Khác biệt "thanh bình, hạnh phúc" của Bình Định

Dũ Tuấn Thứ hai, ngày 13/02/2023 08:24 AM (GMT+7)
Khác biệt được tạo dựng, lấy con người làm trọng tâm, phục vụ mưu cầu quyền con người và đề cao chất lượng cuộc sống, tỉnh Bình Định đã chấp nhận tiêu tốn "tiền bạc, thời gian, công sức".
Bình luận 0

Đến Bình Định, không chỉ ăn, chơi, ngủ mà còn trải nghiệm khoa học tri thức; hưởng thụ giá trị cuộc sống "thanh bình, nhẹ nhàng, thư thái và hạnh phúc". 

Bình Định hướng đến là nơi đáng sống đáng đến, ở tỉnh này bệnh nhân chạy thận có nhà lưu trú, đối tượng yếu thế, người nghèo, thu nhập thấp sở hữu căn hộ.

"Thanh bình, nhẹ nhàng, thư thái và hạnh phúc"

Không phải ngẫu nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính khen ngợi: "Tầm nhìn, tư duy của lãnh đạo Bình Định qua các thời kỳ rất mở, mang tính hiện đại" và hài lòng, khi nói rằng Bình Định - nơi "đất võ trời văn" tạo cho ông 3 ấn tượng về tự lực, tự cường trong phát triển, bằng một "hào khí Tây Sơn".

Nằm ở dải đất miền Trung, là đòn gánh 2 đầu đất nước, các tỉnh đều tương đồng có biển, núi và đồng bằng, nên để chọn hướng đi khác biệt, là suy nghĩ mà lãnh đạo Bình Định kiên trì đeo đuổi, với chặng đường rất dài.

Không gian đô thị biển Quy Nhơn thông thoáng, rất nhiều quảng trường, công viên cây xanh phục vụ cộng đồng. CLIP: Dũng Nhân.

"Hạt sạn" cuộc sống ở đâu cũng có, Bình Định không ngoại lệ, nhưng đến Bình Định đa số người dân chân thành, thân thiện, từ quán ăn, nhà trọ bình dân đến khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp.

Đi Quy Nhơn, sẽ cảm nhận rất rõ "cũng là du lịch nhưng ở đây rất nhẹ nhàng, yên bình, không khí ít ô nhiễm".

Bình Định hướng đến là nơi đáng sống, đáng đến nhưng không chạy theo "xô bồ, ồn ào", làm tổn thương, mất cảnh quan tự nhiên, đặc biệt không bê tông hoá, tác động ngột ngạt không gian ven biển. 

"Làm gì thì thì làm nhưng nhà đầu tư, du khách đi đến đâu cũng cảm nhận được sự thanh bình, nhẹ nhàng, thư thái và hạnh phúc. Cách ứng xử của người dân là nét văn hoá thân thiện, bất kể ai đến Bình Định, đều được đối đãi tử tế, chân tình, hào sảng và hiếu khách", một lãnh đạo Bình Định nói khi bàn về sự khác biệt với PV Dân Việt.

Khác biệt "thanh bình, hạnh phúc" của Bình Định - Ảnh 2.

Biển Quy Nhơn đặc trưng với hình vầng trăng khuyết, không có rào chắn lối xuống biển. Ảnh: Dũng Nhân.

Xuyên suốt qua các nhiệm kỳ, Bình Định quy hoạch hướng về giá trị cộng đồng, ưu tiên dành những khu đất "vàng" ở vị trí mặt biển, dọc các tuyến đường lớn của Quy Nhơn xây quảng trường, trồng cây xanh.

Nhiều lần cam kết trước cử tri, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng khẳng định, lãnh đạo tỉnh này luôn ý thức sâu sắc biển và bờ biển là của chung cộng đồng, không để người dân "vất vả" khi tìm đường ra biển. 

Đến Quy Nhơn, người dân dù nhiều hay ít tiền, giàu hoặc nghèo, đều được tự do xuống biển, không có bất cứ rào chắn lối đi. Đây là cố gắng rất lớn mà Quy Nhơn giữ được, cho đến lúc này. 

Bởi, trước đó Quy Nhơn từng trải qua rất nhiều giai đoạn thăng trầm. Cách đây 9 năm, một doanh nghiệp hoạt động "tiếng tăm" tại Bình Định đề xuất xin chủ trương xây dựng khu đô thị khách sạn, resort cao cấp, lấn biển Quy Nhơn, tổng diện tích 300ha. 

Khác biệt "thanh bình, hạnh phúc" của Bình Định - Ảnh 3.

Đường ven biển tỉnh Bình Định đi qua nhiều di tích, thắng cảnh, thúc đẩy kinh tế vùng hoang sơ. Ảnh: Dũng Nhân.

Đề xuất được gửi đến 2 thời kỳ Chủ tịch UBND tỉnh để xem xét, nhưng đều bị lắc đầu, từ chối. Thực tế, đây là kế hoạch "điên rồ" bê tông hóa bãi biển Quy Nhơn, đã bị lãnh đạo tỉnh, kiên định khước từ.

Bình Định cũng quyết liệt sửa sai ở khu lấn biển Mũi Tấn, từ khu đất xấu xí, bị dư luận chỉ trích thành không gian xanh, công viên cộng đồng và quy hoạch thêm bến du thuyền, khách sạn. 

Hay việc, tỉnh này có chủ trương "bứng" 3 khách sạn sát biển ở vị trí đất "vàng" trả lại không gian cộng đồng và quyết định giữ lại Đại học Quy Nhơn dù trước đó có ý định di dời, bởi ngôi trường là điểm nhấn không gian kiến trúc đặc biệt trong thành phố. 

Tất cả, đều thể hiện sự kiên định của lãnh đạo Bình Định trong việc tôn trọng, dành không gian cho cộng đồng.

Khác biệt "thanh bình, hạnh phúc" của Bình Định - Ảnh 4.

Quảng trường trung tâm thành phố với diện tích khoảng 6,5ha, nơi diễn ra nhiều hoạt động cộng đồng, phục vụ người dân. Ảnh: Dũng Nhân.

Không chỉ là đô thị biển, mà còn là đô thị khoa học

Được sự hỗ trợ nhiệt huyết của lãnh đạo Bình Định mà trực tiếp là ông Vũ Hoàng Hà, hiện là cựu Bí thư Tỉnh ủy, GS. Trần Thanh Vân – Chủ tịch Hội gặp gỡ Việt Nam đã quyết định lựa chọn thung lũng Quy Hòa, phường Ghềnh Ráng, Quy Nhơn, làm nơi tọa lạc của Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE). 

Đi vào hoạt động từ năm 2013, Trung tâm thu hút rất nhiều giáo sư đoạt giải Nobel cùng hàng ngàn giáo sư, nhà khoa học danh tiếng thế giới dự các hội nghị khoa học tại Bình Định.

Phải nói rằng, khác biệt hiếm nơi nào có được của Bình Định, là tạo ra sản phẩm du lịch, gắn liền với khoa học, tri thức. Tức là, du khách đến Bình Định không phải chỉ ăn, chơi, ngủ mà có cả trải nghiệm khoa học. 

Khác biệt "thanh bình, hạnh phúc" của Bình Định - Ảnh 5.

Không gian Quy Nhơn là sự thoả mái, nhẹ nhàng, không ngột ngạt. Ảnh: Dũng Nhân.

Hình hài Khu đô thị khoa học đầu tiên của Việt Nam ở thung lũng Quy Hòa, là quyết định "liều mạng", khi tỉnh dùng quỹ đất đẹp nhất để xây dựng.

Nhiều người ví von, nếu mang hàng trăm hécta đất ở vị trí 'một bên núi, một bên biển' Quy Hoà phân lô bán nền, làm resort, khách sạn thì Bình Định sẽ thu được số tiền rất lớn, nhưng tỉnh này chọn cách dùng cho khoa học. Một lối đi đầy mới mẻ nhưng không ít cam go, vất vả.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định có "tham vọng", Quy Nhơn không chỉ là đô thị biển, mà còn là đô thị khoa học. 

Từ cốt lõi ban đầu là ICISE, Bình Định quy hoạch xây dựng Khu đô thị khoa học và giáo dục Quy Hòa có quy mô 242 ha và Khu đô thị trí tuệ nhân tạo Long Vân quy mô khoảng 150 ha, tại Quy Nhơn. 

Khác biệt "thanh bình, hạnh phúc" của Bình Định - Ảnh 6.

Vùng biển cảng Quy Nhơn tấp nập tàu hàng ra vào. Ảnh: Dũng Nhân.

Đây là cơ sở để tỉnh này, thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, với chiến lược phát triển bền vững và lâu dài, đặc trưng mà khó trùng lặp với bất cứ địa phương nào trên cả nước.

Bình Định sở hữu tổ hợp không gian khoa học, nhà mô hình vũ trụ và bảo tàng khoa học được đánh giá là "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam. Ở Đông Nam Á, chỉ có một tổ hợp tại Singapore và tổ hợp này tại Việt Nam. 

Quy Nhơn cũng đã thu hút được nhiều công ty công nghệ, nhà đầu tư lớn, đang dần trở thành điểm đến của khoa học công nghệ, là nơi đi đầu trong phát triển, sản xuất, xuất khẩu sản phẩm trí tuệ nhận tạo và công nghệ phần mềm ở Việt Nam.

Bệnh nhân chạy thận, người nghèo có nhà

Bình Định có quyết định nhân văn khi kêu gọi, thực hiện chế độ chăm lo đặc biệt cho bệnh nhân chạy thận. Bởi chạy thận, người bệnh đã mang bản án tử treo lơ lửng, sự sống mong manh, ở viện liên tục để lọc máu.

Ở những nơi khác, bệnh nhân chạy thận và người nhà phải vất vả thuê trọ xung quanh bệnh viện. 

Thì tại Bình Định, cách đây từ 7 năm trước, đã xây dựng khu nhà lưu trú kiên cố dành riêng cho người chạy thận và người thân với đầy đủ tiện nghi bằng nguồn xã hội hoá, trên khu đất bên trong khuôn viên Bệnh viện đa khoa tỉnh, để tiện việc chữa trị. 

Khác biệt "thanh bình, hạnh phúc" của Bình Định - Ảnh 7.

Quảng trường trung tâm Quy Nhơn. Ảnh: Dũng Nhân.

Thậm chí, Bình Định là một trong những tỉnh tiên phong trên cả nước, xây dựng hàng nghìn căn hộ với chế độ ưu đãi đặc biệt, dành riêng cho người nghèo, thu nhập thấp, đối tượng yếu thế.

Đến Bình Định đầu tháng 2, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, ông có 3 ấn tượng đối với Bình Định, đây là "hào khí của Tây Sơn, cần nhân rộng với tinh thần tự lực, tự cường".

Thứ nhất là tự cường trong phát triển hạ tầng, chủ động làm các tuyến đường lớn kết nối các nơi với Quy Nhơn, biến các khu đất cát, đồi trọc thành những vùng có giá trị, quy hoạch thành khu đô thị, khu công nghiệp, khu dịch vụ.

Thứ hai là thực hiện hợp tác công tư trong đầu tư bệnh viện, đây là một đốm sáng cần được nhân rộng.

Khác biệt "thanh bình, hạnh phúc" của Bình Định - Ảnh 8.

Thủ tướng Phạm Minh Chính hài lòng khi nói về 3 ấn tượng của Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn.

Thứ ba là Bình Định đã xây dựng 7.000 căn hộ nhà ở xã hội cho người nghèo, thu nhập thấp, người yếu thế, công nhân và dự kiến hết nhiệm kỳ này sẽ xây dựng tổng cộng 20.000 căn.

Khen ngợi tầm nhìn, tư duy của lãnh đạo tỉnh Bình Định qua các thời kỳ, là tư duy rất mở, hiện đại, Thủ tướng tin tưởng: "Các nút thắt, rào cản sẽ được tháo gỡ nhanh trong nhiệm kỳ này, nhiệm kỳ sau Bình Định cất cánh". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem