Biến chủng mới Omicron "đe doạ" kế hoạch mở lại đường bay quốc tế?
Biến chủng mới Omicron "đe doạ" kế hoạch mở lại đường bay quốc tế?
Thế Anh
Thứ sáu, ngày 03/12/2021 11:00 AM (GMT+7)
Biến chủng mới Omicron diễn biến phức tạp có xu hướng lan rộng ra nhiều quốc gia dẫn tới các quốc gia xem xét một cách thận trọng hơn và đánh giá kỹ lưỡng việc mở lại đường bay quốc tế.
Theo dự kiến của Bộ GTVT, ngành hàng không sẽ mở cửa trở lại các đường bay quốc tế nhằm phục hồi nền kinh tế, tuy nhiên, do biến chủng mới Omicron, Bộ GTVT đang phải rà soát lại và làm việc với các quốc gia để thống nhất phương án cuối cùng mở lại đường bay quốc tế.
Đánh giá về diễn biến của dịch Covid-19 với chủng mới Omicron tác động đến ngành hàng không, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, Chuyên gia hàng không cho rằng: "Việc Bộ GTVT rà soát và làm việc lại với các quốc gia để thống nhất phương án mở lại đường bay quốc tế là cần thiết".
Theo PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, với biến chủng mới Omicron chúng ta chưa thể đánh giá, lường hết những diễn biến do biến chủng này gây ra. Vì vậy, mở đường bay quốc tế chúng ta phải thận trọng và từng bước mở lại.
Đồng thời, chúng ta nên cân nhắc mở lại đường bay tới các quốc gia chưa có biến chủng mới Omicron, nhưng phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19. Cùng với đó, áp dụng "hộ chiếu vắc xin" như một số chuyến bay mà các hãng hàng không đã thực hiện trong thời gian vừa qua.
Cũng trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết: "Hiện nay, các hãng hàng không đã thí điểm thành công nhiều chuyến bay từ Hàn Quốc, Nhật Bản,... về nước an toàn".
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho hay, các chuyến bay đã được thực hiện thí điểm như chuyến bay chở du khách quốc tế đến Việt Nam trong chương trình thí điểm đón du khách quốc tế đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Đà Nẵng vào chiều ngày 17/11.
Đây là chuyến bay có hành trình từ Seoul (Hàn Quốc) đến Đà Nẵng do Vietnam Airlines chở các hành khách mang quốc tịch nước ngoài gồm Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Áo, Séc, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Thụy Điển, Nauy, Australia. Các hành khách đến Việt Nam với mục đích du lịch hoặc thăm thân.
Mới đây nhất, chuyến bay thẳng từ Mỹ về Việt Nam do Vietnam Airlines thực hiện chở theo 170 hành khách từ Mỹ về sân bay Đà Nẵng an toàn.
Ngoài ra, chuyến bay mang số hiệu QH9451 chặng Seoul (Hàn Quốc) – Nha Trang (Việt Nam) chở du khách quốc tế đến Việt Nam do Bamboo Airways khai thác đã hạ cánh an toàn tại sân bay quốc tế Cam Ranh.
Theo đại diện Cục Hàng không Việt Nam, thành công của các chuyến bay nêu trên cho thấy, ngành hàng không Việt Nam đã có đủ cơ sở, năng lực để mở lại các đường bay quốc tế nhằm đưa khách quốc tế trở lại Việt Nam, là động lực quan trọng góp phần thúc đẩy ngành du lịch phục hồi và phát triển trong thời gian tới.
Thông tin về kế hoạch mở lại đường bay quốc tế, đại diện Vietnam Airlines cho biết, ngay sau khi có chủ trương về việc thí điểm mở cửa một số địa điểm du lịch cho khách quốc tế, hãng đã tích cực phối hợp với các đối tác lớn như: Sun Group, Vingroup, Thiên Minh Group, Sài Gòn Tourist… và các địa phương liên quan nhằm chuẩn bị, tổ chức các chuyến bay đưa khách quốc tế từ những thị trường trong khu vực Châu Âu, Đông Bắc Á như Pháp, Đức, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Vietnam Airlines cũng đã thí điểm đưa khách quốc tế các điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Nam. Khách đến đã hoàn thành tiêm chủng, được cấp "hộ chiếu vaccine" và sẽ tham gia tour du lịch trọn gói 7 ngày tại 5 điểm đến ở Việt Nam.
Cùng với đó, Vietnam Airlines xây dựng lịch bay và chuẩn bị đầy đủ nguồn lực (máy bay, phi công, tiếp viên, thợ kỹ thuật…) trong năm 2022, bám sát vào lộ trình mở cửa trở lại do cảng hàng không đề xuất. Theo đó, từ tháng 1/2022, Vietnam Airlines dự kiến triển khai lại các đường bay thường lệ tới Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc…
Do biến chủng mới Omicron diễn biến phức tạp, Bộ GTVT đang phải tính toán lại kế hoạch mở lại đường bay quốc tế một cách thận trọng. Tại Phiên họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức tối 2/12, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó có danh sách các quốc gia dự kiến cùng điều kiện mở lại.
Ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc thì có 10 quốc gia khác và chia thành 3 giai đoạn khác nhau, với lộ trình khách nhau. Cùng với đó là tần suất khai thác và biện pháp phòng chống dịch kèm theo để đảm bảo nhu cầu đi lại theo cầu của các thị trường đó.
Thứ trưởng Đông nhấn mạnh để có kế hoạch cuối cùng và trình lên Thủ tướng xem xét quyết định, Bộ GTVT đang tiếp tục làm việc với các bộ Ngoại giao, Công an, Y tế… để hoàn thiện một cách chi tiết. Việc mở đường bay quốc tế phải có sự đồng thuận của hai quốc gia có điểm đi và đến. Các hãng hàng không cũng phải tuân thủ để thực hiện các chuyến bay một cách an toàn.
Dưới góc nhìn chuyên gia khi chia sẻ với báo chí, TS Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư Ký hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam ủng hộ kế hoạch mở đường bay quốc tế nêu trên, song chưa đồng tình với quy định cách ly hành khách khi nhập cảnh.
Ông Nề cho rằng Việt Nam nên xem xét bỏ quy định cách ly y tế đối với hành khách đã tiêm hai mũi vaccine trong giai đoạn đầu mở đường bay quốc tế thường lệ. Việc cách ly tập trung một tuần sẽ khiến khách không bay, vì tâm lý khách du lịch, đi làm ăn không ai muốn đến Việt Nam để phải ở một tuần trong khách sạn.
Theo ông, Việt Nam đã cam kết áp dụng "hộ chiếu vaccine" đối với nhiều quốc gia kiểm soát dịch tốt, không cách ly hành khách đến từ các nước này, "khi mở lại đường bay quốc tế nên đối xử với khách đến từ các địa bàn trọng điểm như với khách có hộ chiếu vaccine".
Trước đó, kế hoạch mở lại các đường bay quốc tế tổ chức theo giai đoạn:
Giai đoạn 1, dự kiến từ Quý I/2022, tổ chức chuyến bay không yêu cầu phê duyệt danh sách hành khách vào Việt Nam của các cơ quan có thẩm quyền (trừ các yêu cầu về xuất nhập cảnh và kiểm soát y tế)
Đối tượng đi máy bay là công dân Việt Nam và người nước ngoài. Các đường bay được mở lại giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hồng Công, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Lào, Căm-pu-chia, Pháp, Đức, Nga, Anh, Úc (đây là các quốc gia/vùng lãnh thổ hiện có tỷ lệ người dân được tiêm đủ liều vắc-xin cao hơn Việt Nam.
Cùng với đó là các nước đang thực hiện các chuyến bay "combo", chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế và là các thị trường hàng không quan trọng đối với các hãng hàng không Việt Nam) và các thị trường an toàn khác không hạn chế nhập cảnh theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Dừng việc thực hiện các chuyến bay "giải cứu" cách ly tại các cơ sở của quân đội đến các thị trường triển khai chuyến bay thường lệ.
Giai đoạn 2, dự kiến từ Quý II/2022, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các chuyến bay trong Giai đoạn 1 và công tác phòng chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, việc triển khai giai đoạn này phải đảm bảo phù hợp với khả năng phòng chống dịch Covid-19 trong nước cũng như kết quả đàm phán, thống nhất với các nước/vùng lãnh thổ về công nhận "hộ chiếu vắc-xin".
Giai đoạn 3, dự kiến từ Quý III/2022, trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các chuyến bay trong Giai đoạn 2 và công tác phòng chống dịch Covdi-19.
Tuy nhiên, việc triển khai giai đoạn này phải đảm bảo phù hợp với khả năng phòng chống dịch Covid-19 trong nước cũng như kết quả đàm phán, thống nhất với các nước/vùng lãnh thổ về công nhận "hộ chiếu vắc-xin".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.