Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Nhà vệ sinh là công trình phụ nhưng tính chất không hề "phụ"

Bạch Dương Chủ nhật, ngày 19/03/2023 15:01 PM (GMT+7)
Ngày 19/3, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy quận 1 về chỉnh trang đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn quận.
Bình luận 0
Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Nhà vệ sinh là công trình phụ nhưng tính chất không hề "phụ" - Ảnh 1.

Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên làm việc với UBND quận1 ngày 19/3. Ảnh: P.V

Vận động 100 cơ sở hỗ trợ nhà vệ sinh miễn phí cho du khách

Chủ tịch UBND quận 1 Lê Đức Thanh cho biết, hiện nay trên địa bàn có tổng cộng 18 nhà vệ sinh công cộng. Ngoài ra, khu vực quận 1 có nhiều cơ sở kinh doanh, cửa hàng tiện lợi, quán ăn, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, trung tâm thương mại được trang bị nhà vệ sinh hiện đại, có thể vận động hỗ trợ phục vụ miễn phí cho người dân và du khách.

Lãnh đạo quận 1 nêu một số khó khăn, đó là quận không có quỹ đất để bố trí nhà vệ sinh công cộng. Do đó, trong thời gian vừa qua chỉ tồn tại các nhà vệ sinh công cộng tại các chợ, công viên, bến xe bus.

Từ năm 2017, UBND quận 1 đã chỉ đạo UBND các phường vận động các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận tạo điều kiện để người dân và du khách sử dụng miễn phí nhà vệ sinh. Dù vậy, người dân còn tâm lý ngần ngại khi cần sử dụng nhà vệ sinh tại các khách sạn, nhà hàng cao cấp.

Qua ghi nhận tại các nhà vệ sinh công cộng thì ý thức người sử dụng chưa cao, không đảm bảo vệ sinh sau khi sử dụng. Một số nhà vệ sinh công cộng phục vụ miễn phí còn tình trạng người sử dụng tận dụng tắm giặt, lấy cắp vật dụng nhà vệ sinh. Do đó, cần phải duy trì lực lượng đảm bảo vệ sinh thường xuyên.

Kết quả đến thời điểm hiện tại, Chủ tịch UBND quận 1 cho biết, UBND quận 1 đã phát động phong trào vận động các chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn quận 1 hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân và du khách được sử dụng miễn phí nhà vệ sinh khi có nhu cầu sử dụng trong giai đoạn 2023-2025.

Cụ thể trong tháng 3, quận 1 xác định ít nhất 10 vị trí trên các tuyến đường trọng điểm của mỗi phường tập trung đông dân cư và du khách. Từ đó vận động các các chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp trên các tuyến đường này hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân và du khách được sử dụng miễn phí nhà vệ sinh khi có nhu cầu sử dụng và đặt biển báo theo mẫu.

Hiện nay, UBND quận 1 đã vận động được 100 vị trí trên địa bàn quận lắp biển báo hỗ trợ cho người dân và du khách được sử dụng miễn phí nhà vệ sinh của tổ chức.

Về đầu tư mới, ông Thanh đề xuất xây dựng 5 nhà vệ sinh công cộng ở các khu đất trống: thương xá Tax (135 Nguyễn Huệ), khu mở rộng khách sạn Majestic ở số 2-4-6 Nguyễn Huệ, số 8-12 Lê Duẩn, số 8 Nguyễn Trung Trực, số 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Nhu cầu bức thiết

Để giải quyết bài toán thiếu nhà vệ sinh công cộng ở khu vực trung tâm, nhiều lãnh đạo sở cho rằng có thể đầu tư nhanh theo dạng nhà vệ sinh lưu động. Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Nguyễn Toàn Thắng nói sẽ ưu tiên làm nhà vệ sinh lưu động nhưng quan trọng là công tác quản lý, vận hành.

Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Nhà vệ sinh là công trình phụ nhưng tính chất không hề "phụ" - Ảnh 3.

Nhà vệ sinh công cộng xuống cấp tại bến xe bus trên đường Hàm Nghi. Ảnh: Quang Sung

Qua làm việc với một vài doanh nghiệp chuyên về nhà vệ sinh, ông Thắng cho biết chi phí của doanh nghiệp đưa ra khoảng hơn 2 tỷ đồng, trong khi giá nhà nước chỉ khoảng 570 triệu đồng. Doanh nghiệp khai thác thông qua quảng cáo và kinh doanh tiện ích, nhà nước không phải trả chi phí vận hành.

Đối với đề xuất xây dựng nhà vệ sinh công cộng trên đất hành lang đường bộ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đặng Phú Thành nêu khó khăn của quy định hiện hành yêu cầu cấp phép xây dựng phải phù hợp quy hoạch. Trong dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017, TP.HCM đề xuất cấp phép tạm với công trình không phù hợp quy hoạch.

Từ thực tiễn vận động chủ nhà hàng, quán cà phê cho khách vãng lai sử dụng nhà vệ sinh, bà Nguyễn Thị Quỳnh Triều, Chủ tịch UBND phường Bến Thành cho biết, nhiều chủ cơ sở băn khoăn nếu treo bảng hướng dẫn thì người nghiện vào chích, trộm đồ. Bà Triều nói thêm chính quyền địa phương cam kết sẽ đứng ra giải quyết vấn đề phát sinh.

Bà Tô Thị Bích Châu, Bí thư Quận ủy quận 1 thông tin, quận sẽ tập trung 2 giải pháp gồm vận động các hộ kinh doanh hỗ trợ và đầu tư xây dựng mới tại 5 vị trí đã được khảo sát, có số lượng du khách, người lao động, khách vãng lai qua lại nhiều nhất. "Đây là nhu cầu bức thiết nên quận mong được hỗ trợ triển khai ngay", bà Châu nói.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhắc lại, từ trước đến nay, TP.HCM đã có chủ trương, triển khai thực hiện việc vận động, cải tạo và xây dựng mới các nhà vệ sinh công cộng. Tuy nhiên, một thời gian thiếu sự đầu tư, kiểm tra giám sát, nâng cấp cải tạo dẫn đến tình trạng như vừa qua.

Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Nhà vệ sinh là công trình phụ nhưng tính chất không hề "phụ" - Ảnh 4.

Nhà vệ sinh công cộng được sử dụng kết hợp bán cà phê. Ảnh: Quang Sung

Nhắc lại những câu chuyện liên quan đến nhà vệ sinh công cộng, Bí thư Thành ủy TP.HCM thẳng thắn chỉ ra, TP cần phải nhìn lại vấn đề này một cách nghiêm túc. Theo ông Nên, nếu coi TP.HCM như một ngôi nhà cho hơn 10 triệu dân, thì nhà vệ sinh phải để lại ấn tượng đẹp cho cả người dân và du khách. "Nhà vệ sinh là công trình phụ, nhưng tính chất và nhu cầu thiết yếu của nó không phụ chút nào", bí thư Nên nhắc nhở.

Tất cả cư dân của TP.HCM không thể chấp nhận được tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng, kém vệ sinh. Từ đó, TP.HCM phải hành động một cách quyết liệt để khắc phục tình trạng trong thời gian sớm nhất, dứt khoát đến trước 30/4 phải tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong việc này.

Giải quyết vấn đề thiếu nhà vệ sinh hiện nay, Bí thư Thành ủy thống nhất xây dựng, quản lý theo hình thức đầu tư công. Sau đó, thành phố từng bước xã hội hoá, kết hợp vận động các hộ kinh doanh hỗ trợ như sáng kiến của quận 1. Về lâu dài, cần bổ sung quy hoạch cho công trình phụ này nếu cần thiết. Các nhà vệ sinh cũng cần có tiêu chí, đảm bảo chất lượng. Thành phố cần chia giai đoạn để đầu tư.

TP.HCM từng đưa ra nhiều chính sách phát triển, nâng cấp chất lượng nhà vệ sinh công cộng. Năm 2014, TP có 3 nhà vệ sinh công cộng với tiêu chuẩn 4-5 sao ở các công viên Tao Đàn, 23/9 và Lê Văn Tám (quận 1) do ngân hàng Sacombank đầu tư. Năm 2016, TP triển khai đề án xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng nhưng đến nay chưa thực hiện được. Toàn thành phố hiện có khoảng 200 nhà vệ sinh.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem