HTX Bưởi da xanh Đa Kia, xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập hiện có 24 thành viên trồng 45 ha bưởi. Trung bình mỗi năm, HTX thu hơn 1.000 tấn trái. Nhiều năm trước, các hộ nông dân canh tác theo kiểu mạnh ai nấy làm nên chất lượng bưởi không đồng đều, giá bán cũng bấp bênh.
Năm 2021, được sự giúp đỡ của Trung tâm Khoa học và Công nghệ tỉnh, các thành viên HTX đã thực hiện sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP, hạn chế tối đa phân bón vô cơ, thuốc hóa học. Nhờ vậy, những trái bưởi làm ra sạch, đẹp, ngon hơn.
Ông Hồ Văn Bình, Chủ nhiệm HTX Bưởi da xanh Đa Kia cho biết: Thực ra, nhiều quy trình của VietGAP đã được tôi và các thành viên thực hiện từ trước như: trồng chuyên canh, lắp đặt hệ thống tưới phun, bón nhiều phân hữu cơ ủ hoai, giảm phân hóa học và hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Khi tham gia chương trình, tôi và các thành viên chỉ củng cố lại nền sẵn có và ghi chép đầy đủ nhật ký.
Ngoài các yêu cầu về kỹ thuật thì trước khi thực hiện quy trình VietGAP, các hộ phải liên kết lại thành lập HTX để có diện tích lớn, sản lượng nhiều và đủ tư cách pháp nhân ký hợp đồng khi có các đơn đặt hàng lớn từ hệ thống siêu thị hoặc các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Từ ngày được cấp giấy chứng nhận VietGAP, bưởi của HTX dễ bán hơn rất nhiều và không lo ế hàng.
Cùng chia sẻ về mô hình trồng bưởi, ông Ngô Phước Khánh, Giám đốc HTX Bưởi da xanh Bù Đốp cho biết: HTX hiện có 40 ha bưởi được chăm sóc theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Theo đó, HTX phải tuân thủ 252 tiêu chuẩn, trong đó có 36 tiêu chuẩn phải tuân thủ đúng 100%, 127 tiêu chuẩn phải tuân thủ đến mức 95% và 89 kiến nghị, khuyến cáo của nhà tư vấn cần phải thực hiện.
Việc sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ phải thiết lập một hệ thống kiểm tra và giám sát an toàn thực phẩm xuyên suốt từ khâu chuẩn bị nông trại canh tác đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Hiện hiệu ứng chất lượng của nông sản đạt chuẩn GlobalGAP trên thị trường luôn chiếm nhiều ưu thế hơn so với chất lượng nông sản cùng loại được sản xuất theo quy trình thông thường. Ngay cả khi ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sản phẩm đạt chuẩn GlobalGAP vẫn có đầu ra. Giá bưởi tại vườn của nông dân hiện chỉ từ 20.000-25.000 đồng/kg tùy loại. Tuy nhiên, bưởi da xanh của HTX được doanh nghiệp thu mua từ 30.000 - 40.000 đồng/kg nhờ áp dụng quy trình sản xuất theo chuẩn GlobalGAP.
Việc ứng dụng theo chuẩn GlobalGAP vừa đảm bảo sức khỏe người lao động vừa nâng cao giá trị nông sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời giúp mô hình canh tác nông nghiệp phát triển một cách bền vững, thân thiện với môi trường, đất không bị chai sạn, xói mòn.
Trái cây Bình Phước chinh phục thị trường
Ngoài trái bưởi, ở huyện biên giới Bù Đốp, mô hình mít ruột đỏ của HTX Phước Thiện cũng vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.
Mít ruột đỏ nhanh cho thu hoạch và ra trái quanh năm, thích nghi mọi loại đất. Đặc biệt, nếu canh tác theo hướng hữu cơ sẽ giảm được chi phí đầu vào bởi cây không kén phân và ít sâu bệnh, bình quân chi phí cho mỗi gốc mít chỉ 50.000 đồng/năm. Cây trưởng thành có thể cho 15-30 trái, mỗi trái nặng khoảng 10kg. Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật, trái có thể nặng tới 14-15kg. 1 ha đất trồng khoảng 270 cây, nếu giá mít duy trì ổn định từ 40.000 - 60.000 đồng/kg, mỗi héc ta có thể đem lại hàng tỷ đồng sau khi trừ chi phí.
Ông Nguyễn Viết Vị, Giám đốc HTX Phước Thiện cho biết, mít ruột đỏ của HTX cơ bản về mặt tiêu chuẩn đã đảm bảo, có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc cùng các quy trình kiểm tra kết quả, kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và tiêu chí môi trường, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đủ điều kiện để sản phẩm vươn ra thị trường quốc tế.
Để phát triển HTX nói chung và sản phẩm mít ruột đỏ nói riêng thật sự bền vững, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm là hướng đi tất yếu. Tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương và tận dụng nguồn lực của HTX, ông Vị và các thành viên HTX đã cho xây dựng nhà máy chế biến sâu các sản phẩm về mít, như: mít tươi hút chân không và mít sấy lạnh với sản lượng khoảng 100 tấn múi/tháng.
Việc sơ chế, chế biến sâu sản phẩm không chỉ giúp HTX giải bài toán bảo quản nông sản mà còn tăng thu nhập cho các thành viên. Ngoài ra, với việc chủ động từ khâu sản xuất đến bàn ăn, người tiêu dùng được tiếp cận sản phẩm tốt với giá phải chăng, sẵn sàng xuất khẩu.
Bình Phước hiện có trên 12.000 ha cây ăn trái, sản lượng gần 64.000 tấn/năm. Một số loại trái cây trong tỉnh có diện tích tập trung và chất lượng ngon, thuộc loại sản phẩm có khả năng thương mại hóa cao, như: bưởi, mít, sầu riêng, nhãn…
Vì vậy, sản xuất theo quy trình GlobalGAP, VietGAP sẽ giúp trái cây Bình Phước khẳng định được chất lượng, thương hiệu sản phẩm, dễ dàng chiếm lĩnh thị trường trong nước và quốc tế.
Việc Trung tâm Khoa học và Công nghệ tỉnh thực hiện thành công nhiệm vụ “Xây dựng mô hình trồng một số loài cây ăn trái và rau màu đạt tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP trên địa bàn các huyện biên giới: Bù Đốp, Lộc Ninh, Bù Gia Mập” đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng sâu, xa, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong cộng đồng, hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn tỉnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.