Vấn đề là phải tạo nguồn hàng ổn định để bình ổn giá, nhưng hiện nay các địa phương rất lúng túng trong vấn đề này. Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương Nguyễn Thị Điền cũng nêu một thực tế: Chương trình bình ổn giá hiện thực thi không đồng đều trong cả nước. Hàng hoá mà các doanh nghiệp bình ổn chưa phong phú, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Chưa kể, tại vùng nông thôn không có nhiều chương trình bình ổn giá.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa lo ngại hiện nay chỉ số CPI của VN đang cao nhất trong khu vực. Các địa phương cần tăng cường truyền thông về công tác dự trữ, chuẩn bị hàng hoá, nhất là cuối năm và dịp Tết để ổn định tâm lý người dân. Từ nay tới cuối năm các địa phương cần tập trung cân đối hàng hóa, nhất là phân bón cho vụ đông xuân, trong 12 mặt hàng thiết yếu thì mặt hàng này có khả năng tăng giá thời gian tới. Bà Thoa cho rằng, thời gian qua nhiều tỉnh chưa kiềm chế giá tốt nên những tháng cuối năm phải chú ý bình ổn.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đề nghị cần nhân rộng kết quả việc bình ổn giá của TP.HCM. Ngày 6-10, Chính phủ cũng sẽ có cuộc họp trực tuyến về vấn đề làm sao bình ổn giá từ nay tới cuối năm.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đề nghị các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế quan tâm đến việc đưa hàng về nông thôn không chỉ theo chiến dịch, theo đợt mà phải có hệ thống phân phối, đại lý.
Bộ trưởng cho rằng, 3 tháng cuối năm, Chính phủ đặt quyết tâm CPI không tăng quá 1,5%, cộng với 6,46 của 9 tháng là đạt mục tiêu khoảng 8% như Chính phủ đã đề ra. Để cân đối kinh tế vĩ mô, Chính phủ sẽ chỉ đạo kiểm soát hoạt động tín dụng, ngân hàng, tỷ giá, xuất khẩu...
Mai Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.