Theo thống kê của Trung tâm Giới thiệu việc làm (TTGTVL) tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có hơn 41.000 lao động đăng ký thất nghiệp, đứng nhất - nhì trong cả nước. Riêng đến giữa tháng 11-2010, ở Bình Dương có trên 2.000 người đăng ký.
Ông Bùi Văn Kiêu - Phó Giám đốc TTGTVL tỉnh Bình Dương cho biết, những người đăng ký thất nghiệp tập trung nhiều ở đối tượng lao động phổ thông, tuổi từ 25 - 40. Trung bình, mỗi tháng có khoảng 1.000 người chuyển bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) về nơi cư trú.
|
Người lao động đến đăng ký thất nghiệp ở TTGTVL tỉnh Bình Dương. |
Theo quy định, người lao động cứ đóng đủ BHTN từ 12 - 36 tháng sẽ được hưởng 60% của 3 tháng lương cơ bản nếu thất nghiệp. Ví dụ, một người lao động có mức lương cơ bản 2 triệu đồng/tháng. Trong 12 tháng, số tiền mà người đó phải đóng cho quỹ BHTN là 240.000 đồng (1%/ tháng) sau đó xin thôi việc và hưởng BHTN tính ra khoảng trên 3 triệu đồng, gấp nhiều lần so với mức đóng vào.
Theo ông Nguyễn Phùng Trung - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương thì chính quy định trên đã "tạo điều kiện cho người lao động thất nghiệp tự nguyện". Thái Thị Phượng, quê Hà Tĩnh, là công nhân một công ty dệt may ở Thuận An thừa nhận: "Do con còn nhỏ nên nghỉ làm một thời gian chăm con, đi lại lãnh BHTN cũng cực lắm nhưng số tiền cũng đủ cho vài tháng tiền thuê nhà trọ".
Phượng cho biết, công ty chị đang làm đang rất thiếu người, đến nỗi chủ doanh nghiệp phải có lời "chiêu dụ" là, nếu nghỉ làm ở đó không quá 6 tháng, vô làm lại thì sẽ được ký hợp đồng ngay và giữ nguyên mức lương lúc nghỉ việc. Vì vậy, có rất nhiều người xin nghỉ việc một thời gian để lĩnh BHTN, sau đó xin vào làm lại.
Thiên Kim
Vui lòng nhập nội dung bình luận.