Chủ quan với vết xước nhỏ, nhiều người nhập viện muộn trong tình trạng cứng hàm, nói khó

Gia Khiêm Thứ ba, ngày 22/08/2023 09:11 AM (GMT+7)
Bị xây xước chân tay nhưng nhiều người chủ quan nên đã bị mắc uốn ván phải vào bệnh viện điều trị.
Bình luận 0

Ngày 22/8, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trên địa bàn thành phố vừa ghi nhận thêm 3 bệnh nhân mắc uốn ván chỉ vì chủ quan với những vết xước nhỏ.

Cụ thể, trường hợp thứ nhất là nam bệnh nhân 65 tuổi, ở huyện Ba Vì, Hà Nội. Trước khi nhập viện 10 ngày, bệnh nhân va phải cạnh bê tông cứng dưới ruộng bùn và bị thương ở gan bàn chân phải, sưng nề. Bệnh nhân tự rửa vết thương và uống kháng sinh nhưng không tiêm phòng uốn ván.

Ba người nhập viện do uốn ván vì chủ quan với vết xước nhỏ - Ảnh 1.

Các bác sĩ Bệnh viện trung ương Quân đội 108 chăm sóc, điều trị một bệnh nhân mắc uốn ván. Ảnh: BVCC

Sau đó, người đàn ông này thấy đau nhức nhiều tại vết thương, cứng nhẹ cơ hàm, nói khó, ăn uống kém. Bệnh nhân đã đi khám tại Bệnh viện Quân y 105 và được chẩn đoán uốn ván. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương điều trị.

Trường hợp thứ hai là nam bệnh nhân 50 tuổi, cũng ở huyện Ba Vì. Trước khi vào viện 14 ngày, bệnh nhân va vào đinh sắt ở chuồng thỏ và bị xước da, chảy máu vùng mu bàn tay phải nhưng không tiêm phòng uốn ván. Sau khi xuất hiện cứng hàm, mỏi miệng, nuốt sặc, bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện Bạch Mai và được chẩn đoán mắc uốn ván.

Trường hợp thứ ba là nữ bệnh nhân 77 tuổi, ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Trước khi vào viện 7 ngày, trong khi di chuyển trên mặt đường, bệnh nhân bị vấp và một ngón chân quệt xuống mặt đường. Vết thương ở ngón chân sưng lên nhưng bệnh nhân không tiêm phòng uốn ván.

Sau đó, nữ bệnh nhân cũng xuất hiện tình trạng cứng hàm, khó há miệng, ăn uống rơi vãi. Bệnh nhân đã được người nhà đưa vào Bệnh viện Bạch Mai điều trị và được chẩn đoán mắc uốn ván. Như vậy, từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố đã ghi nhận 18 trường hợp mắc uốn ván, trong đó có 2 ca tử vong, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2022.

Trước sự việc trên, các bác sĩ cho hay, uốn ván là bệnh nguy hiểm. Người dân có thể mắc bệnh chỉ qua một vết xước hay vết thương nhỏ trên da trong quá trình sinh hoạt, lao động. Nhiều người chủ quan với những vết thương nhỏ, không sơ cứu, không tiêm phòng, tạo điều kiện cho trực khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể gây nhiễm trùng, đe dọa tính mạng.

Giải pháp hữu hiệu nhất để phòng uốn ván đó chính là tiêm vắc xin uốn ván. Người lớn chỉ cần tiêm 3 mũi, sau đó tiêm nhắc lại trong 5-10 năm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem