Bình Định: Chi sai ngân sách hơn 5 tỷ đồng, cán bộ "đòi" 6 năm nhưng dân không chịu trả, vì đã "tiêu hết tiền"

Dũ Tuấn Thứ sáu, ngày 15/03/2024 10:36 AM (GMT+7)
Bồi thường giải phóng mặt bằng, UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định) đã chi sai ngân sách số tiền hơn 5,3 tỷ đồng. Điều trớ trêu, huyện ban hành 172 quyết định và mất 6 năm để thu hồi nhưng dân không chịu trả, vì đã tiêu hết tiền. Lãnh đạo huyện lo ngại, nếu không có tiền nộp lại ngân sách thì rất có thể bị "mất" cán bộ.
Bình luận 0

Huyện ban hành 172 quyết định, mất 6 năm thu hồi tiền tỷ chi sai nhưng dân không trả, vì đã "tiêu hết tiền"

Ngày 15/3, trao đổi với phóng viên Dân Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) Phan Hữu Duy cho biết, từ năm 2018 UBND huyện này đã ban hành 172 quyết định thu hồi hơn 5,3 tỷ đồng, tiền chi sai khi bồi thường, giải phóng mặt bằng các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án Đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn huyện. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thu hồi "được đồng nào", vì người dân không chịu trả.

Theo ông Phan Hữu Duy, 172 quyết định trên được giao đến tận tay từng hộ dân. Cẩn thận hơn, UBND huyện Phù Mỹ đã lập nhiều tổ công tác phối hợp với UBND xã, thị trấn có liên quan làm việc nhiều lần, để vận động người dân nộp trả số tiền chi sai, nhưng họ không đồng ý.

6 năm trôi qua, hàng loạt phương án được triển khai với mong muốn 172 hộ dân trả lại tiền đã chi sai về ngân sách Nhà nước, nhưng "không ăn thua".

Trong đó, nhiều nhất là xã Mỹ Châu với 130 hộ dân, số tiền phải "đòi" hơn 3,3 tỷ đồng, thị trấn Bình Dương với 18 trường hợp, số tiền chi sai hơn 1,4 tỷ đồng, thị trấn Phù Mỹ 34 hộ dân, số tiền chi sai hơn 471 triệu đồng, xã Mỹ Phong 2 trường hợp với số tiền chi sai hơn 64 triệu đồng.

Bình Định: Chi sai ngân sách hơn 5 tỷ đồng, cán bộ "đòi" 6 năm nhưng dân không chịu trả, vì đã "tiêu hết tiền"- Ảnh 1.

Hơn 5 tỷ đồng chi sai cho bồi thường giải phóng mặt bằng dự án mở rộng Quốc lộ 1 tại Bình Định, sau 6 năm chưa thể thu hồi. Ảnh: Dũ Tuấn

Theo lãnh đạo UBND huyện Phù Mỹ, người dân không chịu nộp trả vì cho rằng giá trị bồi thường hỗ trợ, giải phóng mặt bằng của Nhà nước thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường. Ngoài ra, việc bồi thường hỗ trợ đã được Hội đồng thẩm định và UBND huyện phê duyệt, có quyết định thu hồi đất của UBND huyện và đã chỉnh lý trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đặc biệt, số tiền bồi thường hỗ trợ đã chi tiêu hết nên người dân không có để nộp trả.

Việc UBND huyện Phù Mỹ phê duyệt phương án, chi tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ dự án Đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1, diễn ra giai đoạn từ năm 2013. Đến năm 2018, khi quyết toán hoàn thành dự án thì "lòi" ra việc UBND huyện Phù Mỹ chi sai số tiền hơn 5,3 tỷ đồng cho hàng trăm hộ dân, buộc phải thu hồi nộp lại ngân sách Nhà nước.

Ông Đỗ Minh Trọng – cán bộ thuộc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Phù Mỹ cho biết, thời điểm bồi thường giải phóng mặt bằng dự án mở rộng Quốc lộ 1, diễn ra từ năm 2013-2015.

Lúc này, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Đình Giám làm Trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng của huyện (ông Giám đã về hưu), còn 3 Phó ban thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất, Phòng Tài nguyên môi trường, Phòng Kinh tế hạ tầng.

"Thời điểm trên, tôi làm Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện. Từ năm 2018, UBND huyện đã ra quyết định thu hồi số tiền đã chi nhưng người dân không chịu nộp trả. Nếu thu hồi của người dân không được, việc trả lại ngân sách Nhà nước phải chờ quyết định của cấp trên", ông Trọng cho hay.

Ông Trần Hữu Nguyên - Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Phù Mỹ cho biết, thời điểm bồi thường giải phóng mặt bằng ông là chuyên viên thuộc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phù Mỹ.

"Lúc này, dự án mở rộng Quốc lộ 1 rất áp lực về tiến độ, việc chi sai đều do nguyên nhân khách quan", ông Nguyên nói.

"Nếu không trả lại ngân sách hơn 5,3 tỷ đồng đã chi sai, rất dễ "mất" cán bộ (?!)"

Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, dự án thành phần Giải phóng mặt bằng và tái định cư, thuộc dự án Đầu tư xây dựng công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Bình Định, do Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định làm chủ đầu tư. Đơn vị thực hiện là chủ đầu tư cùng UBND các địa phương An Nhơn, Tuy Phước, Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn.

Trong quá trình quyết toán hoàn thành dự án thành phần, Sở Tài chính tỉnh Bình Định đã có tờ trình đề nghị UBND tỉnh, yêu cầu chủ đầu tư và các địa phương có liên quan phải thu hồi số tiền hơn 57 tỷ đồng.

Đến nay, mới chỉ hoàn thành thu hồi số tiền hơn 51 tỷ đồng, còn lại phải thu hồi là hơn 5,3 tỷ đồng. Trong đó, UBND huyện Phù Mỹ chưa thu hồi số tiền hơn 5,3 tỷ đồng, UBND TX.Hoài Nhơn phải thu hồi hơn 800.000 đồng.

Nói về việc chi sai ngân sách tiền tỷ, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Phan Hữu Duy cho biết, việc này diễn ra cách đây rất lâu, từ những nhiệm kỳ trước. Theo ông Phan Hữu Duy, trách nhiệm chính thuộc về những cán bộ trực tiếp tham gia quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng vào thời điểm trên.

Thế nhưng, đến nay đã 6 năm trôi qua nhưng việc thu hồi số tiền đã chi sai cho người dân đang gặp rất nhiều khó khăn.

Bình Định: Chi sai ngân sách hơn 5 tỷ đồng, cán bộ "đòi" 6 năm nhưng dân không chịu trả, vì đã "tiêu hết tiền"- Ảnh 2.

Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Bình Định. Ảnh: Dũ Tuấn

Lãnh đạo huyện đã nhiều lần gặp gỡ, động viên người dân trả lại nhưng họ không chịu, còn việc cưỡng chế để thu hồi thì không đúng quy định.

"Trước mắt huyện sẽ xin tỉnh "bỏ qua" số tiền trên không truy thu nữa vì tiền đang ở trong dân. Nếu không, huyện tiếp tục thu lại của người dân. Phương án cuối cùng thì chỉ còn cách cán bộ có sai phạm phải có trách nhiệm trả số tiền này về ngân sách Nhà nước, vì thực sự đến lúc này đã hết cách", ông Phan Hữu Duy nói.

Lãnh đạo UBND huyện Phù Mỹ cho rằng, 6 năm trôi qua nhưng việc thu hồi tiền chi sai cho người dân gặp quá nhiều khó khăn. Trong khi đó, tiền ngân sách không thể "đùa giỡn", nếu không thu hồi nộp trả lại theo đúng quy định thì rất dễ dẫn đến việc xử lý hình sự, "mất" cán bộ.

Tuy nhiên, khi phóng viên Dân Việt nêu quan điểm về việc nếu người dân không chịu trả lại tiền mà UBND huyện Phù Mỹ đã chi sai, bắt buộc tính đến phương án cán bộ sai phạm phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền trên, về ngân sách nhà nước; một số người liên quan cho rằng: "Hơn 5,3 tỷ đồng là số tiền không phải nhỏ. Nếu dùng tiền lương cán bộ để trả thì cuộc sống của gia đình sẽ rất khó khăn". 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem