Loạt lãnh đạo, cán bộ GPMB thuộc Khu kinh tế tỉnh Bình Định xin nghỉ việc, chuyển công tác
Loạt lãnh đạo, cán bộ GPMB thuộc Khu kinh tế tỉnh Bình Định xin nghỉ việc, chuyển công tác
Dũ Tuấn
Thứ sáu, ngày 05/07/2024 15:56 PM (GMT+7)
Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp cảnh "rối ren", nhiều trưởng - phó ban, cán bộ thuộc Ban quản lý dự án và GPMB (Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định) đã xin nghỉ việc, chuyển công tác.
Trưởng ban GPMB xin nghỉ việc, Phó ban xin chuyển công tác vì áp lực
Tại Hội nghị lần thứ 17 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào ngày 5/7, ông Đặng Vĩnh Sơn - Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cho biết, tỉnh giao chỉ tiêu hoàn thành GPMB 5 dự án trong phạm vi thuộc Khu kinh tế, đến nay có 3 dự án đã phê duyệt phương án và đang vận động người dân nhận tiền đền bù, hỗ trợ.
Tuy nhiên, việc GPMB đối với 2 dự án ở Vĩnh Hội gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Đặng Vĩnh Sơn cho hay, dự án Vĩnh Hội hiện nay còn 178 hộ không cho kiểm đếm, vấn đề xác minh nguồn gốc đất gặp khó khăn nên tiến độ triển khai rất chậm, từ công tác vận động đến xác nhận nguồn gốc đất đai.
Trong khi đó, tại xã Cát Hải chỉ có 2 cán bộ địa chính nhưng có 1 người luân chuyển từ nơi khác về nên không nắm bắt được công việc, Ban Quản lý Khu kinh tế phải thuê 1 người khác thường trực tại địa phương để xử lý công việc.
"Công tác GPMB đang là vấn đề, rất áp lực với chúng tôi. Trưởng ban Quản lý dự án và GPMB thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã xin nghỉ việc, Phó ban thì xin chuyển công tác. Vì vậy, ban này chỉ còn 1 Phó ban, ngoài ra 4 viên chức là trưởng phòng, chuyên viên cũng xin chuyển công tác hoặc nghỉ việc. Điều này rất áp lực và dẫn đến khó khăn trong công tác GPMB", ông Đặng Vĩnh Sơn nói.
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng cho rằng, trước đây Trưởng ban GPMB tỉnh đã xin nghỉ việc vì áp lực, sau đó đến lượt Trưởng ban GPMB thuộc Khu Kinh tế tỉnh cũng xin nghỉ việc. Có 5 người trong Ban GPMB của Khu kinh tế tỉnh xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác, vì làm không nổi.
"Như vậy, rất áp lực. Công tác GPMB tại Khu kinh tế đang rất "rối ren". Nếu cứ tình trạng thế này thì ách tắc, các dự án gần như không có dự án nào xong GPMB, cứ đổ qua đổ lại, là không được. Lãnh đạo địa phương, huyện, xã phải vào cuộc, đừng để việc gì cũng đẩy lên tỉnh. Tới đây, Tỉnh uỷ sẽ có cuộc họp để chấn chỉnh, không để tình trạng dự án bị ách tắc vì chờ mặt bằng", ông Hồ Quốc Dũng yêu cầu.
"Luật cho phép thì không làm, lại đẩy cái khó cho người dân"
Bí thư Huyện uỷ Phù Cát Đỗ Văn Ngộ cho rằng, vướng mắc lớn nhất đang gặp phải trong GPMB là vấn đề kiểm đếm và xác nhận nguồn gốc đất. Vì lịch sử đất đai trải qua nhiều thời kỳ, trong khi đó, cấp xã chỉ có 1 cán bộ làm nhiệm vụ xác nhận nguồn gốc đất.
Ông Ngộ cũng chỉ ra, Đoàn công tác GPMB của địa phương đã tuyên truyền rất miệt mài, nỗ lực, nhưng nhiều hộ dân lại tỏ ra bất hợp tác, không muốn gặp gỡ… khiến việc GPMB gặp chuyện không đơn giản.
"Nhiều trường hợp, từ năm 1994, 2004 người dân tự lấn chiếm, khai hoang để ở. Nhưng vì xã xác nhận nguồn gốc đất là đất lấn chiếm nên khi GPMB, người dân không được nhận tiền đền bù. Việc này đang gặp vướng, địa phương đang tập hợp ý kiến để kiến nghị đến tỉnh", ông Ngộ nói.
Theo Bí thư Huyện uỷ Phù Cát, người dân gửi đơn khiếu nại đến Huyện uỷ, Huyện uỷ chuyển UBND huyện, UBND huyện lại gửi đến Ban Quản lý Khu kinh tế, rồi gửi ngược lại cho UBND huyện, điều này tạo nên vòng luẩn quẩn, mất thời gian.
Trước thông tin Bí thư Huyện uỷ Phù Cát đưa ra, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bình Định Lê Kim Toàn tỏ ra không hài lòng và liên tục dùng từ "trời ơi" để phản ứng trước vấn đề trên, vì ông cho rằng: "Nếu làm như vậy, là đẩy người dân vào thế khó, chịu thiệt thòi".
"Tôi nghe mà thấy lạ quá, đúng là đất người dân tự lấn chiếm nhưng từ thời điểm năm 1994, họ ở ổn định, không tranh chấp, phù hợp với quy hoạch và không còn nơi ở nào khác thì chính quyền cần công nhận quyền sử dụng đất cho người dân, rồi sau đó mới GPMB. Luật cho phép thì không làm, lại đẩy cái khó cho người dân. Nếu là tôi, tôi cũng không chịu", ông Lê Kim Toàn thẳng thắn.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bình Định cho rằng, quy định Luật Đất đai rất rõ ràng, người dân ở từ năm 1994, nhưng đằng này khi GPMB vẫn xác nhận là đất lấn chiếm không đền bù đất, chỉ đền bù vật kiến trúc thì không đời nào người dân chịu GPMB.
"Việc này không đúng đâu, UBND tỉnh cần chỉ đạo rà soát, phối hợp thực hiện lại đi", ông Lê Kim Toàn yêu cầu.
Vẫn theo ông Lê Kim Toàn, công tác GPMB là việc hết sức phức tạp, khó khăn nên phải tỉ mẩn, vận dụng tất cả chính sách, đem lại lợi ích cho người dân. Những đối tượng chịu tác động trực tiếp từ dự án phải là người hưởng lợi trước hết, vì khi được hưởng lợi thì chắc chắn người dân sẽ đồng tình.
"Không được tư túi, vụ lợi. Vận dụng chính sách để thay đổi cuộc sống người dân tốt hơn, chính người dân cảm thấy vui vì được GPMB, chuyển đến tái định cư thì lúc đấy mới thành công. Nếu người dân cảm thấy bị thiệt thòi thì rất khó GPMB", ông Lê Kim Toàn nhấn mạnh.
Trưởng ban GPMB tỉnh Bình Định từ chức vì "ngoài năn nỉ, không có quyền gì khác"
Hồi năm ngoái, vì áp lực trong công việc, Trưởng ban GPMB tỉnh Bình Định Đào Văn Khôi đã đến gặp Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Quốc Dũng xin từ chức, nghỉ việc và sau đó cũng được tỉnh chấp thuận cho nghỉ.
Trình bày với Bí thư Dũng, vị Trưởng ban nói rằng, Ban GPMB chỉ có quyền duy nhất là năn nỉ người khác làm, còn họ không làm thì "chịu chết", xuống thôn, lên xã đến huyện đều năn nỉ, ngoài năn nỉ thì không có quyền gì khác.
"Trên lãnh đạo tỉnh thì áp lực, vì áp lực như thế nên cuối cùng đồng chí này xin nghỉ. Việc này rất đau xót", Bí thư Dũng kể lại.
Theo Bí thư Dũng, đây là một bài học, qua đó ông đề nghị các địa phương cần phải thấy trách nhiệm, để vào cuộc, cùng chung tay trong công tác giải phóng mặt bằng, không thể nào đẩy hết "gánh nặng" này cho tỉnh.
Ngày 2/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định bổ nhiệm ông Ngô Tùng Sơn - Phó Trưởng ban phụ trách Ban GPMB tỉnh giữ chức vụ Trưởng ban GPMB tỉnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.