Biến Đồng Tháp Mười thành trung tâm giống thuỷ sản của ĐBSCL

Thiên Hương Thứ hai, ngày 03/06/2019 20:57 PM (GMT+7)
Với diện tích mặt nước nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) lớn, vùng Đồng Tháp Mười có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để đưa NTTS trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của vùng. Tuy nhiên do biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, thị trường bấp bênh, ngành này cũng đang gặp khá nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Để giải đáp những vấn đề này, vừa qua Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh Long An tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Giải pháp phát triển NTTS nước ngọt bền vững vùng Đồng Tháp Mười”.

Thiếu định hướng chiến lược

Vùng Đồng Tháp Mười trải rộng trên 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp, với tổng diện tích NTTS lên tới hơn 14.000ha. Riêng tại Long An, diện tích NTTS đã chiếm hơn 9.000ha và đang là ngành mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho bà con nôg dân.

img

Vùng Đồng Tháp Mười (gồm các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp) có nhiều tiềm năng phát triển nuôi trồng thuỷ sản, trong đó nuôi cá tra là chủ lực hiện nay. 

Thạc sĩ Trần Hoài Giang, Phân Viện trưởng Phân viện Kinh tế và Quy hoạch Thuỷ sản phía Nam cho biết, NTTS tại vùng Đồng Tháp Mười đã có từ lâu đời, với thế mạnh là nuôi thủy sản trong mùa lũ, với các mô hình nuôi lồng, vèo trên sông hoặc nuôi trong ao hay nuôi cá trên ruộng lúa.

Các đối tượng nuôi chính là các loại cá đồng như: Cá lóc, trê vàng, rô, cá tra, tôm càng xanh, thát lát, cá mùi, rô phi, sặc rằn, điêu hồng, chép,... Bên cạnh đó, các đối tượng thủy đặc sản khác như: ếch, ba ba, cua đinh, lươn… cũng có xu hướng phát triển nhanh, vì chi phí đầu tư ít, phù hợp với quy mô nông hộ nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tuy nhiên, việc phát triển ngành NTTS ở vùng Đồng Tháp Mười vẫn còn nhiều hạn chế, khoa học kỹ thuật lạc hậu, thiếu vật chất kỹ thuật, ô nhiễm môi trường, thị trường tiêu thụ bấp bênh…

img

Các đại biểu thăm mô hình nuôi cá tra tại Long An. Ảnh: K.N

Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cũng nhấn mạnh, cả vùng Đồng Tháp Mười có lợi thế phát triển thủy sản nhưng thiếu bền vững vì chưa có định hướng chiến lược. Chúng ta cần có một đề án nuôi thủy sản nước ngọt kết hợp du lịch trong mối liên kết vùng Đồng Tháp Mười.

“Hiện nay mới chỉ có quy hoạch NTTS cho từng tỉnh mà chưa có quy hoạch NTTS chung cho cả vùng. Vì vậy mà tính liên kết vùng còn yếu. Một số địa phương có quy hoạch chung diện tích NTTS cả tỉnh nhưng không có quy hoạch chi tiết khu vực cụ thể nên việc nông dân tự phát đào ao chuyển từ sản xuất lúa sang nuôi thủy sản rất khó xử lý” – Ths Trần Hoài Giang thông tin thêm.

Chú trọng phát triển bền vững

Mặc dù đề cập đầy đủ về kỹ thuật và thị trường các loại thủy sản nước ngọt như tôm, cá rô, cá trê, ếch… nhưng diễn đàn đã dành nhiều thời gian xoáy sâu vào con cá tra.

Ông Trần Văn Khởi chia sẻ, theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra đến 15/4/2019 đạt 540,5 triệu USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2018. Con số này cho thấy nghề NTTS, đặc biệt là nuôi cá tra là một ngành quan trọng trong cơ cấu kinh tế vùng Đồng Tháp Mười.

img

Đại diện Ban cố vấn, chuyên gia trả lời câu hỏi của bà con nông dân tại diễn đàn. Ảnh: K.N

Qua 6 tham luận và 20 câu hỏi tại hội nghị, những vấn đề nổi cộm của hiện trạng nuôi thủy sản nước ngọt được đại biểu là các nông dân, nhà khoa học và doanh nghiệp vùng Đồng Tháp Mười đưa ra mổ xẻ như: Làm sao giảm chi phí vật tư, thuốc thú y thủy sản để nuôi cá tra giống? Làm sao quản lý dịch hại thủy sản? Tham gia chuỗi liên kết sản xuất đạt hiệu quả cao như thế nào?

Về mặt quản lý của ngành và địa phương, diễn đàn đề xuất các giải pháp phát triển thủy sản nước ngọt bền vững cho vùng Đồng Tháp Mười, đó là cần quy hoạch vùng nuôi; đầu tư và tạo điều kiện phát triển vùng sản xuất tập trung như nguồn nước, giao thông, lưới điện… Đặc biệt, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nông hộ mở rộng quy mô sản xuất như tích tụ đất, xây dựng kho lạnh, nhà máy chế biến…

“Với các tiềm năng, lợi thế dồi dào, tương lai vùng Đồng Tháp Mười sẽ là trung tâm giống thủy sản nước ngọt của vùng ĐBSCL, do đó chúng ta cũng đầu tư xây dựng hệ thống trại giống nước ngọt và xã hội hóa trong dân nhằm chủ động đáp ứng số lượng và đảm bảo chất lượng con giống cho nuôi thương phẩm. Tăng cường công tác quản lý, sản xuất thức ăn, hoá chất, thuốc thủy sản để nâng cao chất lượng sản phẩm thuỷ sản. Đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo vùng, dứt điểm sau đó mới mở rộng sang các vùng khác...”, Ths Trần Hoài Giang kiến nghị.

“Chúng ta nên xây dựng một đề án phát triển NTTS vùng Đồng Tháp Mười, không để phát triển tự do như hiện nay. Trong đó lưu ý đầu tư về hạ tầng phục vụ sản xuất; quản lí chặt chẽ vật tư đầu vào, đầu ra; tạo điều kiện về cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp tham gia vào NTTS như tích tụ ruộng đất, chuyển đổi đất lúa, thuế…

Thống nhất quy trình nuôi chung cho cả vùng nhưng vẫn linh hoạt với đặc thù địa phương; quan tâm tổ chức tuyên truyền, tư vấn, nâng cao trình độ kỹ thuật nuôi cho nông dân”.

Ông Trần Văn Khởi

Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem