Trên đây là đoạn đầu trong một status mới đây được cho là của ông Nguyễn Sơn Trung- Phó Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư Quốc tế Thiên An (Cty Thiên An) sau khi liên tiếp bị dư luận "đổ tội" do bỏ rơi người trồng ớt ở Quảng Trị và các địa phương khác. Ngày 28.5, PV Dân Việt đã trao đổi với ông Trung và ông đã xác nhận, ông chính là người viết đoạn status kể trên.
\
Ông Nguyễn Sơn Trung- Phó Giám đốc Công ty Thiên An
Đoạn status của ông Nguyễn Sơn Trung giãi bày về lý do công ty ông không mua ớt của bà con nông dân ở Quảng Trị.
Để rộng đường dư luận và được sự đồng ý của ông Trung, Dân Việt xin trích đăng lại đoạn status trên:
Cuối cùng thì việc chờ đợi cũng đã đến! Khung hình của tôi bắt mắt lắm. Tôi biết các vị đang hoan hỷ và hả dạ lắm! Vì sao ư? Vì các vị đã tìm được kẻ để đổ tội, một kẻ đã dám nhận trách nhiệm để hứng vài xô đá từ cộng đồng! Nhưng nói thật với quý vị là tôi lại thấy phải cảm ơn quý vị, vì đến giờ mới được thấy mình lên hình cũng đẹp đấy!.
Cách đây 5 tháng chẳng biết các vị có còn nhớ hay không tôi đã gửi lời cảnh báo đến các vị rằng phải dừng cái công việc vô nghĩa khi cố trồng ớt vào mùa hè, nhưng các vị bằng mọi cách gây áp lực buộc chúng tôi phải triển khai mặc dù các vị đã làm hỏng cả vườn giống 100 hecta trị giá hàng tỷ của chúng tôi...
Nói thật với quý vị trong cái thời buổi mà tôi cảm thấy khủng hoảng thiếu về niềm tin, khủng hoảng thừa về sự dối trá thì cũng chẳng dám trách quý vị một chút nào! Chúng tôi đã đầu tư 100% cho các vị, 100% đó là toàn bộ phân bón chúng tôi nhập từ Nhật Bản, 100% đó là toàn bộ hạt giống mà chúng tôi nhập từ Hàn Quốc và như yêu cầu kèm theo cả hợp đồng và hoá đơn xuất nhập khẩu quốc tế!.
Các vị chắc còn nhớ, kể cả khi xe Container chở hàng đến cho các vị, các vị cũng yêu cầu chở đến tận nhà cho các vị mặc dù các con đường liên thôn của các vị 3 xe máy còn không đi vừa, chúng tôi đã phải thuê biết bao chuyến xe nhỏ để chuyển đến tận nhà cho các vị kèm theo cả công nhân bốc xếp! Vậy mà đến giờ các vị nói đó là mồ hôi nước mắt của người nông dân các vị?.
Còn chúng tôi những người bỏ ra hàng tỷ, những người làm chuyên môn lo hậu cần chỉ để các vị trồng cây tưới nước lại được các vị truy phong thành những kẻ tội đồ bội tín! Các vị nhìn vườn cây của mình đi, xem quả ớt của các vị vì sao nó chín, hãy hỏi những chuyên gia kỹ thuật nông nghiệp xem 95% sản phẩm các vị làm ra bị bệnh thán thư, bị sâu đục quả, bị nổ cuống, đốm trắng hay nấm cổ rễ được các vị phun thuốc cho thấm đẫm cả cánh đồng thử hỏi các vị xem hải quan quốc gia nào cho các vị nhập khẩu từng ấy dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vào quốc gia của họ?.
Còn nội địa ư? Xin lỗi quý vị chúng tôi không thể hại chính người dân mình! Còn các vị tố chúng tôi không mua làm ớt rụng đỏ cánh đồng, các vị thử nhìn xem chỉ qua ảnh thôi đã thấy rõ quả ớt bệnh phân hủy chính trên thân cây! Ớt tiêu chuẩn của chúng tôi là chín đỏ chứ không phải thối vàng! Còn các vị phát động công chức một ngày lương để cứu ớt xin hỏi quý vị công chức của quý vị có dám mang 1 quả nào về nhà ăn ko ?..
Và rất đáng tiếc với hệ thống báo mạng các vị nhanh quá, tại sao cơ quan truyền thông lại có thể đưa tin một chiều được khi mà các vị ko thèm nghe chúng tôi nói cũng chẳng cần liên hệ hay biết chúng tôi là ai?! tôi muốn nói với quý vị rằng khi một doanh nghiệp dám đồng hành cùng quý vị, dám bỏ ra hàng tỷ trên địa bàn quý vị thì thiết nghĩ các vị cũng nên khoác vai dựng họ dậy sau thất bại bởi vì họ khác biệt so với những kẻ lừa bán giống, bán phân, bán thuốc cho nông dân và sau đó biến mất!.
Chúng tôi có niềm tin vào người nông dân chăm chỉ của các vị nhưng chúng tôi hoàn toàn sai với lòng tự trọng thứ cấp được diễn tả theo cách đa cấp của các vị. Muốn thành công chúng ta thường phải cay đắng thừa nhận thất bại mới có thể biết chúng ta đã làm được gì, đang làm được gì và sẽ làm được gì.
Các vị đã sống để có kinh nghiệm hàng nghìn năm trên mảnh đất khắc nghiệt của mình mà chưa biết làm cái gì để tạo ra cái gì thì tại sao lại bắt chúng tôi phải thành công ngay lần đầu tiên trên mảnh đất đó! Và cuối cùng tôi mong các vị hãy nhìn vào vùng tối của mặt trăng để biết rằng phần sáng của nó đẹp đến thế nào...
Tại... trời mưa
Trao đổi với Dân Việt sau status trên, ông Nguyễn Sơn Trung, Phó Giám đốc Cty Thiên An cho rằng, Cty không "bỏ chạy" mà chỉ chưa tìm được đầu ra và vì vụ thu hoạch ớt chậm hơn so với dự kiến do những bất lợi về thời tiết khiến việc xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.
Đoàn viên thanh niên xuống đồng thu hái ớt hộ nông dân. Ảnh: Ngọc Vũ
"Chúng tôi đã vận động người dân tham gia dự án liên kết trồng ớt với khoảng 50ha, dự kiến triển khai từ tháng 10/2017 đến tháng 1/2018 thì thu hoạch. Tuy nhiên, "do năm nay mùa mưa ở Quảng Trị kéo dài, thay vì kết thúc vào tháng 10 như mọi năm thì đến tận tháng 12 vẫn tiếp tục mưa nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến sự sinh trưởng, phát triển của cây ớt" - ông Trung cho hay.
Theo ông Trung, ngay khi thấy thời tiết bất lợi, chúng tôi đã khuyến cáo bà con nên dừng dự án nhưng khi đó 300 hộ dân đã bỏ trồng sắn và ngô để đợi xuống giống ớt. Chính quyền địa phương không đồng ý, bà con thì đã bón sẵn phân để chờ xuống giống, nên chúng tôi không còn cách nào khác là phải tiếp tục, dù biết trước rằng với thời tiết bất lợi này, cây có khả năng nhiễm sâu bệnh và mùa vụ sẽ bị chậm, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu. Thế nên sự việc này cũng có một phần lỗi ở bà con.
Cũng theo khẳng định của ông Trung, giá ớt chỉ thiên tại Gio Linh hiện giờ là 30.000 đồng/kg, ớt sừng đỏ ở Cam Lộ cơ bản đã bán hết.
Người nông dân nói gì?
Không chỉ liên kết trồng ớt ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, doanh nghiệp này còn liên kết trồng ớt với nông dân xã Yên Trị, huyện Yên Thủy (Hòa Bình).
Tại đây, Cty đã đứng ra ký hợp đồng liên kết trồng và tiêu thụ ớt với 30 hộ dân của Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp xóm Tân Thành trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 5/2018. Tuy nhiên, chỉ sau 1-2 vụ thu mua đúng như cam kết, Cty bất ngờ bỏ rơi người dân.
Ông Nguyễn Hồng Hạnh, Chủ tịch UBND xã Yên Trị cho hay: “Trong suốt quá trình trồng bà con tuân thủ rất nghiêm ngặt yêu cầu từ phía công ty, ớt cũng cho năng suất rất tốt. Việc ký kết hợp đồng cũng có sự chứng kiến của cơ quan chức năng các cấp, và trong hợp đồng cũng ghi rõ điều khoản, trách nhiệm của bên A, bên B. Nếu bên nào không tuân thủ sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Công ty ngừng thu mua khiến nhiều diện tích ớt của bà con chín đỏ đồng. Ảnh: Ngọc Vũ
Bức xúc trước động thái khó hiểu của Cty Thiên An, ông Vũ Mạnh Hải, Thành viên Tổ hợp tác SXNN xóm Tân Thành cho biết: “Trong hợp đồng thu mua ớt giữa công ty và bà con đã ghi rõ: 2 ngày sau khi thu mua, công ty sẽ cử cán bộ kế toán xuống thanh toán tiền với bà con. Trong lần thu mua 4 tấn ớt đầu tiên thì gia đình tôi được công ty thanh toán sau 3 ngày, còn 7 tấn lần tiếp theo thì công ty chưa trả tiền. Không riêng gì gia đình tôi mà hiện tại công ty đã thu mua 15 tấn của các thành viên trong tổ nhưng chưa thanh toán cho bất kỳ ai”.
Nguyên nhân mà Cty này đưa ra cho việc dừng mua ớt ở Hòa Bình là vì thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia bất ngờ ngừng "ăn hàng" , nếu tiếp tục xuất sang sẽ thua lỗ nặng.
Ông Nguyễn Sơn Trung tiếp tục lý giải: “Một số vựa ớt như Hải Nam của Trung Quốc đang bước vào mùa thu hoạch rộ, Trung Quốc lại quốc gia có sự bảo hộ các sản phẩm trong nước rất cao, họ được hỗ trợ giá rất nhiều nên các sản phẩm của chúng ta không thể cạnh tranh được”.
Các đoàn thể ở Quảng Trị tích cực hỗ trợ bà con thu mua, vận chuyển và tiêu thụ ớt. Ảnh: TH
Cũng theo ông Trung, đây là mô hình liên kết sản xuất trên tinh thần đôi bên cùng có lợi, vì thế khi xảy ra những yếu tố rủi ro về thị trường, thiên tai thì bà con cũng phải chia sẻ với doanh nghiệp: “Tôi nghĩ bất cứ doanh nghiệp nào tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp cũng phải chịu nhiều rủi ro, chúng tôi cũng nhận thức rõ điều đó nhưng vẫn đầu tư. Tôi mong rằng bà con sẽ chia sẻ rủi ro với chúng tôi, đồng thời cần khuyến khích thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp như chúng tôi, bất chấp rủi ro từ thị trường” – ông Trung nhấn mạnh.
Tại huyện Cam Lộ, doanh nghiệp đã tích cực thu mua, giải cứu ớt cho nông dân. Ảnh: TTP.
Lãnh đạo Công ty cũng cho biết: doanh nghiệp đã cơ bản đạt được thỏa thuận tiêu thụ với bà con, đó là tích cực liên hệ với các doanh nghiệp làm tương ớt tại Thanh Hóa, Quảng Ninh và Hải Phòng để thu mua giúp bà con, đồng thời, chấp thuận để bà con bán lại ớt cho các doanh nghiệp khác. Phía công ty cũng cam kết sẽ không trừ bất cứ khoản chi phí nào đã đầu tư trước đó. |
Vui lòng nhập nội dung bình luận.