Biên giới Tây Nam: Nhộn nhịp... buôn lậu cuối năm

Thứ hai, ngày 13/01/2014 06:55 AM (GMT+7)
Giáp tết, ở các tỉnh có đường biên giới với Campuchia như An Giang, Đồng Tháp… đội quân buôn lậu rất nhộn nhịp. Lực lượng chức năng càng được tăng cường thì dân buôn lậu càng tinh vi, lắt léo…
Bình luận 0
Càng chống, càng tăng!

Ngày 9.1, phóng viên có cuộc khảo sát dọc biên giới thuộc phường Vĩnh Ngươn, TP. Châu Đốc (An Giang) và ghi nhận không khí buôn lậu ở đây rất nhộn nhịp. Cảnh người qua lại biên giới đai hàng về không kém cảnh người dân trong nước đi chợ hàng ngày. Đối diện phường Vĩnh Ngươn không xa, bên kia biên giới Campuchia là chợ Gò Tà Mâu với đủ các mặt hàng phục vụ tết.

Một điểm tập kết đường không rõ nguồn gốc ở cặp bờ kênh Vĩnh Tế, thuộc thị trấn Tịnh Biên.
Một điểm tập kết đường không rõ nguồn gốc ở cặp bờ kênh Vĩnh Tế, thuộc thị trấn Tịnh Biên.

P - một nhân vật có số má trong giới đai vác hàng lậu ở phường Vĩnh Ngươn nói: “Bên chợ Gò Tà Mâu hàng đang sung lắm, muốn thứ gì và bao nhiêu cũng có. Từ đường cát, thuốc lá, rượu bia, bánh mứt, mỹ phẩm đến đồ gia dụng… Tui đai hàng ăn tiền bảo đảm 100%...”. Nhiều tay buôn lậu nhận định: Nơi đây được xem là một trong những điểm nóng của “cung đường” buôn lậu trải dài trên 100km đường biên giới của An Giang.

Ông Sáu U - một người làm nghề câu lưới dọc kênh Vĩnh Tế kể: “Tui làm nghề này như nằm chung với buôn lậu vậy, liếc ngang chiếc vỏ là biết chở hàng lậu gì, nói gì mấy ông làm chuyên môn. Mấy ngày nay, mỗi ngày ở đây ít nhất cũng có vài chục chiếc vỏ chở đường, mỗi chiếc chở năm bảy chục bao (50kg/bao) chạy qua trước mặt nhiều người nhưng không thấy ai bị bắt bớ gì…”. Điểm nóng nhất về đường cát lậu có thể nói là các vùng biên thị trấn Long Bình (huyện An Phú), thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, với số lượng đường lậu từ Campuchia về còn lớn hơn nhiều chục lần với Vĩnh Ngươn.

Ai cũng biết

Hơn 2 ngày “ém quân” ở nhà một người dân ở khu vực ven kênh Vĩnh Tế chúng tôi chứng kiến mỗi ngày có hàng trăm ghe chở đường cát lậu từ Campuchia về qua các tuyến kênh ở thị trấn Tịnh Biên. Mỗi chiếc chở trung bình 70-100 bao. Chủ ngôi nhà chúng tôi “ém quân” khẳng định: “Tui ở đây mấy chục năm rồi nên biết rõ quy luật của dân buôn lậu. Nhìn dưới sông mà thấy chỉ chạy toàn vỏ không là biết hôm đó “mấy ổng” (lực lượng chống buôn lậu) ra quân… Thế nhưng không hiểu vì sao các cơ quan lại “bó tay” với buôn lậu…!?”.

Theo Ban Chỉ đạo 127 tỉnh An Giang, những tháng gần đây, các ngành chức năng đã phát hiện và xử lý rất nhiều vụ vận chuyển đường cát Thái Lan qua biên giới cũng như trong nội địa. Do nhu cầu tiêu thụ thời gian cận tết tăng cao nên các đối tượng đã thay đổi phương thức hoạt động để tiếp tục đưa hàng qua biên giới.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi tập kết về các kho trong nội địa, đường cát lậu được cho vào các bao bì và trở thành hàng nội địa!

Ông Phan Lợi - Phó Giám đốc Sở Công Thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh An Giang nói: “Lực lượng phòng chống buôn lậu trực chiến 24/24 giờ để ngăn chặn nhưng bằng mọi cách dân buôn lậu vẫn vận chuyển hàng hóa qua biên giới đưa về nội địa tiêu thụ... Cái khó hiện nay mà ai cũng biết là các chốt chặn bị dân buôn lậu cử người theo dõi, giám sát rất chặt chẽ. Do đó, khi ra quân, động tĩnh thế nào thì dân buôn biết hết cả…”.

Ông Lâm Thế Giới - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan huyện Tịnh Biên phân trần: Không thể thống kê được bao nhiêu lượng đường lậu nhập vào vì nếu xác định là đường lậu thì phải bắt được, trong khi số lượng bắt được là rất ít, không đáng kể. Lý giải vì sao bắt được rất ít - ông Giới cho rằng dân buôn chia nhỏ hàng ra, đi trót lượt này rồi đến lượt khác…

Trọng Bình (Trọng Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem