Bia Hà Nội ngày càng mất khách, lợi nhuận lao dốc không phanh

Quang Sơn Thứ tư, ngày 15/05/2019 16:00 PM (GMT+7)
Sản lượng tiêu thụ sụt giảm, Bia Hà Nội chứng kiến lãi ròng giảm mạnh trong ba tháng đầu năm.
Bình luận 0

Trong ba tháng kinh doanh đầu năm 2019, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đạt doanh thu thuần 1.564 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại lao dốc tới 42%, xuống chỉ còn 64 tỷ đồng.

Giải trình về việc lợi nhuận quý I giảm mạnh, Habeco thừa nhận nguyên nhân chính là do sản lượng tiêu thụ của công ty sụt giảm so với cùng kỳ 2018.

Cả năm 2019, Habeco đặt kế hoạch sản lượng tiêu thụ là 438,1 triệu lít, trong đó bao gồm 434,5 triệu lít bia và 3,6 triệu lít nước uống đóng chai UniAqua. Chỉ tiêu doanh thu cốt lõi là 8.270 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 310 tỷ đồng, giảm 36% so với kết quả thực hiện được trong năm 2018. Tính đến hết Quý I, Habeco mới hoàn thành được 21% chỉ tiêu về lợi nhuận.

img

Doanh thu và lợi nhuận của Habeco trong các năm qua. Đơn vị: tỷ đồng

Nhìn lại 5 năm qua, có thể thấy doanh thu và lợi nhuận của Habeco đã liên tục trồi sụt và đi xuống. Trong khi đó, thị trường bia tại Việt Nam dù chững lại nhưng vẫn tăng trưởng đều đặn. Theo thống kê trong năm 2017, sản lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam đạt 4 tỷ lít, chiếm 2,1% tổng sản lượng bia toàn cầu, đứng thứ 10 thế giới và thứ 3 trong khu vực châu Á. Còn trong năm 2018, mức tiêu thụ bia ước tính đạt 4,2 tỷ lít bia, Việt Nam có thể trở thành thị trường tiêu thụ bia lớn thứ 9 trên Thế giới.

Đối thủ trực tiếp của Habeco là Sabeco vẫn đạt được sự tăng trưởng tốt về doanh thu kể từ năm 2015. Trong năm 2018, doanh thu của Sabeco đạt ngưỡng 36.000 ngàn tỷ đồng, gấp gần 4 lần doanh thu của Habeco. Còn trong Qúy I năm 2019, doanh thu của Sabeco cũng tăng mạnh 20% lên 9.337 tỷ đồng, lợi nhuận tăng 11,6% lên 1.290 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Habeco năm 2018, khu vực miền Bắc và Trung – thị trường tiêu thụ chính sản phẩm Habeco đã cho thấy sự suy giảm 3% so với năm trước. Bên cạnh đó, các sản phẩm của Habeco đang bị cạnh tranh gay gắt, đơn cử có Sabeco tăng trưởng 32% với sản phẩm Saigon Lager và 333, thậm chí Heineken Việt Nam tăng trưởng bằng sản phẩm Tiger với tốc độ lên đến 71%.

img

Bia Hà Nội đang thất thế trên chính sân nhà 

Theo dự báo của CTCK FPTS, việc Habeco đang "đi giật lùi" có thể đến từ khẩu vị người tiêu dùng đang thay đổi. Phân khúc bia của Habeco chủ yếu ở mức trung bình, bia hơi. Nhưng những năm gần đây, xu hướng tiêu dùng đang dịch chuyển lên các phân khúc bia cao cấp hơn và điều này đã ảnh hưởng đáng kể tới thị phần Habeco.

Theo đánh giá của CTCK FPTS, việc uống bia bên cạnh thưởng thức hương vị bia còn là nơi thể hiện đẳng cấp xã hội, xây dựng các mối quan hệ nên nhiều người sẵn sàng bỏ ra mức phí cao hơn để sử dụng các sản phẩm bia cao cấp, thương hiệu mạnh. Bên cạnh đó, GDP bình quân đầu người Việt Nam tăng từ 2.012 USD năm 2014 lên mức hơn 2.500 USD năm 2018. Kéo theo đó, tỷ lệ người trong tầng lớp giàu có và trung lưu cũng tăng mạnh khiến xu hướng tiêu dùng của họ thay đổi, chuyển sang sử dụng những sản phẩm có giá bán cao hơn.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng lộ tham vọng lớn cho năm 2019

Thị trường chứng khoán hồi phục phiên thứ ba liên tiếp sau đợt sụt giảm mạnh cùng thế giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem