây xóa đói giảm nghèo.
Để đạt được những thành công này, theo ông Hải, có sự phối hợp, giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của các cơ quan Trung ương và địa phương; các tổ chức, cá nhân trong đó có NTNN/Dân Việt trong việc bố trí phóng viên, dành nhiều chuyên trang, chuyên mục, thời lượng đưa tin về tình hình địa phương nói chung và hoạt động sản xuất, tiêu thụ vải thiều nói riêng.
Ông Hải cho biết thêm, hiện mùa vải thiều năm 2018 đã chuẩn bị bắt đầu, do thời tiết thuận lợi và người dân đổi mới sản xuất, dự báo sản lượng vải thiều toàn tỉnh đạt khoảng 150.000 – 200.000 tấn, gấp gần 2 lần so với năm 2017. Trước tình hình trên, ngay từ đầu năm, tỉnh Bắc Giang đã chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ người dân tiêu thụ vải thiều. Nếu gặp bất cứ cản trở, vướng mắc nào, dù đó là một thông tin trái chiều, bất lợi là có thể dẫn đến tồn đọng, giảm giá vải, gây thiệt hại lớn cho nông dân.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang kiểm tra dây chuyền bảo quản vải thiều. Ảnh: BBG.
“Để tiếp nối thành công trong mùa vải thiều năm 2018 và mang lại niềm vui, ấm no, hạnh phúc của người trồng vải không thể thiếu vai trò rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định của các cơ quan báo chí và truyền thông, trong đó có báo NTNN”, ông Hải khẳng định trong thư.
Ông Hải cũng mong muốn, trên nền tảng mối quan hệ phối hợp cộng tác chặt chẽ của NTNN với địa phương, báo NTNN sẽ tiếp tục đồng hành, sát cánh giúp tỉnh Bắc Giang và người trồng vải đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu thường xuyên, kịp thời các hoạt động tuyên truyền, quảng bá vải thiều.
“Chúng tôi sẽ cử cơ quan chuyên môn làm đầu mối có trách nhiệm thường xuyên phối hợp, hỗ trợ phóng viên báo NTNN/Dân Việt đi thực tế cơ sở, nắm đầy đủ thông tin chính thức để phục vụ công tác tuyên truyền”, ông Hải khẳng định và tin rằng, trước những thông tin có ảnh hưởng thiếu tích cực cho công tác tiêu thụ vải thiều, NTNN/Dân Việt sẽ chọn mục tiêu tốt nhất cho nông dân vì báo luôn là “người bạn tốt nhất của nông dân”.
Được biết, thời điểm này, một số vườn vải sớm tại Lục Ngạn bắt đầu cho thu hoạch. Do làm chủ kỹ thuật chăm sóc nên vải cho mã đẹp, chất lượng thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Giá bán tại vườn bình quân khoảng 40.000 đồng/kg, cao hơn một số loại vải sớm ở địa bàn khác. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.