Khiển trách Hạt trưởng, cảnh cáo Hạt phó?
Ngày 29.9, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định đã có quyết định xử lý kỷ luật đối với các cán bộ kiểm lâm khi để lâm tặc tàn phá 60,9ha rừng tại tiểu khu 1, xã An Hưng (huyện An Lão).
Theo quyết định này, ông Đoàn Văn Tá - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão bị kỷ luật với hình thức khiển trách. Ông Phạm Phương Bắc - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão, ông Nguyễn Hồng Tấn - Phó hạt trưởng phụ trách Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn - nhận quyết định kỷ luật cảnh cáo.
Ông Đoàn Văn Tá - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão. Ảnh: D.T
Ngoài ra, 4 cán bộ kiểm lâm nhận kỷ luật khiển trách, gồm: Võ Đức Thắng, Nguyễn Hữu Độ, Trần Văn Liên (nhân viên kiểm lâm Hạt Kiểm lâm huyện Hoài Nhơn) và Nguyễn Trọng Tài - Kiểm lâm viên địa bàn xã An Hưng.
Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Định cũng đã tạm đình chỉ công tác đối với ông Đinh Văn Hòa - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão và ông Huỳnh Văn Tuấn - kiểm lâm viên địa bàn xã An Hưng - để phục vụ công tác điều tra.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện An Lão - cho biết đang tiến hành kiểm điểm trách nhiệm cán bộ quản lý lỏng lẻo để xảy ra vụ phá rừng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa đưa ra hình thức xử lý chính thức.
Chưa phải là quyết định chính thức
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Phan Trọng Hổ - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định - cho biết đã nhận được quyết định trên từ Chi cục Kiểm lâm nhưng đó chưa phải là quyết định xử lý chính thức.
“Với quyết định này, tuần sau Sở sẽ thành lập hội đồng để làm việc với huyện, xem mức độ xử lý này được chưa hay phải nặng hơn. Sau khi thống nhất, chúng tôi sẽ báo cáo UBND tỉnh rồi mới đưa ra hình thức kỷ luật chính thức”, ông Hổ cho hay.
Gần 61ha rừng đã bị lâm tặc tàn phá không thương tiếc. Ảnh: D.T
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đã chỉ đạo cách chức ngay ông Đoàn Văn Tá - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm An Lão - khi để lâm tặc lộng hành. Tuy nhiên, “lệnh” của Bí thư Tỉnh ủy đã không được thực hiện.
Trước câu hỏi liệu việc xử lý có quá nhẹ đối với Hạt trưởng Hạt kiểm lâm địa bàn vì lâm tặc lộng hành trong thời gian dài và hậu quả của việc phá rừng quá nghiêm trọng? Ông Hổ cho rằng, thời điểm xảy ra vụ việc, ông Tá đang đi học kiểm lâm viên chính tại TP.HCM và đã ủy quyền lại cho ông Phạm Phương Bắc - Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện An Lão. Lúc ông Tá về, Hạt phó lại không báo cáo sự việc xảy ra. Vì vậy, việc cách chức ông Tá là chưa phù hợp.
Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi mốc thời gian cụ thể phá rừng là khi nào thì ông Hổ vẫn chưa nắm được.
“Chưa thể khẳng định được mốc thời gian lâm tặc phá rừng vì cần phải hỏi người dân. Lúc kiểm lâm hỏi dân thì họ nói mới phát hiện vào thời điểm cuối tháng 8, nhưng muốn biết chính xác, bắt buộc phải giám định lại cây rừng. Hiện tại, Cơ quan điều tra đã bắt giữ 2 nghi phạm phá rừng và đang truy tìm kẻ chủ mưu, từ đó mới biết được thời điểm phá rừng”, ông Hổ phân trần.
Để xảy ra vụ phá rừng quy mô lớn tại huyện An Lão, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho rằng, công tác quản lý bảo vệ rừng tại địa phương đã mắc phải những lỗ hổng quá lớn.
“Hạt kiểm lâm, kiểm lâm địa bàn và chủ rừng thực hiện quy định bảo vệ rừng không chặt chẽ, UBND các xã không đủ năng lực để bảo vệ rừng. Trong khi đó, các hạt kiểm lâm địa phương lại phối hợp chưa hiệu quả, việc kiểm tra rừng giáp ranh hiệp nay còn chủ quan, lực lượng kiểm lâm phân bố chưa phù hợp. Những điều này, thời gian tới sẽ phải khắc phục”, ông Hổ khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.