|
Thú rừng ở Bình Dương chỉ thấy trong chuồng nhốt. |
Bình Dương còn lại khoảng 11 nghìn ha rừng, nhưng đa dạng sinh học thì “nghèo” nàn. Các hệ thực vật trong Sách Đỏ trước đây, trên địa bàn tỉnh Bình Dương chiếm số lượng rất cao, do quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất khiến các diện tích đất rừng, động thực vật bị co hẹp lại. Báo cáo nghiên cứu và khảo sát của Hội Bảo vệ thiên nhiên - môi trường Việt Nam cho thấy điều đó.
Theo bà Đỗ Thị Bích Lộc - nghiên cứu viên Hội Bảo vệ thiên nhiên-môi trường Việt Nam: “Hiện hệ sinh thái rừng, độ che phủ của Bình Dương tuy có tăng, nhưng chất lượng rừng bị suy giảm.
Các hệ sinh thái sông, suối và ven bờ đang bị suy thoái và mất dần. Xu hướng của đa dạng loài và đa dạng sinh học tỉnh cũng giảm dần theo thời gian. Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này do việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất quá nhanh, trong đó không loại trừ các dự án quy hoạch về công nghiệp, khu đô thị bị tác động làm mất cân bằng sinh thái này”.
Việc đưa các giống mới vào sản xuất nông nghiệp như: Trồng cây cao su, keo lai, tràm hoa vàng và cây xà cừ… càng làm chất lượng sinh học hệ sinh thái thực vật giảm đi rõ rệt. Quá thiếu quy hoạch lâu dài các khu “ưu tiên” cần bảo vệ, bảo tồn về lâu dài. Hạn chế trong ý thức bảo vệ môi trường và thực trạng coi nhẹ của cộng đồng trong gìn giữ môi trường sinh thái.
Rừng suy kiệt dẫn đến các loài động vật hoang dã cũng khó có đường sống sót. “Sinh thái động (động vật hoang dã) bị bắt nhốt. Dễ nhận thấy ở một số khu du lịch, khu vui chơi trên địa bàn tỉnh nuôi nhốt đến hàng ngàn loài thú quý hiếm. Điển hình như hổ, báo, gấu… Có nhà dân nuôi đến hàng chục con gấu - một cán bộ tỉnh cho biết.
Ông Lê Thanh Cung - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo, các ngành quản lý liên quan về rừng, môi trường cần nhanh chóng tìm phương án bảo vệ các khu rừng còn sót lại. Ban hành các điều luật bắt buộc để các nhà quản lý bám sát thực hiện và xử lý răn đe nếu cộng đồng còn vi phạm làm giảm hoặc phá hoại các loài hệ thực vật, động vật hoang dã.
“Bình Dương đi lên đô thị hiện đại rất cần cân bằng sinh thái, tạo lá phổi trong lành cho thành phố tương lai. Nếu xem nhẹ môi trường, thiếu đầu tư cây xanh mà sống trong đô thị toàn “ bê tông” thì còn ai thích sống nữa”- ông Cung nhấn mạnh!
Lộc Hưng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.