Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng cùng Chủ tịch Phạm Anh Tuấn khảo sát "báu vật" rộng 5.000ha
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng cùng Chủ tịch Phạm Anh Tuấn khảo sát "báu vật" rộng 5.000ha
Dũ Tuấn
Thứ hai, ngày 27/02/2023 06:30 AM (GMT+7)
Đầm Thị Nại với diện tích trên 5.000ha mặt nước, đang là “báu vật” hiếm có, nếu khai thác đúng tiềm năng sẽ là động lực lớn cho ngành du lịch tỉnh Bình Định.
Ngày 26/2, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cùng Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn dẫn đầu đoàn công tác tỉnh, cùng với chuyên gia, đi khảo sát để thành lập một số tour, tuyến, điểm du lịch mới tại đầm Thị Nại và 1 số điểm du lịch ở huyện Tuy Phước (Bình Định).
Cùng đi có TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vietravel.
Đến khảo sát tại đầm Thị Nại, nhiều chuyên gia, đại diện hãng hàng không đánh giá rất cao tiềm năng du lịch sinh thái ở khu vực đầm Thị Nại.
Đầm Thị Nại đang là "báu vật" của Bình Định, nếu khai thác đúng tiềm năng sẽ là động lực lớn cho ngành du lịch tỉnh.
Nằm cách thành phố Quy Nhơn 8km về phía Đông Bắc, đầm Thị Nại là đầm lớn nhất Bình Định có hệ sinh thái phong phú với nhiều loại động thực vật quý và nhiều thắng cảnh đẹp rất hấp dẫn du khách.
Đầm Thị Nại có diện tích trên 5.000ha mặt nước, chạy dài hơn 10 cây số, bề rộng tới gần bốn cây số. Nơi đây có nguồn tài nguyên quý giá do thiên nhiên ban tặng, và là nơi ẩn chứa đa dạng về sinh học với hệ sinh thái rừng ngập mặn phong phú, trong đó thảm cỏ biển có tới 25 loài; hệ động vật có 64 loài phù du, 76 loài cá; có hàng trăm loài chim, trong đó 23 loài thuộc nhóm chim nước và chim di cư, 10 loại chim rừng....
Trong đầm, ở gần bờ phía Tây có một núi nhỏ - trên đó có ngôi miếu nhỏ do dân chài lập ra để thờ thủy thần - hình dáng núi tựa như một ngôi tháp cổ, gọi là Tháp Thầy Bói, làm cho cảnh quan đầm thêm sinh động và hấp dẫn.
Mỗi buổi ban mai, những tối trăng tròn chìm ngập trong rừng ngập mặn xanh tươi, mặt đầm mờ mờ, huyền ảo như chốn thần tiên.
Trong lịch sử, đầm Thị Nại là căn cứ thuỷ quân của nhà Tây Sơn, nơi diễn ra những trận thuỷ chiến ác liệt giữa nghĩa quân Tây Sơn với quân Nguyễn Ánh vào đầu thế kỷ XIX (năm 1801).
Nằm về phía Đông đầm Thị Nại, như một tấm bình phong khổng lồ án ngữ phía biển cho thành phố Quy Nhơn là bán đảo Phương Mai, với hệ thống núi đá trùng điệp và những đồi cát khổng lồ, ăn ra biển chạy dài khoảng 15km. Phía Bắc bán đảo và chếch về phía Tây Bắc là những bãi biển tuyệt đẹp chạy dài hàng chục km.
Nhìn từ xa, bán đảo Phương Mai như đầu một con rồng, thân nằm dài về phía Bắc đến tận cửa Đề Gi. Tận cùng phía Nam của bán đảo là một lưỡi nhọn hình mũi mác với nhiều hóc đá kỳ thú, hiểm trở, chim yến thường kéo về làm tổ, dâng tặng cho loài người đặc sản "yến sào" vô cùng bổ dưỡng, quý hiếm.
Hòa trong vẻ đẹp thiên nhiên của đầm Thị Nại - bán đảo Phương Mai là công trình cầu đường Quy Nhơn - Nhơn Hội với tổng chiều dài toàn tuyến hơn 7km gồm 5 cầu ngắn và cầu Thị Nại.
Theo đại diện Tập đoàn Vietravel, vùng đầm Thị Nại rất có tiềm năng khai thác các tour, tuyến du lịch sinh thái, trở về với thiên nhiên, hoàn toàn có thể triển khai sớm trong mùa hè 2023.
Tập đoàn cho biết, sẽ hỗ trợ Bình Định thiết lập các tour, tuyến du lịch có sự cân bằng, khai thác tiềm năng văn hóa, lịch sử, tâm linh, sinh thái biển, đầm vịnh…
Đầm Thị Nại là quần thể sinh cảnh với gần 1.000ha rừng ngập mặn, hơn 200ha thảm cỏ biển, có 25 loài, gần 200 loài thủy sinh, cá, phù du và trên 100 loài chim.
Bình Định đang dành gần 400ha đầm Thị Nại để phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch sinh thái kết hợp công viên rừng mặn… Hiện, các ngành chức năng đang trong giai đoạn khảo sát, thành lập khu dự trữ thiên nhiên đầm Thị Nại.
Xây dựng Bình Định trở thành điểm đến an toàn, có nét đặc trưng riêng
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, hiện nay tỉnh Bình Định đang tiến hành quy hoạch vùng Tuy Phước, mà đầm Thị Nại đóng vai trò rất quan trọng, trong đó có khu bảo tồn thiên nhiên Cồn Chim rất quý.
Tỉnh Bình Định đã mời các chuyên gia cho ý kiến nhằm tạo quy hoạch tổng thể hiện đại, trong thời gian đến sẽ xây dựng sản phẩm du lịch trên đầm Thị Nại.
"Qua đợt khảo sát này, tỉnh Bình Định sẽ chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện việc khơi thông luồng tuyến ra vào kết nối giữa Quy Nhơn với đầm Thị Nại; quy hoạch một số điểm du lịch quanh đầm, để làm sao phát triển du lịch đêm, du lịch sinh thái, tạo ra các sản phẩm mới để phát triển du lịch tỉnh Bình Định trong thời gian đến", ông Hồ Quốc Dũng nói.
Trước đó, chiều 25/2, UBND tỉnh Bình Định đã làm việc với Công ty CP Tập đoàn Vietravel, thống nhất nội dung hợp tác phát triển du lịch trong thời gian tới. Đẩy mạnh hợp tác phát triển, quảng bá hình ảnh du lịch, xúc tiến đầu tư phát triển kinh tế xã hội của tỉnh này.
Trong kế hoạch hợp tác, Tập đoàn Vietravel sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển du lịch, nhằm phát huy các tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch của tỉnh. Đặc biệt, Tập đoàn Vietravel sẽ hỗ trợ, tư vấn về hoạt động xây dựng sản phẩm, dịch vụ phát triển du lịch tỉnh Bình Định.
Trong đó, tập trung xây dựng sản phẩm đặc thù mang đậm bản sắc địa phương, hướng đến mục tiêu trung tâm kết nối du lịch của vùng Duyên hải miền Trung và hỗ trợ tỉnh triển khai các giải pháp cấp thiết trong việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống…
Trong quá trình hợp tác, Vietravel sẽ hỗ trợ, phối hợp tổ chức công tác quảng bá, xúc tiến, tiếp thị du lịch tỉnh Bình Định thông qua mạng lưới truyền thông. Cùng với đó, hợp tác với các hãng lữ hành hàng đầu thế giới để giới thiệu, đưa khách du lịch đến Bình Định.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn Vietravel tiến hành ký kết biên bản hợp tác, phối hợp trong quảng bá, phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch của Bình Định nói riêng và liên kết vùng nói chung.
Ngoài ra, hỗ trợ, phối hợp tổ chức công tác quảng bá, xúc tiến, tiếp thị du lịch tỉnh Bình Định đến các thị trường trong nước và nước ngoài, thông qua mạng lưới truyền thông của Tập đoàn Vietravel và đối tác.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn, hiện du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và là 1 trong 5 trụ cột phát triển của tỉnh Bình Định.
Ngành du lịch sẽ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Tỉnh này cũng đang xây dựng Bình Định trở thành điểm đến an toàn, có nét đặc trưng riêng, văn minh, thân thiện và hấp dẫn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.