Bình Dương tìm cách xóa “gót chân Asin” 

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 29/11/2019 06:30 AM (GMT+7)
Sự mất cân đối giữa tăng trưởng kinh tế và văn hóa là rào cản đối với phát triển bền vững. Điều này đang càng ngày bộc lộ rõ nét ở nơi có tốc độ phát triển và đô thị hóa nhanh như Bình Dương.
Bình luận 0

Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về phát triển văn hóa, giới khoa học nhận định cái gốc vấn đề ở Bình Dương là sự xung đột hệ giá trị, nên gốc của giải pháp phải là xây dựng hệ giá trị thích hợp.

“Gót chân Asin”

Theo GS-TS Trần Ngọc Thêm (ĐHQG TP.HCM), đặc thù nổi bật của Bình Dương là cuộc lột xác ngoạn mục từ một tỉnh thuần nông nghèo khó, nhảy vọt trở thành một tỉnh công nghiệp hóa, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất nước. Điểm mạnh này cũng chính là nguồn gốc bộc lộ điểm yếu nhất, là “gót chân Asin” của Bình Dương.

img

Công nhân làm việc tại một công ty may mặc ở Bình Dương. Ảnh: An Hạ

Sự nhảy vọt quá nhanh mà chưa có chuẩn bị đầy đủ về nguồn lực đã không thể tránh khỏi khó khăn, trả giá. “Hạn chế này rất lớn dù khó thấy. Nói đầy đủ, đó là sự phát triển không đồng đều giữa kinh tế và văn hóa - con người” - GS Thêm nói.

Theo ông Trần Ngọc Thêm, sự không đồng đều này không phải hạn chế riêng của Bình Dương, mà là chung của cả nước. Trong cả nước, vùng Đông Nam Bộ bộc lộ hạn chế này rõ nhất. Mà trong Đông Nam Bộ, Bình Dương phát triển kinh tế nhanh nhất nên sự mất cân đối cũng lớn nhất.

GS Thêm dẫn chứng, Bình Dương hiện đang đứng đầu toàn vùng Đông Nam Bộ về tai nạn giao thông, vượt qua cả TP.HCM. Trong lĩnh vực tội phạm, Bình Dương cũng đứng đầu về số bị can đã truy tố và số người phạm tội đã bị kết án. Nghi can trong các vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra gần đây tại Bình Dương thường là người nhập cư hoặc đang sinh sống tại nơi khác đến Bình Dương gây án.

Cái gốc của vấn đề là sự xung đột hệ giá trị, cho nên gốc của giải pháp phải là xây dựng hệ giá trị thích hợp. Nói văn hóa là nền tảng, động lực, là mục tiêu thì ít nhất, phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế. Phải giải quyết xung đột trong tính hệ thống”.

GS.TS Trần Ngọc Thêm

Người nhập cư vào Bình Dương đến từ các vùng nông thôn của cả nước, hoàn toàn chưa có những phẩm chất của văn minh công nghiệp và văn hóa đô thị.

Định hình bản sắc

Vùng nông thôn Bình Dương hiện nay cũng đang thay đổi nhanh chóng. Tuy nhiên, tính cách và lối sống của người nông dân vẫn không thể nhanh chóng trở thành tính cách và lối sống của người công nhân, thị dân thông qua những phong trào thi đua phấn đấu đạt chuẩn các danh hiệu văn hóa.

Nay chất nông dân gốc ấy lại được bổ sung thêm chất nông dân - nông nghiệp - nông thôn rất đa dạng từ các vùng miền của cả nước. “Thực trạng này đang và sẽ mang lại cho Bình Dương không chỉ thuận lợi và cơ hội mà còn là những khó khăn và thách thức rất lớn”- GS Thêm nhận định.

TS Huỳnh Ngọc Đáng - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Bình Dương cho biết, lịch sử văn hóa Bình Dương đã sớm định hình mẫu người Bình Dương cố cựu với các đặc tính riêng.

Đến thời kỳ phát triển mạnh mẽ của công nghiệp và đô thị, Bình Dương nổi lên là vùng đất của giao lưu và hội tụ, lớp người cố cựu ngày càng ít đi. Hoạt động văn hóa vì thế phải giúp bù đắp phần nào sự thiếu thốn về vật chất và tinh thần trong đời sống của họ.

“Điều này đòi hỏi có sự sắp xếp, bố trí lại các thiết chế văn hóa và sự đầu tư có tính định hướng cả về nội dung và hình thức trong tổ chức các hoạt động văn hóa từ chính quyền cấp cơ sở đến cấp thành phố, tỉnh”- TS Đáng nhấn mạnh.

Chăm lo đời sống  công nhân

Diện mạo của đô thị Bình Dương giàu đẹp không thể vắng mặt hình ảnh của các khu công nghiệp, khu chế xuất mà lực lượng cơ bản đảm bảo sự tồn tại, phát triển là đội ngũ công nhân. Đội ngũ này đa phần là lao động nhập cư nên để giữ cho “chim đậu nơi đất lành”, vấn đề cấp bách là phải chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ công nhân. 

TS Nguyễn Thị Phượng  (Học viện Chính trị khu vực II)

Mở rộng các thiết chế văn hóa hướng đến cộng đồng

 Người nhập cư ở Bình Dương mang theo mình các giá trị văn hóa từ nhiều vùng miền khác nhau, cư trú phức tạp và luôn biến động. Các vấn đề đối lập, đối kháng là không thể tránh khỏi trong quá phát triển sinh sống và làm việc. Giải quyết những đối lập này một phần nhờ vào vai trò tự điều chỉnh văn hóa. Mặt khác, cần thể hiện rõ vai trò của chính quyền trong việc tạo ra các điều kiện, công cụ để điều chỉnh đối lập, đặc biệt là vấn đề đối lập văn hóa.

Việc xây dựng và mở rộng mạng lưới các thiết chế văn hóa mang tính định hướng, hướng đến cộng đồng dân cư ở Bình Dương trong thời gian tới là hết sức cần thiết và cấp bách, nhằm đảm bảo mục tiêu xây dựng nền văn hóa hiện đại nhưng vẫn giữ được các giá trị tốt đẹp truyền thống của vùng đất Bình Dương trong quá trình đô thị hóa.

ThS Phạm Kim Cương (Trường Đại học Thủ Dầu Một)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem