|
Bà Lệ bên những sản phẩm từ trái điều. |
Tại Festival điều Bình Phước năm 2010, nhiều sản phẩm chế biến từ trái điều nhãn hiệu Long Hổ của Hội ND Bình Phước được đông đảo người tham quan thử và mua. Hàng trưng bày bao nhiêu cũng hết vì vị lạ, ngon, lại rẻ. Tìm hiểu, nhiều người bất ngờ khi biết các món "độc" mà mình thưởng thức được làm từ phế phẩm của điều, do một phụ nữ nông dân chế biến.
Đồ bỏ… thành món ngon
Theo địa chỉ ghi trên bao bì sản phẩm, chúng tôi tìm về ấp 5, xã Minh Lập, huyện Chơn Thành để tìm gặp bà Võ Thị Mỹ Lệ- người đã sáng tạo và chế biến ra các sản phẩm từ trái điều như: Nước tương, bánh, kẹo, rượu vang, mứt, khô, nước màu… nổi tiếng tại Festival.
Tại Festival trái cây VN lần thứ I tổ chức tại tỉnh Tiền Giang tháng 4 vừa qua, bà Lệ đã được tặng danh hiệu "Nhà vườn sáng tạo"
Cứ nghĩ rằng tạo ra những sản phẩm nổi tiếng hẳn phải có cơ sở sản xuất tương đối lớn nên chúng tôi đã không khỏi bất ngờ khi thấy một căn nhà nhỏ dưới những tán điều cổ thụ.
Bà Lệ kể, bà là dân ở xứ sở trái cây Cái Mơn (Bến Tre) về huyện Chơn Thành lập nghiệp gần 20 năm nay. Hồi ở Bến Tre, bất cứ loại trái cây nào cũng làm bánh mứt ăn rất ngon nên bà tiếc đứt ruột khi mỗi vụ thu hoạch, hàng trăm tấn điều trái quanh xóm trở thành thứ vứt đi không kịp.
"Ở xứ Bến Tre, thứ nào cũng thành bánh mứt tại sao trái điều lại không thể? Suốt cả chục năm, câu hỏi này cứ thôi thúc trong tôi nhưng do công việc nhà nông đầu tắt mặt tối nên tôi chẳng có thời gian để thử. Mấy năm nay, vườn nhà bắt đầu cho thu hoạch ổn định, tôi gom trái điều rồi tự mày mò chế biến.
Sẵn có nghề làm bánh kẹo lúc còn ở Bến Tre, tôi đã mày mò làm kẹo điều với các thành phần: Trái điều, nước cốt dừa, hạt điều, đường, mè gừng ăn rất ngon và thơm…”- bà Lệ nhớ lại. Ngoài ra, bà còn thử chế rượu điều. Tôi dùng men vi sinh ủ như cách ủ rượu gạo rồi đem nấu thành rượu. Rượu điều có nồng độ cồn nhẹ, dịu, hậu ngọt lại có mùi thơm điều nên rất dễ uống.
Thứ rượu này giúp tiêu hoá tốt, nam nữ đều uống được”. Nước tương trái điều, nước màu điều cũng được các bà nội trợ rất mê. Cách đơn giản nhất ai cũng làm được là trái điều vắt hết chất chát rồi tẩm gia vị, đem phơi khô để cho ra sản phẩm khô điều. Món này chiên hoặc xào, chấm nước tương điều ăn với cơm trắng thì ăn không biết no"-bà Lệ nói.
Thương hiệu của ND
Nhiều món tưởng chừng rất đơn giản, bà và các con phải mày mò thử nghiệm, làm đi làm lại nhiều lần để chọn công thức ngon nhất. Ban đầu, bánh kẹo và rượu chưng cất chỉ dùng trong gia đình, làm quà tặng người thân. Một người thân của bà Lệ tu tại một chùa ở TP. HCM được bà tặng quà, sau khi chế biến món ăn được nhiều người ăn chay đánh giá rất ngon đã khuyến khích bà sản xuất đại trà.
Ban đầu bà chỉ bỏ mối cho chùa và các quán quanh xã Minh Lập, không ngờ kết quả ngoài mong đợi. Hàng làm ra tiêu thụ rất nhanh và nhanh chóng lấy được lòng tin của người tiêu dùng. Hiện nay, các sản phẩm mang thương hiệu "Long Hổ" của bà Lệ đã được Sở Khoa học tỉnh Bình Phước cấp giấy chứng nhận.
Bà Trịnh Thị Nga - Chủ tịch Hội ND tỉnh Bình Phước cho biết: Bình Phước được xem là "thủ phủ" của cây điều, nhưng đa số người dân chỉ thu hạt điều còn trái điều thì vứt bỏ. Việc bà Võ Thị Mỹ Lệ chế biến trái điều thành những món ăn, thức uống đặc sản của quê hương Bình Phước đã tạo thêm việc làm, thu nhập cho người ND. Hội ND tỉnh đang tạo điều kiện giúp bà mở cơ sở sản xuất với quy mô lớn hơn.
Hữu Danh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.