Cao tốc "vướng" mặt bằng,Bí thư Bình Định đến tận nhà vận động, dân rút đơn khiếu nại chỉ sau 3 ngày
Cao tốc "vướng" mặt bằng, Bí thư Bình Định đến tận nhà vận động, dân rút đơn khiếu nại chỉ sau 3 ngày
Dũ Tuấn
Chủ nhật, ngày 03/03/2024 16:10 PM (GMT+7)
Chỉ 3 ngày sau khi Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng đến tận nhà vận động, hộ gia đình ông Nguyễn Minh Cần (ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân) đã rút đơn khiếu nại, đồng ý nhận tiền bồi thường hỗ trợ, để nhường mặt bằng sạch thi công cao tốc.
Dân rút đơn khiếu nại, sau khi Bí thư Tỉnh uỷ đến tận nhà vận động
Ngày 3/3, trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Hoài Ân (Bình Định) Nguyễn Xuân Phong cho biết, hộ gia đình Nguyễn Minh Cần (ở thị trấn Tăng Bạt Hổ) đã rút đơn khiếu nại và đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ để di dời về nơi ở mới, bàn giao mặt bằng thi công cao tốc Bắc – Nam.
Hộ ông Nguyễn Minh Cần có diện tích đất thu hồi là 659m2 (gồm 140m2 đất ở và đất khai hoang 519m2).
Trước đó, ông Cần có làm đơn khiếu nại, việc áp giá bồi thường hỗ trợ phần diện tích đất bị thu hồi của gia đình, vì cho rằng chưa thoả đáng.
Tuy nhiên, sau khi Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng đến tận nhà vận động (ngày 25/2) và Thanh tra tỉnh, UBND huyện Hoài Ân cùng nhiều Sở ban ngành, cơ quan có trách nhiệm đối thoại, giải thích (ngày 28/2), thì ông Cần đã làm đơn xin rút đơn khiếu nại, đồng ý nhận tiền để di dời và cam kết không khiếu nại, khiếu kiện về sau.
Trong đơn của mình, ông Cần cho biết, sau khi được đối thoại giải thích là đã tính toán đủ, hộ gia đình ông thống nhất chủ trương, chính sách pháp luật, thống nhất với giá trị bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng do Hội đồng bồi thường xác lập và đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ.
Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Hoài Ân cho biết, sau cuộc đối thoại vào ngày 28/2, ngoài trường hợp gia đình ông Nguyễn Minh Cần thì 3 trường hợp khác cũng đã đồng ý nhận tiền bồi thường, hỗ trợ bàn giao mặt bằng thi công cao tốc.
"Đây là 4 trường hợp còn lại cuối cùng bị ảnh hưởng dự án cao tốc của huyện Hoài Ân, chưa bàn giao mặt bằng. Sau đối thoại, họ đã đồng ý nhận tiền và sẽ di dời đến nơi ở mới trong thời gian đến, theo đúng quy định", ông Nguyễn Xuân Phong nói.
Xưng hô "cháu, chú", Bí thư Tỉnh uỷ vận động người dân giao mặt bằng cho cao tốc
Trước đó, hộ ông Nguyễn Minh Cần có diện tích đất thu hồi là 659m2 (gồm 140m2 đất ở và đất khai hoang 519m2).
Lý do gia đình ông Cần chưa nhận tiền bồi thường vì cho rằng đơn giá bồi thường thấp, đề nghị tăng giá bồi thường về đất vườn ao trong cùng thửa đất có nhà ở đối với diện tích 519m2 đất do gia đình khai hoang.
Ngoài ra, gia đình ông Cần còn đề nghị bồi thường 280,3m2 đất trồng cây hằng năm khác, do UBND thị trấn Tăng Bạt Hổ quản lý.
Phóng viên báo Dân Việt đi cùng và chứng kiến cuộc đối thoại giữa Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng và hộ gia đình ông Nguyễn Minh Cần, hôm 25/2.
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định xưng là cháu, gọi ông Cần bằng chú và lần lượt hỏi: "Nhà chú đền bù như vậy, được chưa?". "Được, tôi thống nhất quan điểm", ông Cần đáp. "Đất tái định cư, chú thấy được chưa?", ông Dũng hỏi và ông Cần trả lời: "Mua 2 lô, tôi thống nhất, không có ý kiến".
Trò chuyện với Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng, ông Cần cho biết gia đình ông đồng ý đơn giá bồi thường về nhà ở, đất tái định cư nhưng đề nghị bồi thường thêm tiền đối với phần đất khai hoang. Người nhà của ông Cần, lo ngại tiền đền bù không đủ để mua đất và xây dựng lại nhà mới.
Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc cho hay, đối với trường hợp gia đình ông Nguyễn Minh Cần, chính quyền đã bồi thường về nhà ở, đất đai, hỗ trợ chuyển đổi về nghề nghiệp theo đúng quy định của Nhà nước. Trong đó, bố trí tái định cư cho gia đình ông Cần 2 lô đất, mỗi lô có diện tích 130m2.
Đại diện Thanh tra tỉnh Bình Định cũng khẳng định đơn giá bồi thường cho gia đình ông Cần được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước.
Còn phần đất 280,3m2 trồng cây hằng năm của gia đình ông Cần là đất công ích, do UBND thị trấn Tăng Bạt Hổ quản lý. Do đó, không thể đền bù, như yêu cầu của gia đình ông Cần.
Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng giải thích, phần đất khai hoang của gia đình ông Cần là đất do Nhà nước quản lý nhưng vì gia đình khai hoang đã lâu nên chính quyền xem xét, bồi thường theo đơn giá đất nông nghiệp và hỗ trợ chuyển đổi nghề 4 lần. Còn phần đất công ích do UBND thị trấn Tăng Bạt Hổ quản lý, không thể đền bù được.
"Tôi đến đây đã là cấp cao nhất. Cùng đi có Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách đền bù giải phóng mặt bằng. Tỉnh và các sở, ngành, thanh tra đã xem xét rồi, đơn giá đền bù đã cao nhất, không thể tăng thêm cho gia đình được nữa. Mong gia đình di dời để nhường đất thi công cao tốc Bắc - Nam, phục vụ cho sự phát triển chung của đất nước. Đừng để chính quyền mang người đến cưỡng chế, làm vậy không hay gì. Trong khi TX.Hoài Nhơn hơn 4.000 hộ dân bị ảnh hưởng đều chấp nhận di dời hết, không có trường hợp nào phải cưỡng chế. Còn gia đình mình được áp dụng đơn giá đền bù như thế là đầy đủ rồi, nên chấp hành", ông Hồ Quốc Dũng nói.
Theo người đứng đầu Tỉnh uỷ Bình Định, gia đình ông Cần được bồi thường, hỗ trợ tổng cộng hơn 1,8 tỷ đồng, nộp tiền bố trí tái định cư 2 lô đất hết khoảng 400 triệu đồng, còn lại hơn 1,4 tỷ đồng, đủ để gia đình xây dựng lại nhà.
"Tôi đã tuyên bố rồi, dân mà khiếu nại tiền đền bù không đủ để xây lại nhà thì bắt ông Giám đốc Sở xây dựng ra xây. Nhưng phần nhà đền bù như vậy thì ổn rồi, đất tái định cư 2 lô cũng ổn rồi, nhiều gần gấp đôi diện tích gia đình đang ở. Đất tái định cư và tiền đền bù đủ để gia đình xây dựng chỗ ở mới tốt hơn chỗ ở cũ", ông Hồ Quốc Dũng khẳng định.
Cuộc đối thoại kéo dài, thậm chí có lúc căng thẳng, nhưng lúc này khi có dấu hiệu được thuyết phục, ông Cần cho biết: "Gia đình đã thu dọn đồ đạc, sẵn sàng di dời. Khi thanh tra có văn bản trả lời khiếu nại, gia đình sẽ chấp hành".
Nguy cơ "vỡ trận" do vướng rừng, lãnh đạo tỉnh Bình Định sẽ kiến nghị với Chủ tịch Quốc hội
Tại gói thầu số 11-XL dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa phận huyện Hoài Ân (Bình Định) do Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn thi công, đang gặp khó do vướng đất rừng.
Theo đại diện nhà thầu thi công, hiện đơn vị này bị vướng 1 triệu m3 đất và 1,2 triệu m3 đá đang nằm trong diện tích đất rừng tự nhiên, chưa được chuyển đổi.
"Để bóc tách, xay được hơn 1 triệu m3 đá phục vụ dự án phải mất 2 năm, trong khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu công trình phải khánh thành tháng 6/2025, chắc chắn không kịp tiến độ, sẽ vỡ trận", đại diện nhà thầu thi công lo ngại.
Kiểm tra hiện trường, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định yêu cầu UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương phối hợp hỗ trợ, kiến nghị đối với các vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương. Ngoài ra, chủ động trong việc quy hoạch, bố trí mỏ vật liệu, cố gắng đảm bảo vật liệu phục vụ thi công dự án theo đúng tiến độ đề ra.
Theo nguồn tin riêng của phóng viên báo Dân Việt, ngày mai (4/3), Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ có chuyến làm việc, tại tỉnh Bình Định.
Dự kiến, việc chuyển đổi đất rừng để thi công cao tốc là một trong những vấn đề, lãnh đạo tỉnh Bình Định sẽ kiến nghị, trước Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.