Ám ảnh nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội: Chuyên gia hiến kế cách này có khả thi?

Gia Khiêm Thứ ba, ngày 07/03/2023 08:08 AM (GMT+7)
Trước thực trạng nhiều nhà vệ sinh công cộng tại Hà Nội hiện xuống cấp, không thể sử dụng, một số chuyên gia đã "hiến kế" nhiều giải pháp với mong muốn Thủ đô thêm xanh - sạch - đẹp.
Bình luận 0

"Hệ thống nhà vệ sinh công cộng đang rất kém"

Trước tình trạng nhiều nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội hiện nay đang rơi vào tình trạng xuống cấp, không thể sử dụng gây ô nhiễm môi trường, trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam đã đưa ra nhiều ý kiến.

Ám ảnh nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội: Chuyên gia hiến kế gì? - Ảnh 1.

Nhà vệ sinh bỏ hoang trên đường Giáp Nhất, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Theo ông Tùng, hệ thống nhà vệ sinh công cộng ở Việt Nam hiện nay trong đó có Hà Nội đang rất kém. Thứ nhất, rất thiếu, không đảm bảo nhu cầu tối thiểu cho thành phố đối với người dân không chỉ riêng đối với du lịch. Mọi người đi ngoài đường rất hiếm thấy nhà vệ sinh công cộng.

Ám ảnh nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội: Chuyên gia hiến kế gì? - Ảnh 2.

Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam. Ảnh: NVCC

"Thứ 2, nhà vệ sinh công cộng hiện nay đa phần không đảm bảo vệ sinh. Nhiều địa điểm có cho có nhưng rất bẩn, thiếu nước, thiết bị hỏng hóc, không được dọn dẹp thường xuyên gây tâm lý kinh hãi cho người dân. Là công trình phụ nhưng nhà vệ sinh công cộng lại là dịch vụ có ý nghĩa thiết yếu góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và thu hút khách du lịch. Ngoài sản phẩm du lịch, văn hoá, nụ cười tôi nghĩ cần phải đầu tư vào việc này", ông Tùng nói.

Đồng quan điểm trên, kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên thường vụ Hội kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, nhà vệ sinh công cộng trong thành phố là một công trình thiết yếu trong quá trình đô thị hóa. Việc xây dựng nhà vệ sinh công cộng cũng thể hiện một điều rất nhân văn trong quan niệm về xây dựng đô thị, phát triển đô thị. Một đô thị quan tâm đến nhà vệ sinh công cộng cũng là quan tâm đến yêu cầu thiết yếu của con người, cũng như là một thành phố rất nhân văn và yêu con người. 

Ám ảnh nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội: Chuyên gia hiến kế gì? - Ảnh 3.

Nhân viên lau dọn nhà vệ sinh ở khu vực bến xe Giáp Bát, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Ông Ánh chia sẻ, nguyên nhân của thực trạng này là do mô hình quản trị nghiệp dư, nửa vời công tư. Thậm chí còn có tư tưởng không coi trọng đầu tư vào nhà vệ sinh công cộng. Ngay cả những nơi mật độ dân cư thấp, những điểm du lịch hấp dẫn với khách du lịch quốc tế cũng luôn trong tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng.

Ông Ánh đưa ra dẫn chứng thực tế ở một làng nghề văn hóa lịch sử ở Hà Nội, nhiều năm nay thu hút đông đảo khách du lịch. Chính quyền địa phương xây đình rất to, tổ chức lễ hội rất phô trương nhưng chưa hề đầu tư nhà vệ sinh công cộng. Sau khi một bảo tàng tư nhân được xây dựng ở đây với tiện nghi tốt, vệ sinh công cộng chất lượng, lượng khách du lịch vào làng nghề này đã suy giảm đáng kể.

"Nhà vệ sinh công cộng là vấn đề chung của cộng đồng, nếu không có giải pháp đến nơi đến chốn sẽ gây ra bức xúc. Vì vậy, tôi cho rằng nếu được giao cho các doanh nghiệp để chủ động khai thác, cung cấp dịch vụ tại những nơi công cộng và coi đó là phần tất yếu từ chuỗi dịch vụ của họ thì mới mong có kết quả khả thi. Nếu không thay đổi tư duy, tôi nghĩ rằng khó có thể thay đổi tình hình bất cập hiện nay", ông Ánh nêu quan điểm.

Chuyên gia "hiến kế" để Hà Nội có nhà vệ sinh công cộng xanh - sạch - đẹp

Về giải pháp giải quyết tình trạng này, ông Hoàng Dương Tùng hiến kế cho rằng, thành phố có thể để đơn vị tư nhân quản lý vận hành nhà vệ sinh công cộng. Người dân sẵn sàng vào và có thể phải trả một số tiền nhất định. 

"Thực tế nếu sử dụng dịch vụ tốt, sạch sẽ thì việc bỏ ra số tiền đi vệ sinh mọi người không ngại. Vậy tại sao chúng ta lại phát triển ít hệ thống như vậy. Tôi thấy đây vấn đề nhức nhối trong quản lý đô thị tại Việt Nam hiện nay. Vậy làm có khó không tôi cho rằng không khó. 

Ám ảnh nhà vệ sinh công cộng ở Hà Nội: Chuyên gia hiến kế gì? - Ảnh 4.

Hà Nội đang rất thiếu nhà vệ sinh công cộng. Ảnh: Gia Khiêm

Việc này thể hiện rõ ở việc chọn địa điểm những nơi nào cho tối ưu, khoảng cách bao nhiêu, quy chuẩn thiết kế nhà vệ sinh công cộng là điều dễ dàng mà nhiều kiến trúc sư của chúng ta có thể làm được. Quan trọng nhất tôi cho rằng đó là cơ chế quản lý, thành phố quản lý hay để các đơn vị tư nhân, cần đầu tư khuyến khích và có chính sách ưu đãi nếu đơn vị tư nhân vận hành. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra vai trò của đơn vị quản lý", ông Tùng nói thêm.

Theo KTS Trần Huy Ánh, các địa phương phải có ngân sách và trách nhiệm xây dựng ý thức vệ sinh công cộng của cư dân. Cần có giải pháp thích hợp giải quyết về mặt kinh tế kỹ thuật cũng như pháp lý – chuẩn mực xã hội. 

Ông đưa ra ví dụ điển hình như tại Singapore tạo dựng kỷ luật xã hội bắt đầu từ việc phạt nặng những người nhổ bậy, làm mất vệ sinh công cộng. Kết quả là xã hội sạch sẽ và cả bộ máy quản trị trong sạch. 

Nhật Bản là một quốc gia nổi tiếng nhất thế giới không phải ở sự giàu có hay những ứng dụng thông minh trong khoa học công nghệ mà chính là những "toilet công cộng", một chuẩn mực về văn minh và cũng là một "phẩm chất" văn hóa của quốc gia này. 

"Gần như ai đến Nhật Bản cũng đều ấn tượng bởi hệ thống toilet công cộng từ nhà ga sân bay đến các công viên, siêu thị, hay những địa danh thắng cảnh, di sản… và cả trên đường phố. Gần hơn, một quốc gia láng giềng của chúng ta là Thái Lan, thì nhà vệ sinh công cộng của họ cũng là một sản phẩm văn hóa du lịch", ông Ánh nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem