Bình Định: Chuyện kỳ lạ xảy ra ở làng cúc Tết, nông dân “treo chậu”, vắng lặng khác thường

Thăng Bình Thứ tư, ngày 13/10/2021 11:25 AM (GMT+7)
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người trồng hoa cúc để bán vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 ở tỉnh Bình Định đang giảm mạnh. Không còn cảnh đông đúc như mọi năm, khung cảnh khá vắng lặng, trong khi đó người trồng lại thấp thỏm nỗi lo tiêu thụ.
Bình luận 0

Các làng hoa ở Bình Định vắng lặng khác thường

Thời điểm này, nếu như không bị ảnh hưởng dịch Covid-19, những bãi đất trống ở làng cúc Vĩnh Liêm thuộc phường Bình Định (thị xã An Nhơn, Bình Định) đã dày đặc chậu cúc.

Từ mọi nơi, khắp làng cúc sôi động cảnh nông dân tập trung cắt ngọn, chuẩn bị cắm cọc, định hình cho những chậu cúc phát triển.

Thế nhưng, điều khác lạ, năm nay không khí hào hứng ở những làng cúc đã không còn, những bãi đất trống bị "xóa trắng" cảnh chen chúc, dày đặc những chậu cúc bày ra đường.

Nông dân chấp nhận “treo chậu”, vắng lặng khác thường vụ cúc Tết - Ảnh 1.

Làng cúc Tết vào vụ ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định khá vắng vẻ, ít nhân công hơn mọi năm. Ảnh: TB.

Mọi khung cảnh đều vắng lặng khác thường, lượng cúc trồng bán Tết năm nay đã giảm mạnh.

Nông dân Hồ Thị Hoàng, ở khu vực Kim Châu được xem là người "liều mạng" trong số những người chuyên trồng cúc bán Tết ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn).

Dù đã giảm số lượng, nhưng vụ cúc này bà Hoàng vẫn còn trồng đến 700 chậu.

Để dễ tiêu thụ, bà Hoàng trồng nhiều kích cỡ chậu. Loại chậu có đường kính 1m, 70cm, 60cm bà Hoàng trồng ít hơn vì những chậu cúc lớn rất kén khách mua, chiếm số lượng nhiều nhất là cỡ chậu 40-50cm.

Bà Hoàng cho biết, loại chậu to có đường kính từ 60cm-1m bà xuống giống sớm vào mùng 6 tháng 7 âm lịch để cây cúc có thời gian phát triển, cành bung nở cho kín chậu, loại này hiện đã cắt ngọn đợt 2, khoảng 20 ngày nữa là cắm cọc.

Nông dân chấp nhận “treo chậu”, vắng lặng khác thường vụ cúc Tết - Ảnh 2.

Nông dân Hồ Thị Hoàng đang chăm sóc cúc vụ cuối năm nhưng đầy nỗi lo. Ảnh: TB.

Còn những chậu có đường kính 40-50cm, xuống giống muộn hơn, vào đầu tháng 8 âm lịch nên đến thời điểm này mới cắt ngọn đợt 1.

Nghề trồng cúc cũng khá bấp bênh, có lúc bão lũ gây hại, lúc ế ẩm phải bán rẻ như cho, thậm chí có năm đến 30 Tết không ai mua, người trồng bất lực đành đập chậu.

"Vậy mà cứ đến vụ là phải trồng, cứ như đã lỡ mang cái nghiệp với hoa Tết rồi. Thế nhưng không năm nào vừa trồng vừa phập phồng như năm nay, hoa trồng lên rồi mà bụng cứ lo Tết bán không được.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp quá, nếu như đến tết mà có nhiều địa phương phải giãn cách theo Chỉ thị 16 thì coi như thua, người ta đi lại không được thì ai mua hoa", bà Hoàng chia sẻ.

Nông dân làng hoa ở Bình Định chấp nhận "treo chậu"

Là người có hơn 10 năm trồng cúc bán Tết ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn) anh Lê Văn Định cho biết, mọi năm vợ chồng anh đều trồng 400-500 chậu cúc bán Tết.

"Năm nay dịch giã, ai cũng không làm ăn, mua bán gì được. Sợ hoa bán không được, vợ chồng tôi chỉ trồng 250 chậu. Đã giảm số lượng xuống còn một nửa mà lòng vẫn lo ngay ngáy, bởi đã đầu tư vào đây không ít tiền", anh Định nói.

Nông dân chấp nhận “treo chậu”, vắng lặng khác thường vụ cúc Tết - Ảnh 3.

Để tiết kiệm chi phí, nhiều người trồng hoa ở Bình Định dùng nhân công của gia đình hơn là thuê người ngoài. Ảnh: TB.

Theo anh Định, mỗi chậu hoa có đường kính 50cm từ tiền mua giống, mua chậu, mua tre vót cọc, tiền phân và thuốc BVTV, từ khi xuống giống đến khi xuất bán, mỗi chậu hoa "nuốt" mất khoảng gần 150.000 đồng tiền vốn.

Nếu không có công nhà, phải thuê công cắt ngọn, cắm cọc thì chi phí cho mỗi chậu cúc tăng đến 200.000 đồng.

Tổng chi phí cho 250 chậu cúc là 50 triệu đồng. Gặp tình huống may mắn, mua bán thuận lợi thì mỗi chậu cúc bán giá sỉ được 300.000-350.000 đồng, với 250 chậu cúc người trồng có lãi khoảng hơn 25 triệu đồng.

Thế nhưng, gặp năm ế ẩm thì người trồng phải chịu lỗ. Có năm gần đến Tết cơn lũ lớn ùa về, xô ngã toàn bộ những chậu cúc đặt trên những bãi đất gần sông Kôn, năm đó người trồng cúc ở phường Bình Định gần như bị đứt vốn.

Bởi, khi lá cúc đã bết bùn non thì vô phương cứu chữa, rụng hết lá, không thể bán được.

Nông dân chấp nhận “treo chậu”, vắng lặng khác thường vụ cúc Tết - Ảnh 4.

Khoảng trống của làng cúc Tết phường Bình Định, thị xã An Nhơn còn rất nhiều. Ảnh: TB.

Theo những hộ dân trồng cúc ở phường Bình Định (thị xã An Nhơn), tại đây có đến 70 hộ chuyên trồng hoa cúc bán Tết, mỗi vụ Tết trồng khoảng hơn 20.000 chậu. Lượng hoa này người địa phương chỉ mua một ít, chủ yếu thương lái mua rồi chở đi tiêu thụ khắp nơi.

Năm nay dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nếu đến Tết mà dịch chưa lắng dịu, nhiều địa phương còn giãn cách thì cầm chắc hoa Tết sẽ không tiêu thụ được.

"Cầu mong cho bớt dịch bệnh để bà con ăn Tết, nếu được vậy thì hoa cúc sẽ bán đắt vì năm nay số lượng giảm rất nhiều", anh Lê Văn Định kỳ vọng.

Trong khi đó, trước lo lắng thị trường hoa Tết năm nay sẽ "đóng băng" vì ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều người chuyên trồng cúc bán tết ở huyện Tuy Phước (Bình Định) cũng đành "treo chậu", không dám trồng vì sợ mất vốn.

Ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) cho biết, trong vụ hoa Tết năm nay, sợ dịch Covid-19 làm ảnh hưởng thị trường nên chỉ có 114 hộ trồng khoảng 30.000 chậu cúc, giảm gần 20.000 chậu so với vụ hoa cúc Tết năm ngoái.

Trong số những hộ dân có truyền thống trồng hoa cúc bán Tết ở xã Phước Hòa, năm nay có đến gần 50 hộ "treo chậu".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem