Bị Thủ tướng phê bình vì để 8 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, Bình Định "truy" trách nhiệm
Bị Thủ tướng phê bình vì để 8 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, Bình Định "truy" trách nhiệm
Dũ Tuấn
Thứ bảy, ngày 06/07/2024 08:55 AM (GMT+7)
Bình Định có 8 tàu cá xuất bến ngoài tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài, cả 8 tàu đều thuộc huyện Phù Cát. Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng yêu cầu làm rõ trách nhiệm và có biện pháp xử lý "mạnh tay", quyết tâm từ nay đến cuối năm, Bình Định không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Bình Định có đến 8 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, thì cả 8 tàu đều ở huyện Phù Cát
Tại Hội nghị lần thứ 17 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định khóa XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc cho biết, thời gian qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, với những giải pháp rất mạnh trong việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).
Tuy nhiên, tồn tại lớn nhất của Bình Định hiện nay, là tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. 6 tháng đầu năm nay, Bình Định có 8 tàu cá bị lực lượng chức năng Malaysia bắt giữ.
Cả 8 tàu này đều có chiều dài dưới 15m, hành nghề câu mực, xuất bến ngoài tỉnh và nhiều năm không về Bình Định (Vũng Tàu: 7 tàu; Kiên Giang: 1 tàu).
"8 tàu cá vi phạm, chủ tàu đều ở huyện Phù Cát, đến nay đã xử phạt hành chính 5 tàu với tổng số tiền 4,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, toàn bộ các chủ tàu đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, tài sản lại không có, nên việc nộp phạt rất khó.
Nghị quyết 04 của Toà án nhân dân tối cao có hiệu lực từ ngày 1/8 tới đây, nếu đối với các trường hợp này sẽ bị xử lý hình sự, khi triển khai sẽ có tính răn đe với ngư dân", ông Trần Văn Phúc cho hay.
Theo Bí thư Huyện uỷ Phù Cát Đỗ Văn Ngộ, địa phương này có 682 tàu cá, trong đó có 236 tàu từ 12m đến dưới 15m. Số tàu này giá trị không lớn, thường xuyên đánh bắt ở ngư trường phía Nam, hằng năm thì người về nhưng tàu không về.
Vì vậy, mọi sự quản lý của địa phương rất khó khăn, chủ yếu thông qua việc tiếp cận người thân chủ tàu, theo dõi nắm bắt thông tin. Còn việc xuất vào bến và đánh bắt ngư trường của từng tàu, địa phương rất khó theo dõi.
"Mặc dù được tuyên tuyền nhưng những tàu cá này vẫn cố tình vi phạm thì lợi ích. Chúng tôi rất băn khoăn, trăn trở. Tỉnh đã ra quyết định xử phạt 5 tàu, còn lại 3 tàu do chủ tàu là thuyền trưởng đang bị tạm giữ nên khi nào họ được thả về nước, mới thực hiện xử phạt", ông Đỗ Văn Ngộ nói.
Bí thư Huyện uỷ Phù Cát thừa nhận, những năm qua, huyện Phù Cát có nhiều tàu cá vi phạm nhưng chưa được xử lý rốt ráo. Bởi tài sản ngư dân không có, nhà cửa giá trị không lớn, nên không xử lý được. Vì vậy, đi đôi với việc tuyên truyền, rất cần có xử lý kiên quyết, để tạo chuyển biến về mặt hành vi đối với người vi phạm.
"Trách nhiệm của địa phương, làm không đến nơi đến chốn"
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bình Định Lê Kim Toàn nhận định, việc ngăn chặn tàu cá vi phạm đang đi vào vòng luẩn quẩn.
Bởi, Bình Định quản lý xuất bến tại tỉnh tương đối tốt, đã thành lập các đoàn công tác vào phía Nam nơi có tàu Bình Định cập bến để tuyên truyền, vận động.
Tuy nhiên, việc bị xử phạt nhưng ngư dân không thực hiện thì coi như bằng không, không có tính răn đe, giáo dục, thậm chí còn làm nhờn pháp luật.
"Hiện nay, tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài có thể bị xử lý hình sự, việc này cần tuyên truyền đến với người dân. Đối với trường hợp đã xử phạt hành chính nhưng vẫn tái phạm, không có chuyển biến, thì cần xem xét xử lý hình sự làm gương, để răn đe", ông Lê Kim Toàn nhấn mạnh.
Theo ông Lê Kim Toàn, Bình Định có 5.600 tàu cá, riêng huyện Phù Cát có 800 tàu cá, trong khi đó tất cả 8 tàu cá của Bình Định vi phạm vùng biển nước ngoài đều đăng ký tại huyện Phù Cát.
Vì vậy, cần làm rõ có hay không việc liên kết, có đường dây trong và ngoài nước, đưa tàu cá đi đánh bắt vi phạm vùng biển nước ngoài. "Nếu có phải xử lý nghiêm và triệt để", ông Lê Kim Toàn nói.
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng cho rằng, cần làm rõ vấn đề tại sao tàu cá vi phạm chỉ tập trung ở huyện Phù Cát?.
Năm ngoái chỉ 3-4 tàu cá vi phạm, năm nay chỉ vừa hết 6 tháng, đã có 8 tàu cá vi phạm.
Bình Định đã bị Thủ tướng phê bình, thậm chí còn nằm trong danh sách bị kiểm điểm. Vì vậy, việc để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, cần làm rõ trách nhiệm.
Theo Bí thư Bình Định, mỗi tàu cá ngư dân chỉ mua từ 100-200 triệu đồng, đi đánh bắt trộm, vi phạm vùng biển nước ngoài nếu "thoát" được thì kiếm được vài trăm triệu đồng đến tiền tỷ, còn không "thoát" thì họ chấp nhận rủi ro bị mất tàu. Ngư dân bị bắt giữ tầm 1,2 tháng được thả ra, vẫn chọn quay lại con đường cũ.
Trong khi đó, việc cưỡng chế nộp phạt không kiên quyết, ngoài ra còn có trách nhiệm của địa phương, xử lý không đến nơi đến chốn.
"Tàu cá từ 12-15m kiên quyết bắt buộc lắp đặt giám sát hành trình mới cho ra khơi đánh bắt. Cố gắng phải siết chặt, từ nay đến cuối năm, Bình Định quyết tâm không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài", ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.