Biên kịch "Quỳnh búp bê" hé lộ nhiều chi tiết rùng rợn, sởn da gà

Thanh Hà (thực hiện) Thứ năm, ngày 08/11/2018 12:08 PM (GMT+7)
Chia sẻ xung quanh những chi tiết có thật ngoài đời nhưng lại không được đưa lên phim "Quỳnh búp bê", nhà biên kịch Kim Ngân cho hay, có những chi tiết chị thấy sởn da gà và ám ảnh suốt cả tháng sau khi nghe Quỳnh thật ngoài đời kể.
Bình luận 0

Xin chào chị Kim Ngân, đến thời điểm này phim đã đi đến chặng cuối, chị đã nhận được những phản hồi như thế nào về bộ phim?

- Tôi nhận đủ mưa lời khen và đống gạch đá đủ để xây nhà 5 tầng. Người thì nói: cùng là đàn bà với nhau mà con mụ biên kịch này nó xây dựng nhân vật khốn khổ quá. Ghét. Có kẻ lại chê bai: Biên kịch và đạo diễn đều ác, để Lan khốn khổ, Cảnh chết….

img

Nhà biên kịch Kim Ngân - tác giả phim "Quỳnh búp bê"

Đặc biệt, sau khi Cảnh chết thì "tội đồ" của khán giả chính là biên kịch và đạo diễn. Nhưng tôi cũng nhận được những lời khen mát lòng mát dạ, ví dụ: Trước đây tôi thờ ơ với phim Việt nhưng bây giờ tôi xem thấy tốt, hồi hộp, gay cấn, cuốn hút.

Tôi luôn biết khen chê là quyền của khán giả. Tôi không còn quá trẻ để tự mãn trước những lời khen có phần hơi quá và cũng không quá hốt hoảng trước những lời chê. Tôi dành thời gian nghiên cứu những ý kiến đánh giá công bằng, chân thực để rút kinh nghiệm cho các kịch bản sau này.

Chị nói rằng đã xin phép nhân vật Quỳnh ngoài đời để đưa vào kịch bản, thậm chí dùng tên thật của nhân vật đưa vào phim. Nhưng trong một bài phỏng vấn gần đây, chị lại cho rằng việc đưa danh tính, tên tuổi cụ thể của các cô gái bán dâm là điều không nên, bởi sẽ khiến họ khó có đường lùi, làm lại cuộc đời, chưa kể làm ảnh hưởng tới người thân của những cô gái đó. Liệu rằng điều này có mẫu thuẫn?

- Cô ấy tên Quỳnh, biệt hiệu Búp bê do tôi đặt. Quỳnh là tên thật, bạn biết tại sao không? Khi bắt tay vào viết kịch bản, tôi không thể nào thoát ra khỏi cái tên ấy. Tôi đã từng thử đặt cho cô ấy cái tên Ngọc, nhưng không hiểu sao không viết được. Chỉ khi đặt là Quỳnh, gương mặt cô ấy mới hiện lên rõ nét, với những lời kể như những vết cắt sâu vào thịt đến chảy máu. Tôi biết đó là điểm yếu của tôi. Từ bộ phim đầu tay “Mưa bóng mây” tôi đã bị điểm yếu ấy chi phối. Các nhân vật trong phim tên giống như các nhân vật ngoài đời, với tính cách y như nhân vật thật.

img

Quỳnh đồng ý cho tôi lấy tên cô ấy lên phim, sau khi tôi cam kết sẽ không có chuyện gì xảy ra, và tôi cũng chưa từng tiết lộ với ai về nơi ở của Quỳnh hiện nay, mặc dù nhiều khán giả nữ thương cảm muốn tới gặp cô ấy. Quỳnh trong mắt khán giả vẫn chỉ là 1 cái tên của một cuộc đời thật nhiều nước mắt mà những câu chuyện xảy ra đã nhiều năm. Quỳnh búp bê là cái tên của một quãng đời xa vắng, chứ không phải Quỳnh của hiện tại.

Tôi nghĩ, khán giả hiểu và đồng cảm với điểm yếu ấy của tôi – một biên kịch không chuyên.

Và tôi vẫn giữ nguyên ý kiến, rằng việc đưa danh tính, tên tuổi cụ thể của các cô gái bán dâm là điều không nên, bởi sẽ khiến họ khó có đường lùi, khó làm lại cuộc đời. Tôi nghiêng về phía đưa tên tuổi những kẻ mua dâm, nhất là những cán bộ có chức có quyền.

Nếu để nói để có được “Quỳnh búp bê” sống động và chân thực về thế giới ngầm, về mại dâm, thì góp phần không nhỏ chính là câu chuyện mà nhân vật Quỳnh chị đã gặp ngoài đời và khai thác. Vậy, Quỳnh ngoài đời có nhận được sự trợ giúp nào hay chút tiền có thể nói là cát xê cho câu chuyện của mình?

- Tôi vẫn giúp đỡ cô ấy bằng tấm lòng mình, nhiều năm rồi chứ không phải chỉ đến khi làm phim. Tôi thường giúp các bệnh nhân nghèo, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể cho con đi học… Với Quỳnh, tôi thấy mình có trách nhiệm giúp để cô ấy có thể đoạn tuyệt quá khứ mà làm lại cuộc đời.

Sau này, khi biết chuyện, chồng tôi có đi cùng tôi lên gặp Quỳnh và cho một số tiền kha khá, khi cô ấy sửa lại cái nhà tồi tàn xin ở nhờ được.

Tôi nghĩ, cát xê nếu trả cho Quỳnh sẽ không lớn bằng những gì chúng tôi giúp thường xuyên, và sẽ còn giúp nữa. Nhưng cô ấy là một phụ nữ rất tự lập, cho cũng phải khéo, phải đúng dịp và phải rất tế nhị. Cô ấy thường xuyên nghĩ ra cái gì đó để tặng lại tôi, ví dụ như hạt dẻ, măng, mộc nhĩ, tam thất… Vậy là cứ mỗi lần tôi lên thăm, cho quà, thì lại có quà của cô ấy mang về.  Năm nào ông xã nhà tôi cũng đi mua hoa đào trắng trên quê cô ấy, năm nào gần Tết chúng tôi cũng gặp nhau, vui lắm!

img

Quỳnh (Phương Oanh) và Đào (Quỳnh Cool) trong tập 23 "Quỳnh búp bê"

Chị đã nói "Quỳnh búp bê" mới chỉ tải được 10% sự thật của những số phận gái làng chơi vào kịch bản. Và chị cũng đã từng chia sẻ, ở thời điểm này, rất nhiều giá trị đang bị đảo lộn, rất nhiều cạm bẫy đang giăng ra cho trẻ con, thì phim này là cần thiết. Những cạm bẫy, những góc tối cần được đưa ra với cách nhìn trực diện, được đưa ra ánh sáng. Nhưng chỉ 10% sự thật thì liệu có đưa ra cảnh báo, kiến thức cần thiết cho con trẻ?

- Tôi nghĩ cái gì cũng phải có lộ trình… Muốn cho khán giả biết 100% sự thật cũng cần có thời gian, bởi rất nhiều khán giả bị sốc khi xem những hình ảnh mà họ không thể nào tưởng tượng ra được.

Đạo diễn Mai Hồng Phong là một tay lão luyện trong việc cân đong, đo đếm liều lượng của những vấn đề nhạy cảm. 10% sự thật không làm biên kịch thoả mãn nhưng lại là vừa phải với khán giả hiện nay, để khán giả từng bước chấp nhận một sự thật mà họ cần phải biết, cần đối mặt. Họ cần suy nghĩ thấu đáo khi dạy con mình một cách thẳng thắn chứ  không né tránh, bởi thời nay không thể né, né là chết.

Cách đây 10 năm khi tiễn con gái đi du học, lúc ấy cháu 16 tuổi, tôi để vào va ly con mấy cuốn sách dạy an toàn tình dục, mẹ tôi kêu giời lên, bà bảo: Vẽ đường cho hưou chạy. Tôi chỉ cười, vì bà đâu có hiểu thời nay khác quá rồi, mà tôi không thể để con nạo phá thai như bao nhiêu thanh nữ mơn mởn tươi non ngoài xã hội. Họ cái gì cũng biết, trừ an toàn tình dục. Thế đấy, cách của tôi là đối mặt với thực tại để chiến đấu, để không bị sốc khi điều xấu xảy ra.

Tệ nạn mại dâm cũng thế, nếu bạn vẫn u u mê mê với những điều mà bạn muốn nhắm mắt bịt tai, liệu bạn có đứng vững trước nó không?

Tôi hy vọng có một ngày được đưa lên phim 100% sự thật về tệ nạn này.

Ngoài câu chuyện sự thật ngoài đời đánh ghen mà chị đã chia sẻ, còn câu chuyện nào rùng rợn hơn hay khiến chị sởn da gà và không dám đưa vào kịch bản?

- Có chứ. Tôi vẫn nhớ chi tiết Quỳnh kể: Quỳnh ngồi thu lu trên giường, sợ đến ngất đi khi ngay dưới chân cô là 3 con rắn hổ mang được nhốt trong cái lồng sắt đang điên cuồng phun phì phì, đầu dựng đứng. Một tay anh chị hất hàm: Mày có tiếp khách không, nếu không, tao tháo lồng ra cho 3 anh giai này ngủ với mày đêm nay?

Tôi nghe Quỳnh kể mà sở da gà. Nhiều đêm sau đó, tôi vẫn giật mình thức giấc khi mơ về những con rắn bành mang phun phì phì dưới chân Quỳnh. Phụ nữ ai mà không sợ rắn?

img

Thịnh (Hải Anh) và Quỳnh (Phương Oanh) trong phim "Quỳnh búp bê"

Đến thời điểm hiện tại, Quỳnh ngoài đời có xem phim và nhận xét gì về một phần số phận của mình trên phim? Liệu Quỳnh có than phiền, chị đã làm quá hay chị chưa dám kể hết và làm tới?

- Thỉnh thoảng Quỳnh lại gọi cho tôi bảo: Cô ơi, cái này không giống cháu, cái kia không giống chị Lan. Sao cô không cho vụ chị Lan đẻ con ra mà con không có mắt vào phim? Cô sợ à?

Cô ấy có nhiều ý kiến về phim, chủ yếu là giống hay không giống. Còn về số phận mình, cô ấy ít ý kiến. Về cơ bản những gì trên phim thì Quỳnh đã trải qua, tôi có nói cho Quỳnh biết dựa trên cốt truyện ấy có thể sẽ thêm bớt ít nhiều, bởi đây là phim chứ không phải truyện. Nói chung là nhờ có phim chúng tôi gần nhau hơn.

Chị nghĩ sao khi khán giả đang phản ứng và bắt đầu chê phim vì đã để nhân vật Lan cave bị đẩy đến đường cùng. Theo chị đã cho hay, bộ phim nhân văn nhưng kết thúc không có hậu, có vẻ như không thuận theo quy luật gieo nhân nào thì gặt quả đó, ác giả ác báo?

- Tôi nghĩ khán giả “giận thì giận mà thương càng thương”. Khán giả yêu Lan và Cảnh quá nên ghét biên kịch và đạo diễn thôi. Làm được một bộ phim như thế,  xây dựng được những nhân vật dưới tận bùn đen nhơ nhớp mà khán giả vẫn thương, vẫn muốn họ thoát kiếp sống khốn khổ, vậy chẳng phải rất nhân văn hay sao?

Khán giả quen với những cái kết có hậu, cho nó tròn trịa, cho hợp với tính cách người Việt Nam. Tôi cũng muốn lắm chứ, nhưng cuộc đời của những nhân vật mà tôi đưa vào phim lại không thế và nắn lại để cho “có hậu” thì đâu còn là câu chuyện có thật nữa?

Có những thứ không phải ta muốn mà được. Vậy mới là cuộc đời, vậy mới  còn những câu hỏi không ai trả lời được, ví dụ như: Sao người tốt thường hay chết sớm?

Quy luật ác giả ác báo hầu như đúng với Cấn và Phong cùng nhiều nhân vật khác. Nhưng cuộc đời nhiều khi đâu có tuân theo quy luật đâu?

Tôi thích khán giả khi họ nổi cáu bởi Lan quá khổ, Cảnh chết, Quỳnh bầm dập. Khi ấy tôi thấy khán giả của tôi thật dễ thương, nhân hậu, bao dung, luôn muốn mở đường sống cho những con người tận dưới đáy sâu nhơ nhớp. Và tôi tin ghét thì ghét thế nhưng họ vẫn xem đến hết tập 28 của phim này.

Điều chị tiếc nhất cho đến thời điểm này về "Quỳnh búp bê" là gì? Và tại sao?

- Tôi tiếc một số tình tiết không đưa được vào phim. Nhưng tôi chấp nhận vì như vậy hiệu quả phim sẽ cao hơn.

"Quỳnh búp bê" đã quá thành công, vậy chị có ý định phát triển cho "Quỳnh búp bê" 2?

- Kế hoạch này xin cho phép tôi được giữ bí mật

Sau đề tài gái mại dâm, chị định tiếp theo cho kịch bản của mình sẽ là đề tài nào, chị có thể bật mí một chút?

- Tôi đang viết một bộ mới, cũng là một câu chuyện có thật về một người phụ nữ sống bất chấp, chuyên mồi chài đàn ông, làm tất cả để có tiền, kể cả chuyện lừa đàn ông để có thêm một đứa con hòng mong có danh có phận. Vì chị ta mà bao nhiêu gia đình khốn đốn, người đời khinh ghét, bố mẹ khổ tâm, con gái lớn khó lấy chồng… Đến khi ngoảnh lại muốn có một mái ấm gia đình thì không thể… Đó là bi kịch của phụ nữ buông thả thời hiện đại.

Xin cảm ơn chị!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem