Huỳnh Xây
Thứ ba, ngày 25/03/2025 11:08 AM (GMT+7)
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố quyết định thành lập và ra mắt Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khu vực 14. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khu vực 14 gồm 5 tỉnh, thành: Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long, có trụ sở đặt tại TP.Cần Thơ.
Ngày 25/3, tại TP.Cần Thơ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức lễ công bố quyết định thành lập và ra mắt Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khu vực 14.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố quyết định thành lập và ra mắt Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khu vực 14. Ảnh: H.X
Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, NHNN đã nỗ lực thực hiện. Theo đó, chưa đầy 3 tháng, hệ thống Ngân hàng Nhà nước đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp tổ chức bộ máy.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành việc tổ chức lại 63 chi nhánh tỉnh, thành phố thành 15 khu vực, đảm bảo thực hiện quản lý nhà nước, hoạt động thanh toán, an ninh tiền tệ, kho quỹ cho hệ thống ngân hàng.
Trong đó, Ngân hàng Nhà nước khu vực 14 gồm 5 tỉnh, thành: Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Vĩnh Long, trụ sở đặt tại TP.Cần Thơ.
Ông Trần Quốc Hà - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.Cần Thơ được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 14 và được giao Quyền Giám đốc.
Ngân hàng Nhà nước khu vực 14 hiện có 1 trụ sở chính, 129 chi nhánh cấp 1 của tổ chức tín dụng, 1 Ngân hàng Hợp tác xã, 32 Quỹ tín dụng nhân dân, 45 chi nhánh quận/huyện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 251 phòng giao dịch, 1 chi nhánh tổ chức vi mô CEP và 8 văn phòng đại diện, 5 chi nhánh của ngân hàng chính sách xã hội với 164 điểm giao dịch trực thuộc.
Trên địa bàn khu vực 14 còn có 940 máy ATM, 13.312 máy POS. Các máy ATM, POS hoạt động thông suốt, công tác tiếp quỹ ATM được thực hiện kịp thời, phục vụ tốt nhu cầu thanh toán, rút tiền mặt của khách hàng.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: H.X
Ước đến cuối tháng 2/2025, tổng dư nợ tín dụng tại khu vực 14 đạt 387.350 tỷ đồng, tăng 0,42% so với cuối năm 2024 (thấp hơn tốc độ tăng toàn quốc 0,8%), chiếm 31,73% tổng dư nợ của vùng đồng bằng sông Cửu Long, chiếm khoảng 2,46% tổng dư nợ nền kinh tế.
Về tín dụng chính sách, đến 31/1/2025, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại ngân hàng chính sách xã hội trên địa bàn khu vực 14 đạt 22.373 tỷ đồng với 704.825 khách hàng còn dư nợ (tăng 1,03% so với năm 2024), chiếm 5,78% tổng dư nợ tín dụng của Khu vực 14, chiếm 34,2% dư nợ tín dụng chính sách của vùng đồng bằng sông Cửu Long và chiếm 6,02% dư nợ tín dụng chính sách trên toàn quốc.
Phát biểu tại sự kiện, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, trong đó tập trung chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn bám sát các chủ trương, nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, triển khai các giải pháp ổn định lãi suất huy động và tiết giảm chi phí, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để hạ lãi suất cho vay.
Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng.
Đẩy mạnh đầu tư tín dụng vào các dự án, công trình trọng điểm khả thi phục vụ phát triển kinh tế xã hội của khu vực và các ngành, lĩnh vực thế mạnh của địa phương theo định hướng tại các Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ, trong đó chú trọng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn vay của người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, thu mua, tạm trữ, tiêu thụ một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực, đảm bảo an ninh lương thực của Khu vực và quốc gia (như lúa gạo).
Bên cạnh các giải pháp trên, ngành ngân hàng cần sự phối hợp của các sở, ngành, các địa phương trong khu vực để triển khai các giải pháp, chính sách hiệu quả, đồng bộ . Từ đó, giúp người dân, doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế xã hội bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.