Sống hơn 20 năm ở dưới chân núi Đá, thôn Trà Cong, xã An Hòa, huyện miền núi An Lão, Bình Định, căn nhà của gia đình ông Dương Thanh Tân (rộng 80m2) luôn trong tình trạng lo ngại đá lăn từ trên núi xuống, gây mất an toàn.
Theo ông Tân, mỗi khi mưa lớn kéo dài gia đình ông được chính quyền địa phương di dời ra Nhà văn hóa Trà Cong để tránh đá lăn. Mấy năm nay, nghe tin di dời dân khu vực nguy cơ sạt lở cao ở thôn Trà Cong, xã An Hòa đến nơi khác, ông Tân rất mừng.
"Ban đầu khu vực này có rừng tự nhiên, nhưng giờ người dân trồng cây keo rồi có nguy cơ sạt lở. Cách đây 7-8 năm, một hòn đá lớn trên núi lăn xuống. Mùa mưa gia đình tôi không dám ngủ, mưa to cứ ở nhà mà nhìn thấy tình hình không ổn là chạy lên nhà văn thôn. Vừa rồi chính quyền vận động bà con phải dời đi vì nguy cơ sạt lở, đá lăn nếu đáp ứng yêu cầu để tái định cư mới đi", ông Tân nói.
Lâm cảnh tương tự, bà Trần Thị Thìn ở thôn Trà Cong, xã An Hòa, có chung tâm trạng lo lắng, bất an mỗi khi trời đổ mưa.
Bởi, khi trời mưa, nước từ trên núi Đá chảy xuống làm sạt lở đất đá, nước chảy mạnh tạo thành mương nước tự nhiên chảy xoáy vào nhà của các hộ dân gây ngập lụt.
"Cứ trời mưa là ban đêm chúng tôi không dám ngủ vì sợ núi Đá sạt lở bất cứ lúc nào. Mấy ngày nay, trời mưa không lớn nhưng nước trên núi chảy xuống tạo thành đường mương tự nhiên. Nếu trời mưa lớn, nước chảy xoáy vào nhà nên bà con đành phải di dời tới nơi an toàn, khi nào hết mưa lũ mới trở về nhà. Bà con kiến nghị lên các cấp chính quyền mong muốn được di dời đến nơi tái định cư mới để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân", bà Thìn cho hay.
Khu vực núi Đá, thôn Trà Cong, xã An Hòa là một trong những điểm có nguy cơ sạt lở vào mùa mưa lũ ở huyện miền núi An Lão. Hiện, khu dân cư này có 54 hộ dân với 170 nhân khẩu. Huyện An Lão đã lên phương án ứng phó tùy thuộc vào cấp độ thiên tai, ưu tiên di dời các hộ dân khu vực Trà Cong khi mưa lớn. Về lâu dài, huyện An Lão xây dựng khu tái định cư cho người dân trong khu vực nguy cơ sạt lở, đá lăn ở thôn Trà Cong, xã An Hòa. Trước mắt, huyện An Lão ưu tiên bố trí tái định cư những hộ có nguy cơ cao.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc bố trí tái định cư cho người dân vùng nguy cơ sạt lở ở thôn Trà Cong thực hiện rất chậm.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định đã có chỉ đạo quyết liệt, khẳng định, nếu xảy ra sạt lở chết người thì Chủ tịch UBND huyện An Lão phải chịu trách nhiệm.
Theo ông Trịnh Xuân Long - Chủ tịch UBND huyện An Lão, huyện đã có phương án di dời đến từng xã, từng thôn và hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân yên tâm di dời đến khu vực an toàn khi mưa lớn kéo dài.
"Chỗ nguy cơ sạt lở cao khu vực thôn Trà Cong chúng tôi cũng đã có phương án nắm tình hình để chỉ đạo. Trong trường hợp xảy ra vấn đề sạt lở thì chúng tôi sẽ bố trí theo phương án xen ghép. Chúng tôi cũng đã lên danh sách từng hộ, số điện thoại, bố trí ở hộ nào, nhà nào. Việc này đã quán triệt và yêu cầu lực lượng xã An Hòa phối hợp. Tới đây chúng tôi sẽ chuẩn bị tốt cho lực lượng 4 tại chỗ, bố trí các lực lượng, rà soát để có phương án thật cụ thể, có phân vai", ông Long cho hay.
Khẩn trương xây khu tái định cư, di dời dân đến nơi an toàn
Trong khi đó, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định có 6 điểm nguy cơ sạt lở, trong đó khu vực nguy cơ sạt lở cao có 4 điểm gồm khu vực núi Gành, thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh; khu vực núi Cấm, thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành; khu vực vùng núi đèo Chánh Oai, xã Cát Hải; đèo Tân Thanh, xã Cát Hải.
Thực tế, 2 khu vực núi Gành và núi Cấm đã xảy ra sạt lở và được xây dựng khu tái định cư để bố trí cho những hộ trong vùng sạt lở nguy cơ cao.
Ông Nguyễn Văn Hưng - Chủ tịch UBND huyện Phù Cát cho hay, đối với những khu vực nguy cơ sạt lở người dân chưa được tái định cư, khi mưa đến, địa phương cử lực lượng túc trực, sẵn sàng hỗ trợ di dời dân.
Hiện nay, toàn tỉnh Bình Định hiện có 90 điểm nguy cơ sạt lở, trong đó 15 điểm nguy cơ sạt lở cao. Các địa phương đã xây dựng phương án di dời dân khi có tình huống khẩn cấp nhưng vẫn còn một số người dân còn tâm lý chủ quan.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, địa phương lưu ý mức độ ngày càng khốc liệt của thiên tai bão lụt để xây dựng các phương án phòng chống thiên tai thật khả thi. Chính quyền, người đứng đầu các cấp không được chủ quan, lơ là và tuyên truyền để người dân chủ động ứng phó. Việc chuẩn bị 4 tại chỗ phải linh hoạt gắn với tình hình thực tế tại địa phương.
Khi thiên tai xảy ra, các ngành, địa phương kích hoạt các phương án, kịch bản đã có và thông báo đến các lực lượng, các đơn vị thi công trên địa bàn, các thiết bị sẵn sàng để chủ động phòng chống lụt bão.
Ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: "Những nơi có xây dựng khu tái định cư rồi, đề nghị huyện phải vận động, tuyên truyền và thực hiện di dân ra khỏi khu vực sạt lở cao. Công tác tuyên truyền gắn với việc bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm công ăn việc làm. Vấn đề này phải vận động, không thể để đến khi xảy ra sạt lở rồi lực lượng mới đến vận động, cưỡng chế, di dời. Vùng nông thôn thì không có vấn đề gì, nhưng vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì cực kỳ khó. Vì vậy, phải khẩn trương làm, mới phát huy được hiệu quả".
Vì vậy, việc thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ là hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay và tới đây, góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, ổn định đời sống, sản xuất cho các hộ dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.