Bình Dương có 8 trường đại học nhưng chưa có trường nào đào tạo tập trung chuyên ngành nông nghiệp

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 23/08/2023 10:47 AM (GMT+7)
Thiếu nhân lực nông nghiệp có trình độ, chất lượng đang là trở ngại lớn cho các dự án, phương án phát triển sản xuất nông nghiệp. Bình Dương xác định tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng nhân lực nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu của HTX và doanh nghiệp.
Bình luận 0

Nguồn nhân lực nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu

Trước khi làm nông nghiệp, ông Nguyễn Hồng Quyết – Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình, huyện Phú Giáo) từng là kỹ sư cơ khí, quản lý cả một dây chuyền sản xuất với hàng chục công nhân.

Theo ông Quyết, một công nhân làm việc trong nhà máy công nghiệp, có thể làm ra sản phẩm đồng loạt nhờ máy móc được lập trình sẵn. Nhưng người làm nông nghiệp thì khác. Muốn tạo ra sản phẩm chất lượng, đồng đều, nông dân phải kết hợp cả khoa học kỹ thuật, lẫn kiến thức, kinh nghiệm và cái tâm của người làm.

Ông Quyết kể, năm 2015, từ khu vườn dưa lưới đầu tiên, ông mở rộng thêm 4 vườn nữa. Thế nhưng, trong số 4 vườn này, chỉ một vườn do ông chăm sóc là có lời. Các vườn khác, ông khoán hết công việc cho nhân công nên hiệu quả rất kém.

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long tập trung nâng cao năng lực sản xuất theo tiêu chuẩn cho thành viên. Ảnh: Nguyên Vỹ

HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long tập trung nâng cao năng lực sản xuất theo tiêu chuẩn cho thành viên. Ảnh: Nguyên Vỹ

Năm 2016, ông thu gọn sản xuất thành lập HTX, tập trung vào việc huấn luyện kỹ thuật, nâng cao năng lực sản xuất theo tiêu chuẩn cho thành viên. Những thành viên lành nghề hướng dẫn kỹ thuật cho các thành viên khác. Từ đó, HTX thu mua lại sản phẩm có chất lượng đồng đều, với sản lượng lớn, giúp doanh thu tăng trưởng ổn định.

Theo ông Quyết, hiệu quả này cho thấy tầm quan trọng rất lớn trong việc đào tạo nghề nông nghiệp ở nông thôn. Khi nông dân nắm vững kỹ thuật, họ làm chủ được quy trình sản xuất và đảm bảo hiệu kinh doanh.

Công tác này càng trở nên cần thiết khi nông nghiệp Bình Dương chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Lao động tham gia vào sản xuất nông nghiệp cần có nhiều kiến thức, kỹ năng trong toàn chuỗi sản xuất của ngành.

"Thế nhưng, chất lượng nghề nông nghiệp ở Bình Dương hiện không đồng đều. Việc đào tạo nghề chưa được nhiều lao động quan tâm. Điều này cũng ảnh hưởng đến khả năng tìm kiếm nhân lực để phát triển HTX", ông Quyết nói.

Ông Phạm Quốc Liêm - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp U&I (xã An Thái, huyện Phú Giáo) cho biết, nhân lực cũng là bài toán nan giải mà công ty phải giải quyết ngay từ những ngày đầu thành lập.

Nhân viên Công ty CP Nông nghiệp U&I sơ chế chuối trước khi đóng hộp xuất khẩu. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nhân viên Công ty CP Nông nghiệp U&I sơ chế chuối trước khi đóng hộp xuất khẩu. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ngày trước, U&I đã làm việc với một số trường đào tạo chuyên ngành nông nghiệp để tìm nhân sự. Thế nhưng kết quả tìm kiếm khó đáp ứng được các tiêu chí của công ty là thông thạo tiếng Anh, chấp nhận cực nhọc nơi ruộng đồng và có trình độ đại học chuyên ngành nông nghiệp.

Từ những khó khăn này, U&I quyết định thuê các chuyên gia nước ngoài về làm việc cho mình. "Quyết định này không chỉ giúp ích trực tiếp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh mà những kinh nghiệm, kiến thức của chuyên gia là cơ sở để tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho công ty về sau", ông Liêm chia sẻ.

Đào tạo nghề nông nghiệp chưa hiệu quả

Theo HĐND tỉnh Bình Dương, công tác đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn, phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới cũng nằm trong chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.

Bình Dương đã ban hành Kế hoạch Đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tỉnh ưu tiên đào tạo cho lao động nông thôn, nhằm thực hiện các chương trình tái cơ cấu ngànhnông nghiệp; xây dựng nông thôn mới; chương trình mỗi xã một sản phẩm... 

Tỉnh cũng thành lập, đưa vào hoạt động Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp tại Trường Đại học Thủy Lợi - phân hiệu Bình Dương để thúc đẩy các chương trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển thí điểm, thực nghiệm tại các vùng nông nghiệp, làng thông minh.

HĐND tỉnh Bình Dương đánh giá lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn có những hạn chế nhất định. Sơ chế tổ yến ở huyện Phú Giáo, Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

HĐND tỉnh Bình Dương đánh giá lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn có những hạn chế nhất định. Sơ chế tổ yến ở huyện Phú Giáo, Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Tuy nhiên, lĩnh vực đào tạo nghề cho lao động nông thôn vẫn có những hạn chế nhất định. Bà Nguyễn Trường Nhật Phượng – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, hàng năm Sở NNPTNT đều có kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thế nhưng, các lớp này chưa thu hút được đông đảo người dân theo học. Do đó, có trường hợp không thể mở lớp vì không đủ số lượng học viên tham gia. Hoạt động của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện còn nhiều khó khăn vì thiếu nhân lực có trình độ chuyên môn cao.

Ông Phạm Văn Bông – Giám đốc Sở NNPTNT Bình Dương nhìn nhận, sản xuất nông nghiệp luôn là ngành vất vả, chịu nhiều rủi ro, và thu nhập thường thấp so với các ngành khác. Đặc biệt đối với các tỉnh phát triển công nghiệp nhanh như Bình Dương, sức hút và khả năng cạnh tranh nguồn lực lao động của ngành nông nghiệp rất thấp so với các ngành kinh tế khác.

Trong xu thế đó, lao động tham gia sản xuất nông nghiệp phần lớn là lao động lớn tuổi, trình độ thấp; chỉ trừ nhóm chủ trang trại, giám đốc HTX trẻ, có trình độ chuyên môn cao, hoặc các chuyên gia, nhà khoa học được các doanh nghiệp mời tham gia nghiên cứu, quản lý.

Bình Dương có 8 trường đại học nhưng chưa có trường nào đào tạo tập trung chuyên ngành về nông nghiệp và phát triển nông thôn. Số lượng sinh viên ở Bình Dương sau khi tốt nghiệp phổ thông, có nguyện vọng đăng ký theo học chuyên ngành nông, lâm, ngư nghiệp còn hạn chế so với các ngành nghề khác.

Ngay cả Sở NNPTNT Bình Dương muốn tuyển công nhân viên chức cũng phải tuyển từ nguồn sinh viên thuộc Trường Đại học Nông lâm TP.HCM là chủ yếu.

Nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực có chuyên ngành về lĩnh vực nông nghiệp sẽ gặp khó khăn nhất định cả về số lượng, và chất lượng. Nông dân chăm sóc vườn bưởi ở huyện Dầu Tiếng, Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực có chuyên ngành về lĩnh vực nông nghiệp sẽ gặp khó khăn nhất định cả về số lượng, và chất lượng. Nông dân chăm sóc vườn bưởi ở huyện Dầu Tiếng, Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo ông Bông, vấn đề khó khăn đối với nguồn nhân lực tham gia sản xuất nông nghiệp Bình Dương có thể nói "khó lại càng thêm khó". Vì từ những hạn chế này, nhu cầu tuyển dụng nguồn nhân lực có chuyên ngành về lĩnh vực nông nghiệp sẽ gặp khó khăn nhất định cả về số lượng, và chất lượng.

"Đặc biệt là khó khăn ở một số ngành nghề có yêu cầu cao về chất lượng lao động phục vụ sản xuất, kinh doanh; hoặc cho công tác nghiên cứu, tham mưu về lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, chuyển đổi số trong nông nghiệp", ông Bông nói.

Đổi mới công tác đào tạo lao động nông nghiệp

Không riêng gì Bình Dương, công tác đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp ở Đông Nam bộ cũng như toàn miền Nam đang đứng trước nhiều khó khăn.

Theo Bộ NNPTNT, số lao động nông nghiệp Đông Nam bộ có xu hướng giảm nhanh trong thời gian qua. Trong giai đoạn 2011 - 2020, lao động nông lâm thủy sản của vùng giảm mạnh; từ 1,24 triệu người (năm 2011) còn 778.000 năm 2020. Tương ứng, mỗi năm giảm trung bình 46.700 người/năm.

Chất lượng của lao động nông nghiệp Đông Nam bộ nhìn chung còn thấp. Tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp nghề trở chỉ đạt 7,4%. Phần lớn lao động nông nghiệp trong vùng là lao động phổ thông, làm việc theo kinh nghiệm, thiếu lao động có tay nghề cao.

Nông dân trồng rau muống ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nông dân trồng rau muống ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Để giải bài toán thiếu hụt lao động nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho rằng, cần đổi mới công tác đào tạo. Trường học và doanh nghiệp có mối quan hệ mật thiết trong đào tạo nhân lực. Các trường học phải có sẵn sản phẩm đào tạo để chào hàng doanh nghiệp. Sản phẩm này phải cụ thể nội dung như thế nào, cách tiếp cận ra sao để hướng đến cung cấp nhân lực tốt hơn cho doanh nghiệp.

"Các doanh nghiệp cũng không thể phó thác cho nhà nước, cho các trường. Bản thân doanh nghiệp cũng phải hợp tác với các trường để đầu tư nguồn nhân lực có tầm dài hạn", Bộ trưởng đề nghị.

Theo ông Phạm Quốc Liêm, kinh nghiệm của U&I cho thấy, nhờ chủ động trong công tác đào tạo, công ty đã phát triển mạnh với số lượng nhân công, chuyên gia, kỹ sư lên đến gần 200 người.

Thời gian qua, U&I bắt tay với các viện, trường, trong đó có trường trung cấp nông nghiệp Bình Dương xây dựng và đào tạo nhâ sự chuyên ngành. Các trường có sẵn cơ sở vật chất, có độ ngũ giảng viên lành nghề. Ngược lại, U&I có kinh nghiệm sản xuất thực tiễn, có nhu cầu tuyển dụng cao.

Nhân viên công ty U&I kiểm tra chất lượng chuối nguyên liệu. Ảnh: Nguyên Vỹ

Nhân viên công ty U&I kiểm tra chất lượng chuối nguyên liệu. Ảnh: Nguyên Vỹ

Hiệu quả từ hợp tác này giúp sinh viên ra trường có thể vào làm việc ngay, không mất thời gian đào tạo lại, giải quyết được bài toán thiếu hụt nhân sự cho U&I. "Tuy nhiên, chỉ với một mình U&I thực hiện là chưa đủ, công tác đào tạo này cần sự chung tay của nhà nước, cộng đồng", ông Liêm chia sẻ.

"Việc liên kết các tổ chức đào tạo, học tập kinh nghiệm của các nước cũng có vai trò lớn nhằm nâng cao năng lực và chất lượng ngồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn Bình Dương cũng như vùng Đông Nam bộ"

Ông Phạm Văn Bông – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Dương

Theo ông Phạm Văn Bông, ngành nghiệp Bình Dương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đổi mới các ngành nghề phù hợp với yêu cầu của người học.

Tuy nhiên, để đảm bảo nguồn nhân lực phát triển nông nghiệp, nông thôn Bình Dương bền vững, ông Bông đề nghị, cần có thêm có chính sách, cơ chế hỗ trợ đối với các trường đại học, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành nông nghiệp có chất lượng cao. 

Không chỉ ở Bình Dương mà các bộ ngành Trung ương cũng cần có chính sách tăng cường hợp tác đào tạo chuyên ngành nông nghiệp giữa các trường đại học với doanh nghiệp và Nhà nước, đảm bảo sinh viên ngành nghiệp ra trường có việc làm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem