Huyện Phú Giáo xây dựng nông thôn đáng sống để ai cũng muốn đến và gắn bó lâu dài
Một huyện của tỉnh Bình Dương, nông thôn đẹp như tranh, người dân làm nông mà thu nhập 72 triệu đồng/người/năm
Trần Khánh
Thứ năm, ngày 17/08/2023 10:01 AM (GMT+7)
Sau 3 năm thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới, huyện Phú Giáo (Bình Dương) hiện là vùng nông thôn của khát vọng đổi mới sáng tạo, vùng nông thôn đẹp của cảnh quan, văn hóa, môi trường và là nơi thu hút cũng như lan tỏa những giá trị bền vững, đặc biệt với nông dân.
Phú Giáo phát triển kinh tế nông thôn bằng nông nghiệp công nghệ cao
Ông Trần Văn Dũng ở xã An Bình (huyện Phú Giáo) tham gia HTX Nông nghiệp công nghệ cao Kim Long từ năm 2016. Ban đầu, ông trồng dưa lưới trên diện tích 2.000 m².
Được HTX tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật, đến nay, ông Dũng mở rộng diện tích lên 7.000 m². Chính ông Dũng đang làm kỹ thuật viên, phụ trách việc hướng dẫn kỹ thuật lại cho các thành viên khác trong HTX.
Liên kết sản xuất nhiều năm qua, HTX giúp gia đình ông có nguồn thu ổn định. Ông Dũng cho biết, mỗi năm gia đình ông đạt doanh thu từ 1,2 - 1,5 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, ông còn lời từ 700 - 800 triệu đồng.
Ông Dũng cho biết, phong trào trồng dưa lưới công nghệ cao đang lan rộng không chỉ toàn xã mà cả huyện. Dưa lưới, chuối và nhiều nông sản khác đang trở thành sản phẩm chủ lực của nông nghiệp Phú Giáo.
Thực tế từ nhiều năm qua, huyện Phú Giáo đã định hướng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo ra những sản phẩm thế mạnh, mang tính thương hiệu cho địa phương.
Từ đó giá trị nông sản được nâng cao, thu nhập của nông dân được cải thiện. Đây là một trong những nội dung trọng tâm, cốt lõi của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Thời gian qua, huyện Phú Giáo đã tập trung quy hoạch, xây dựng đề án, dự án phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp, hình thành nhiều mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của địa phương.
Kết quả, giá trị sản xuất nông lâm, ngư nghiệp của huyện tăng bình quân hàng năm 56,95%. Đến nay, toàn huyện có 103 hộ sản xuất nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận VietGAP, 416 hộ cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích trên 1.000ha (tăng 237 cơ sở, hộ so với cùng kỳ năm 2020).
Huyện đã hỗ trợ 30 tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền 876 tỉ đồng.
Hiện nay, Phú Giáo đã giải ngân được 773 tỷ đồng. Giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt của huyện đạt trên 600 triệu đồng/ha/ năm, đạt chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.
Đặc biệt, huyện đã được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Phú Giáo, cam bưởi Phú Giáo. Huyện cũng đang hoàn thiện hồ sơ xin cấp mã vùng trồng cho 27 nông dân trồng sầu riêng, với tổng diện tích 82,7 ha.
Toàn huyện hiện có 191 trang trại, 59 hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ liên kết với trên 4.000 thành viên; thu nhập bình quân của các hộ từ 15-20 triệu đồng/tháng. Hiệu quả phát triển kinh tế nông nghiệp của huyện Phú Giáo được thể hiện rõ qua thu nhập bình quân đầu người đạt 72,4 triệu đồng/năm.
Theo ông Trịnh Đức Dũng – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Giáo, có thể thấy thế hệ nông dân Phú Giáo hôm nay là những người biết áp dụng công nghệ 4.0, không chỉ sản xuất cho gia đình mà còn phục vụ thị trường trong nước lẫn xuất khẩu ra nước ngoài.
Nhiều hộ gia đình đã chủ động phát triển kinh tế bằng những hướng đi khác nhau. Loại hình kinh tế trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã cũng tạo việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động địa phương.
Đầu tư cho nông thôn mới là đầu tư cho nhân dân
Sau 3 năm thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, huyện Phú Giáo đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan.
Cuối năm 2020, huyện Phú Giáo có 10/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đến nay, Phú Giáo có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Mức độ, chất lượng đạt chuẩn của các xã ở giai đoạn này đều cao hơn so với giai đoạn 2016 - 2020.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ vừa qua, kết quả trên cho thấy sự nỗ lực to lớn của người dân, cùng quyết tâm cao, giải pháp đúng từ chính quyền các cấp của huyện Phú Giáo.
Bà Lương Thị Hạnh, người dân xã Tân Long (huyện Phú Giáo) kể, tất cả các hộ gia đình đều được vận động trồng hoa trước cổng nhà. Người dân đồng tình hưởng ứng.
Nhiều nơi, người dân còn tổ chức vận động cùng nhau đóng góp kinh phí làm đường nông thôn. Mỗi tháng một lần, người dân lại trồng cây, hoa bổ sung dọc theo hai tuyến đường.
"Nhà cửa của người dân thấp thoáng giữa rực rỡ sắc hoa. Đời sống phát triển, vùng nông thôn hiện đại của xã cứ phát triển không gian trong lành", bà Hạnh nói.
UBND huyện Phú Giáo cho biết, dù tấc đất tấc vàng nhưng người dẫn sẵn sàng hiến đất mở đường, góp sức xây dựng bộ mặt nông thôn khang trang, sạch đẹp.
Tổng nguồn vốn mà huyện Phú Giáo huy động thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2023 là trên 1.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn do cộng đồng dân cư đóng góp hơn 340 tỷ đồng (chiếm 31%); vốn doanh nghiệp hơn 369 tỷ đồng (chiếm 35%).
Từ góp tiền, ngày công đến hiến đất, người dân cùng với Nhà nước thực hiện những công trình hạ tầng thiết yếu điện, đường trường, trạm nước sạch, vệ sinh môi trường, góp phần phục vụ thiết thực đời sống hằng ngày.
Cụ thể, toàn huyện có 47 tuyến đường do huyện quản lý, dài hơn 235km được bê tông nhựa hóa 100%. Đối với đường xã, có trên 37% tuyến được bê tông hoặc láng nhựa; số còn lại là đường sỏi đỏ, đảm bảo người dân lưu thông thuận tiện và không để lội vào mùa mưa.
Ngoài ra, huyện cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao đơn vị thi công triển khai thực hiện đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, để kịp tiến độ hoàn thành vào cuối năm 2023.
Nông thôn mới không chỉ có hạ tầng cơ sở vật chất tốt hơn mà đời sống văn hóa, giáo dục, sức khỏe, tinh thần của người dân cũng ngày càng được nâng cao.
Phú Giáo tự hào là địa phương có tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia nằm trong nhóm dẫn đầu tỉnh Bình Dương, với 37/39 trường. 74,3% số trường của huyện đã đạt kiểm định chất lượng giáo dục; 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học; 100 % trẻ 6 tuổi vào lớp 1.
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được huyện Phú Giáo chú trọng. 100% trạm y tế xã trên địa bàn huyện có bác sĩ tham gia khám chữa bệnh; 100% ấp, khu phố có nhân viên y tế hoạt động; 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% trạm y tế được xây mới hoặc nâng cấp, sửa chữa, mua sắm bổ sung trang thiết bị thiết yếu phục vụ việc khám chữa bệnh.
Thêm nữa, nơi đáng sống phải là nơi mọi người dân luôn cảm thấy bình yên, an toàn. Vì thế, công tác bảo đảm quốc phòng, an ninh luôn được Phú Giáo luôn triển khai chặt chẽ; lực lượng vũ trang địa phương được củng cố theo hướng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.
Theo ông Đoàn Văn Đồng – Chủ tịch UBND huyện, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hệ thống chính trị chứ không riêng ngành nào, địa phương nào. Công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới phải gắn liền trách nhiệm với quyền lợi, để người dân và doanh nghiệp cùng tham gia. Bởi vì, đầu tư cho nông thôn mới là đầu tư cho nhân dân.
Giai đoạn 2021 - 2023, quá trình xây dựng nông thôn mới ở Phú Giáo nhận được niềm tin tin lớn của người dân vào chính quyền. Niềm tin này cùng với khát vọng phát triển sẽ đưa Phú Giáo trở thành vùng nông thôn hiện đại, đáng sống trong tương lai gần.
Huyện Phú Giáo đặt mục tiêu đến năm 2025 có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, từ 2 xã trở lên đạt nông thôn mới kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn được nâng cao. Thu nhập bình quân của người dân tăng ít nhất 1,42 lần so với năm 2020, lên 96,8 triệu đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.