Biển Đông lên nghị trường

Thứ ba, ngày 20/05/2014 07:12 AM (GMT+7)
Chiều 20.5, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII sẽ nghe Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ, trình bày báo cáo về tình hình Biển Đông.
Bình luận 0
Đây là thông tin được Văn phòng Quốc hội đưa ra trong buổi họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII diễn ra chiều 19.5.

Quốc hội bàn giải pháp về Biển Đông

Chiều 19.5, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội (VPQH) đã diễn ra buổi họp báo công bố chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII. Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng - Phó Chủ nhiệm VPQH, dự kiến Quốc hội sẽ dành 21/28 ngày làm việc chính thức để xem xét, thông qua 11 dự án luật, 3 dự án nghị quyết và cho ý kiến lần đầu 16 dự án luật khác.

Chiều 20.5 Quốc hội sẽ nghe báo cáo về tình hình Biển Đông .
Chiều 20.5 Quốc hội sẽ nghe báo cáo về tình hình Biển Đông .

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012. Quốc hội cũng sẽ dành 2,5 ngày để xem xét kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6 và tiến hành các phiên chất vấn.

Về tình hình Biển Đông đang nóng lên từng ngày, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ngay sau buổi khai mạc vào sáng 20.5, buổi chiều, Quốc hội sẽ nghe Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về tình hình Biển Đông, cụ thể là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng sẽ trình bày chủ trương và giải pháp của Việt Nam trong vấn đề này để Quốc hội cùng thảo luận và cho ý kiến.

Chưa cần điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế - xã hội

Tại buổi họp báo, rất nhiều câu hỏi phóng viên đặt ra cho người phát ngôn của Quốc hội tập trung vào vấn đề Biển Đông. Trả lời câu hỏi, sau khi nghe Chính phủ trình bày báo cáo về tình hình Biển Đông, liệu Quốc hội có ra nghị quyết hoặc một tuyên bố về vấn đề này hay không, Chủ nhiệm VPQH chia sẻ: Tình hình Biển Đông hết sức phức tạp khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam. Trước tình hình đó, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo về tình hình Biển Đông cùng các chủ trương giải pháp. Các đại biểu sẽ có trao đổi làm rõ vấn đề, cả việc một số địa phương vừa rồi xảy ra tình trạng các đối tượng bị kích động xúi giục gây rối phá hoại tài sản các DN. Sau khi nghe các đại biểu trao đổi cụ thể, Quốc hội mới quyết định chính thức về vấn đề này.

Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội sẽ bắt đầu lúc 9 giờ sáng 20.5, sau khai mạc, Quốc hội sẽ nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013 và những tháng đầu năm 2014; nghe Chủ tịch Uỷ ban MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri.

Khi được hỏi quan điểm cá nhân, với tư cách là ĐBQH về tình hình Biển Đông hiện nay, ông Nguyễn Hạnh Phúc nhận xét: Với tư cách một ĐBQH, tôi cho rằng Quốc hội Việt Nam luôn chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông bằng các giải pháp hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế. “Thời gian qua, nghị sĩ nhiều nước đã nhanh chóng lên tiếng phản đối hành vi trái phép của Trung Quốc và ủng hộ mọi yêu cầu hợp pháp chính đáng của Việt Nam chúng ta. Tại các buổi Quốc hội thảo luận về vấn đề Biển Đông, chúng tôi sẽ có thông báo cụ thể tới phóng viên sau mỗi cuộc họp” - Chủ nhiệm Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

“Vấn đề căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng cuối năm, vậy Quốc hội có định điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế - xã hội?”, trước câu hỏi này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng: Như tôi đã nói là Chính phủ sẽ báo cáo về tình hình, trong đó sẽ có cả phần kinh tế - xã hội. Nếu có gì thay đổi chúng tôi sẽ thông báo. Nhưng tôi nghĩ chúng ta chưa có lý gì để điều chỉnh chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm nay.

Tại cuộc họp báo, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cũng gửi lời cảm ơn và hoan nghênh các nghị sĩ ở các nghị viện trên khắp thế giới đã lên tiếng kịp thời ủng hộ Việt Nam và phản đối Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Mọi đoàn công tác đến Việt Nam và cũng như từ Việt Nam ra nước ngoài đều thảo luận về vấn đề này, đặc biệt mới đây là đoàn của Thượng viện Quốc hội Hoa Kỳ khi tới thăm Việt Nam đã thảo luận nghiêm túc về vấn đề này. “Tới đây, trên các diễn đàn quốc tế chúng ta sẽ có những cuộc trao đổi với thế giới về vấn đề này bởi chúng ta hiểu rõ, hành vi của Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng tới quyền lợi của Việt Nam mà còn có nguy cơ làm mất ổn định an ninh trong cả khu vực” - ông Phúc đánh giá.

Về Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35 về việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt, người phát ngôn của Quốc hội cho biết, có một số nội dung cần sửa: Thứ nhất là thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, trước đây quy định 1 năm 1 lần. Nhưng khi thực hiện thấy có hạn chế là thời gian ngắn quá, 1 năm chưa đủ thời gian để người được lấy phiếu sửa đổi, khắc phục hạn chế. Vì thế nghị quyết lần này sửa đổi có thể lấy phiếu vào kỳ họp cuối của năm thứ 3, nghĩa là vào giữa nhiệm kỳ của Quốc hội và HĐND (kỳ họp cuối năm). Về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, một số địa phương đề nghị mở rộng đối tượng lấy phiếu tín nhiệm ở HĐND các địa phương (giám đốc sở, ngành) không phải đối tượng do HĐND phê chuẩn. Về mức tín nhiệm vẫn giữ nguyên 3 mức hiện tại.


Hải Phong (Hải Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem