Nhãn hàng riêng là lợi thế lớn nhờ siêu thị "lãi hai đầu" từ sản xuất đến tiêu thụ nên luôn có giá rẻ hơn hàng cùng loại 5-30%. Ảnh: N.Hữu
Gần đây, tại hệ thống Big C, khách hàng khá bất ngờ khi nhiều sản phẩm nhãn hàng riêng vắng hẳn trên quầy kệ. Một số sản phẩm vẫn còn bán nhưng khá hạn chế.
Giảm bán hàng lợi thế để hỗ trợ hàng Việt?
Nhãn hàng riêng vốn là lợi thế được siêu thị đầu tư phát triển mạnh. Hệ thống này sở hữu 2 thương hiệu hàng nhãn riêng ở Việt Nam gồm Big C và Wow. Có thời điểm siêu thị tuyên bố có trên 1.000 mặt hàng mang nhãn hàng riêng. Các sản phẩm khá đa dạng từ thực phẩm đông lạnh, chế biến sẵn, hóa mỹ phẩm, đồ dùng trong gia đình…
Phần lớn sản phẩm là hàng riêng tại siêu thị thường có giá rẻ hơn 5-30% so với các nhóm hàng cùng thương hiệu, nhờ không chịu nhiều quảng cáo, chi phí tiếp thị, phân phối…
Big C Việt Nam hiện có 33 siêu thị, 10 cửa hàng tiện lợi tại nhiều tỉnh thành cả nước. Việc giảm kinh doanh nhãn hàng riêng không chỉ khiến người dùng bất ngờ mà còn khiến các doanh nghiệp lo ngại.
Một số nhà cung cấp có tham gia gia công hàng nhãn riêng cho Big C cho biết đã nhận thông báo tạm ngưng làm hàng Wow.
Các doanh nghiệp gia công cũng đang lo lắng, nếu siêu thị ngưng bán nhãn hàng riêng thì máy móc, thiết bị doanh nghiệp đầu tư để sản xuất sẽ lãng phí, lao động sẽ bị cắt giảm.
Chia sẻ với Zing.vn, đại diện siêu thị này xác nhận từ đầu năm nay đã có chính sách hạn chế phát triển hàng nhãn riêng. Những sản phẩm thương hiệu riêng chưa phù hợp với thị hiếu khách hàng hoặc chiến lược chung thì ngưng hẳn.
Nguyên nhân của quyết định này là để tập trung phát triển hàng Việt.
Siêu thị này cam kết sẽ tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp Việt phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ địa phương thông quan chương trình đồng hành cùng thương hiệu Việt.
“Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được hỗ trợ phát triển thương hiệu riêng, hỗ trợ mặt bằng để trưng bày hàng hóa trong siêu thị. Họ cũng sẽ được ưu tiên để có thể tiếp cận người tiêu dùng, quảng bá thương hiệu, xây dựng kênh phân phối mới…”, đại diện Big C cam kết.
Mối lo hàng Thái
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tỏ ra hoài nghi về lời hứa này. Họ cho rằng siêu thị ngưng phát triển sản phẩm này vì mục tiêu nào khác, trong đó không loại trừ kinh doanh sản phẩm từ Thái Lan.
Big C Việt Nam hiện thuộc sở hữu tập đoàn bán lẻ Thái Lan Central Group. Hiện nhiều sản phẩm nhập khẩu của Thái Lan cũng được hệ thống này ưu ái kinh doanh. Tuy nhiên, phía Big C khẳng định hàng Thái hiện chỉ chiếm dưới 10% trong tổng số sản phẩm siêu thị kinh doanh, và chỉ tập trung vào những mặt hàng mà doanh nghiệp Việt không có lợi thế.
Giữa năm 2016, hệ thống siêu thị Big C từng ồn ào khi đòi chiết khấu với nhóm hàng thủy hải sản tăng thêm 4,25-5,5%, lên mức 17-25%,khiến các doanh nghiệp Việt gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp buộc phải ngưng hợp đồng.
Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) phải gửi công văn đến Big C, đề nghị không tăng thêm chiết khấu trong các hợp đồng mới của năm 2016, đồng thời điều chỉnh giảm tổng mức chiết khấu xuống dưới 15% cho các nhà cung cấp thủy sản.
Vào năm 2015, VASEP cũng từng có văn bản phản đối Big C đơn phương đòi nhà cung cấp hạ mức doanh thu đã cam kết để siêu thị được thưởng.
Cụ thể, theo hợp đồng ký đầu năm 2015, siêu thị phải đạt doanh thu nhất định thì được doanh nghiệp thưởng. Đến cuối năm, do không đạt như cam kết, Big C yêu cầu doanh nghiệp hạ doanh thu. Do bị tất cả doanh nghiệp phản đối, Big C mới chấp nhận không hạ doanh thu.
Nhãn hàng riêng là sản phẩm do các siêu thị đặt hàng sản xuất với thương hiệu riêng. Hầu hết hệ thống siêu thị đều đầu tư mạnh sản phẩm này từ hàng tươi sống, hóa phẩm, đồ dùng, may mặc...
Nhãn hàng riêng luôn có giá hấp dẫn vì không chịu nhiều quảng cáo, chi phí tiếp thị, phân phối… Và với lợi thế về mặt bằng, siêu thị có toàn quyền dành những vị trí mặt tiền, bắt mắt cho nhãn hàng độc quyền của mình.
Thêm vào đó, lợi thế mặt bằng “nhà” của siêu thị cũng đẩy doanh nghiệp vào cuộc chơi không cân sức. Bởi hàng hóa của nhà sản xuất, siêu thị sẽ cộng thêm khoản 4% lợi nhuận trên giá bán. Song với hàng cùng loại, siêu thị lại bán với giá rẻ hơn khoảng 3%/sản phẩm.
|
Hà Yên (Zing.vn)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.