Bình Dương sau 25 năm thành lập, đang đối mặt với những khó khăn gì?
Bình Dương sau 25 năm thành lập, đang đối mặt với những khó khăn gì?
Văn Dũng
Thứ tư, ngày 20/04/2022 08:56 AM (GMT+7)
Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, tỉnh Bình Dương còn những tồn tại, hạn chế nhất định, cũng như đã và đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Bình Dương có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương đứng thứ 3 cả nước
Ông Nguyễn Hoàng Thao – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bình Dương cho biết, Bình Dương được tách ra từ tỉnh Sông Bé vào ngày 1/1/1997. Thời điểm mới thành lập, Bình Dương là tỉnh nghèo, có xuất phát điểm thấp.
Từ ngày thành lập đến nay, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Bình Dương đã đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, sáng tạo có tính đột phá để lãnh đạo xây dựng Bình Dương trở thành tỉnh phát triển năng động, là địa bàn quan trọng gắn kết các tỉnh, thành phố của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trung tâm công nghiệp - đô thị hiện đại.
Về kinh tế, việc phát triển mạnh các khu, cụm công nghiệp tập trung, nhất là xây dựng Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị đã thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp đạt 24,6%/năm; kinh tế chuyển dịch đúng hướng, giảm nhanh tỷ trọng nông nghiệp và tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong GDP.
Hiện nay, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 150,98 triệu đồng, tăng hơn 26 lần so với năm 1997 (5,8 triệu đồng).
Sự tăng trưởng nhanh của hầu hết các ngành kinh tế đã tạo nguồn thu lớn cho ngân sách của tỉnh. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh bình quân giai đoạn 1997 - 2020 tăng 26,1%/năm đã góp phần đưa Bình Dương sớm trở thành một trong những địa phương có mức thu ngân sách nằm trong Câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng, có tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương đứng thứ 3 của cả nước.
Năm 2021, tổng thu ngân sách của tỉnh ước đạt 61.200 tỷ đồng, gấp 74 lần so với năm 1997 (817 tỷ đồng). Nhiều năm liền Bình Dương là 1 trong 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ xuất siêu lớn với bình quân khoảng 6 tỷ USD/năm.
Nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng tăng cường liên kết, nâng cao giá trị sản phẩm, tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị. Đến năm 2019, toàn tỉnh đạt 100% xã chuẩn nông thôn mới.
Để huy động tối đa các nguồn lực cùng tham gia thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, tỉnh triển khai chủ trương "trải chiếu hoa mời gọi đầu tư" và "trải thảm đỏ mời gọi nhân tài", đặc biệt chú trọng đổi mới mô hình trong thu hút đầu tư, tạo động lực tăng trưởng mới.
Đồng thời, tập trung thực hiện quyết liệt chủ trương đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; trong đó, hạ tầng giao thông được ưu tiên đầu tư trước một bước để mở đường cho kinh tế phát triển.
Trong lĩnh vực văn hóa – xã hội, Tỉnh ủy Bình Dương đã tập trung lãnh đạo giải quyết ngày càng tốt hơn mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội trong từng chính sách.
An sinh, phúc lợi xã hội ngày càng mở rộng và nâng cao, bảo đảm mọi người dân đều được chăm lo, thụ hưởng đầy đủ, công bằng từ các thành quả phát triển kinh tế. Bình Dương huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển giáo dục, y tế và giải quyết tốt các vấn đề đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động.
Công tác giảm nghèo đạt thành tựu quan trọng, trong năm 2017 Bình Dương được công nhận không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương và tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn riêng của tỉnh chỉ còn tỷ lệ dưới 1%.
Tiềm lực khoa học và công nghệ được đầu tư và ứng dụng rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, giải quyết tốt các vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền các cấp.
Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Bình Dương luôn xem trọng công tác đối ngoại để tận dụng tối đa ngoại lực, các mối quan hệ hợp tác khu vực, quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu.
Cụ thể, Bình Dương đã ký kết hợp tác hữu nghị với 10 địa phương của các nước trên thế giới, tiếp tục đẩy mạnh quan hệ đối ngoại, tạo động lực tăng trưởng thông qua hợp tác triển khai Đề án xây dựng Thành phố Thông minh Bình Dương.
Bình Dương đã chính thức gia nhập Hiệp hội Đô thị khoa học thế giới (WTA) và Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF); 3 năm liền được vinh danh là 1 trong 21 thành phố, khu vực có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới...
Ông Nguyễn Hoàng Thao khẳng định rằng, 25 năm qua, thành quả lớn nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Dương là vượt qua nghèo khó, xây dựng quê hương theo hướng văn minh, thông minh, hiện đại, có nền kinh tế phát triển năng động, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, quốc phòng, an ninh được giữ vững ổn định, hệ thống chính trị được xây dựng ngày càng trong sạch, vững mạnh, thân thiện, vì nhân dân phục vụ.
Những tồn tại và khó khăn, thách thức sau 25 năm thành lập Bình Dương
Bên cạnh những thành tựu được xem là cơ bản, sau 25 năm phát triển tỉnh Bình Dương vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định, cũng như đã và đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Theo đó, chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa thật sự bền vững. Các loại hình dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn chưa tương xứng với tiềm năng hiện tại; Công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển; sự liên kết giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp trong nước chưa được như kỳ vọng. - Lĩnh vực văn hóa - xã hội có mặt vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh do còn chịu áp lực lớn từ việc gia tăng dân số cơ học.
Một số công trình trọng điểm trên lĩnh vực văn hóa, xã hội triển khai còn chậm. Việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh trong một số ngành, lĩnh vực có lúc chưa chặt chẽ.
An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Công tác phòng ngừa xã hội ở một vài nơi chưa thật hiệu quả. - Công tác điều hành của chính quyền, công tác cải cách thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn chậm so với tốc độ phát triển.
Đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng được chuẩn hóa, nhưng tính chuyên nghiệp chưa cao, có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu của nền hành chính hiện đại. Quá trình triển khai, quán triệt nghị quyết của Đảng từng bước đổi mới nhưng chưa thật rõ nét.
Công tác tuyên truyền, nắm bắt dư luận xã hội, dự báo diễn biến tư tưởng có lúc, có nơi, chưa kịp thời.
Tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình ở một vài tổ chức đảng và đảng viên chưa cao. Còn một số khó khăn trong xây dựng, phát triển tổ chức đảng và đảng viên tại các doanh nghiệp. Nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã có đổi mới nhưng chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Hoạt động giám sát, phản biện xã hội cũng còn hạn chế. Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân khác nhau, cả chủ quan và khách quan, khó tránh khỏi trong quá trình phát triển.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bình Dương Nguyễn Hoàng Thao nhấn mạnh, xét toàn diện và tổng thể 25 năm xây dựng và phát triển thì những thành tựu vẫn là chủ yếu, những tồn tại, hạn chế, sẽ từng bước được khắc phục để tiếp tục đưa tỉnh Bình Dương tiến nhanh, tiến mạnh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.