Bình Dương: Dự án mở rộng Quốc lộ 13 sẽ khắc phục tình trạng ngập nước cục bộ
Bình Dương: Cử tri phản ứng Quốc lộ 13 kéo dài tình trạng nhiều điểm ngập nước rất sâu
Nguyên Vỹ
Thứ năm, ngày 14/07/2022 17:16 PM (GMT+7)
Tình trạng ngập nước cục bộ, nhất là ngập nước trên đường Quốc lộ 13 là nội dung được nhiều đại biểu chất vấn lãnh đạo Sở Giao thông vận tải, tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh tỉnh Bình Dương, khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, ngày 14/7.
Chất vấn lãnh đạo Sở GTVT Bình Dương, đại biểu Trần Thành Trọng đặt câu hỏi: "Khi dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13 hoàn thành, liệu có đảm bảo tình trạng ngập nước được cải thiện đáng kể hay không?".
Theo đại biểu Trọng, nếu như Bình Dương hoàn thành dự án mở rộng Quốc lộ 13 mà vẫn tiếp tục tình trạng ngập nước thì cử tri và doanh nghiệp sẽ tiếp tục phàn nàn, phản ứng.
Đại biểu Trọng đề nghị Sở GTVT xem xét kỹ hồ sơ thiết kế, đồng thời cùng với Công ty Becamex IDC có giải pháp toàn diện cho việc thoát nước trên Quốc lộ 13.
"Quốc lộ 13 hiện vẫn còn nhiều điểm ngập nước rất sâu. Bản thân tôi thường xuyên đi lại tuyến đường này và thường xuyên gặp cảnh ngập nước", đại biểu Trọng nói.
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Sở GTVT Bình Dương cho biết, trong thiết kế cải tạo mở rộng Quốc lộ 13 (đoạn từ đường Lê Hồng Phong đến cầu Vĩnh Bình), vấn đề thoát nước được đặc biệt lưu ý trong công tác thẩm định.
Theo ông Minh, Sở GTVT đã thẩm định kỹ vì Quốc lộ 13 được cải tạo, mở rộng trên nền đường cũ.
Quốc lộ 13 chỉ mở rộng về một bên, vì thế, mặt đường không thể nâng lên đồng bộ trên toàn tuyến.
Giải pháp để hạn chế ngập nước triều cường và tăng cường thoát nước mưa đã được tính toán kỹ trong phương án kỹ thuật.
Ngoài đoạn ngập ở khu vực phường Vĩnh Phú (đoạn gần Công ty Tân Hiệp Phát), điểm ngập thường xuyên khác trên Quốc lộ 13 là ở khu vực siêu thị Lotte Mart (đoạn gần ngã tư cầu Ông Bố (TP.Thuận An).
Sở GTVT cũng đã họp với các sở ngành liên quan tính toán, cũng như xác định nguyên nhân ngập tại khu vực này.
Theo đó, kênh Bình Hòa phải tải thêm một lượng nước rất lớn từ khu công nghiệp Việt-Sin (diện tích 193ha) đổ ra.
Đúng ra, khu vực dân cư 193ha này sẽ đấu nối vào kênh T3 để thoát nước về hướng chợ Búng. Tuy nhiên, kênh T3 thời điểm trước chưa triển khai xong nên tạm thời đấu nối vào kênh Bình Hòa.
"Một lượng nước rất lớn đổ về kênh Bình Hòa đã gây ra hiện tượng ngập triều cường ở khu vực siêu thị Lotte Mart", ông Minh giải thích.
Ngoài ra, cống ngang tại khu vực Lotte Mart có khẩu độ thấp, không đáp ứng được việc thoát nước nhanh.
Ông Minh cho biết, việc mở rộng Quốc lộ 13 tại siêu thị Lotte Mart đã đề xuất phương án nâng cao khẩu độ cống ngang để đảm bảo thoát nước cho khu vực.
Đồng thời, kênh Bình Hòa cũng đang được Sở NNPTNT đầu tư cải tạo, gấp rút triển khai trong thời gian tới để phía hạ lưu được thoát nước tốt hơn.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Huỳnh Thị Tuyết Hạnh về trách nhiệm của Sở GTVT trong việc các tuyến đường BOT trên địa bàn tỉnh thường xuyên bị hư hỏng, ngập nước, mất giải phân cách, ông Nguyễn Anh Minh cho biết, đối với các tuyến đường BOT, Sở luôn theo dõi, đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng nhằm nâng cấp chất lượng tuyến đường.
Cụ thể, tại tuyến đường ĐT741, trước đây khi ký hợp đồng với nhà đầu tư, các hạng mục như đầu tư vỉa hè, đèn chiếu sáng, giải phân cách không có trong hợp đồng.
Gần đây, cử tri phản ánh về tình trạng không có vỉa hè, đèn chiếu sáng, giải phân cách gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, Sở GTVT đã phối hợp với chủ đầu tư thực hiện việc lắp đặt đèn chiếu sáng, thoát nước và giải phân cách với mức đầu tư khoảng 500 tỷ cho toàn tuyến.
Sở cũng đã trình UBND để phê duyệt kinh phí thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng cũng như lắp đặt vỉa hè, đèn chiếu sáng, dải phân cách và hệ thống thoát nước trên tuyến ĐT741.
Còn nhiều điểm ngập úng cục bộ
Liên quan đến vấn đề ngập úng trên địa bàn tỉnh Bình Dương, ông Võ Hoàng Ngân – Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, hệ thống thoát nước đô thị trên địa bàn tỉnh được đã đầu tư từ lâu.
Hệ thống này cơ bản đáp ứng nhu cầu thoát nước đô thị. Tuy nhiên, toàn tỉnh vẫn còn 1 số điểm ngập.
Theo thống kê, năm 2020, Bình Dương có 68 điểm ngập. Đến năm 2022, Bình Dương còn 58 điểm ngập. Các điểm ngập này được tỉnh Bình Dương giao cho Sở Xây dựng làm đầu mối xử lý.
Theo ông Ngân, tình trạng ngập úng vẫn còn do một số nguyên nhân chính.
Trước hết, năng lực thoát nước của các trục giao thông trước đây là thoát nước cho nông thôn. Đến nay, tốc độ đô thị hóa quá nhanh (82%), hệ thống này không còn đáp ứng được nhu cầu.
Các trục thoát nước chính đang triển khai nên chưa phát huy hết tác dụng. Việc nạo vét kênh rạch, khơi thông cống rãnh chưa kịp thời. Việc lấn chiếm hoặc bít miệng hố ga của 1 số cá nhân vẫn xảy ra.
Về giải pháp sắp tới, Sở Xây dựng cho biết sẽ tăng cường xử lý các trường hợp làm tắt nghẽn cống rãnh, khơi thông nạo vét trước mùa mưa; đẩy nhanh triển khai các trục thoát nước chính.
"Sở Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin về các điểm ngập và đôn đốc các đơn vị chức năng khắc phục nhanh vấn đề ngập úng cục bộ, phục vụ tốt hơn đời sống bà con cho cử tri", ông Ngân cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.