Bình Thuận: Chuyển đổi số trong ngành giáo dục nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và nâng cao chất lượng

Bùi Phụ - Ngọc Thanh Thứ năm, ngày 12/09/2024 16:28 PM (GMT+7)
Ngày 12/9, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, công tác chuyển đổi số được lãnh đạo tỉnh Bình Thuận xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và quản lý, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động trong giáo dục.
Bình luận 0

Chuyển đổi số trong ngành giáo dục là công tác trọng tâm

Theo ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, nhận thức được tầm quan trọng này, thời gian qua, các cơ sở giáo dục tại Bình Thuận đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp chuyển đổi số, bảo đảm đồng bộ, toàn diện, kiên trì và có lộ trình hợp lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.

Hiện 100% các trường quản lý học sinh trên hồ sơ điện tử. Hồ sơ giáo viên bao gồm kế hoạch dạy học, sổ theo dõi đánh giá học sinh, kế hoạch giáo dục… đều đã được quản lý trên môi trường mạng.

Bình Thuận: Chuyển đổi số trong ngành giáo dục nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Ảnh: NVCC

Cũng theo ông Nguyễn Minh, nhiều cuộc thi về chuyển đổi số được các cơ quan và ngành giáo dục triển khai cụ thể như: Cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu về chuyển đổi số" trên địa bàn tỉnh Bình Thuận năm 2024; Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh nhằm tiếp tục thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, giáo dục STEM trong các trường trung học, góp phần phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục; Hướng học sinh nghiên cứu khoa học nhằm phát triển năng lực đáp ứng chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Đồng thời, khuyến khích học sinh trung học tham gia nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn đời sống; tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học; tăng cường trao đổi giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế. Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng ở Bình Thuận với nhiều mô hình, sản phẩm dự thi khá đa dạng và phong phú về ý tưởng.

Đặc biệt là những mô hình, sản phẩm ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào cuộc sống, qua đó thể hiện được tính mới, tính sáng tạo, khả năng áp dụng, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, nhất là khả năng giải quyết được các yêu cầu trong thực tiễn cuộc sống.... Hội thi Tin học trẻ tỉnh Bình Thuận đã tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để các thí sinh thể hiện tài năng, đồng thời góp phần khuyến khích thanh thiếu nhi nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập.

Bình Thuận: Chuyển đổi số trong ngành giáo dục nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập - Ảnh 2.

Chuyển đổi số trong ngành giáo dục ở Bình Thuận, đáp ứng những yêu cầu trong thực tiễn cuộc sống... Ảnh: SGD

Trước đó, ngày 4/5/2022, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Kế hoạch số 1282/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Thông qua Kế hoạch 1282/KH-UBND, Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan trong thời gian qua đã triển khai tốt các nội dung, nhiệm vụ về chuyển đổi số.

Thứ nhất, khai thác, sử dụng hiệu quả các nền tảng số đã triển khai sử dụng, từng bước hình thành, phát triển hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và đào tạo tương thích, kết nối với cơ sở dữ liệu chuyên ngành của tỉnh, cơ sở dữ liệu Quốc gia.

Thứ hai, phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học trực tuyến, ứng dụng tối đa công nghệ số trong quản lý, giảng dạy, học tập, kiểm tra, đánh giá; số hóa tài liệu, giáo trình, phát triển giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến; tận dụng nền tảng số để gia tăng khả năng tiếp cận giáo dục cho người học, nhất là người dân ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và người khuyết tật.

Thứ ba, xây dựng, sử dụng các nền tảng số phục vụ công tác quản lý theo hướng quản trị giáo dục và đào tạo thông minh trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó quan tâm nội dung thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu của ngành giáo dục và đào tạo và hỗ trợ ra quyết định dựa trên các nền tảng số.

Thứ tư, huy động nhiều nguồn lực tập trung đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác dạy và học phù hợp với xu thế phát triển khoa học và công nghệ. Tạo điều kiện và hình thành thói quen cho học sinh từ cấp trung học cơ sở trở lên có thể dễ dàng tiếp cận, khai thác các nền tảng số phục vụ trong học tập, đời sống xã hội.

Chuyển đổi số ở huyện miền núi

Một trường nằm ở huyện miền núi của tỉnh Bình Thuận được các cơ quan chức năng đánh giá thực hiện tốt việc chuyển đổi số là Trường THPT Tánh Linh (Bình Thuận).

Thầy Phạm Ngọc Trí, Hiệu trưởng Trường THPT Tánh Linh cho biết, sau khi nhận được chỉ đạo của Sở GDĐT, tỉnh Bình Thuận, nhà trường đã tổ chức thực hiện nghiêm sự chỉ đạo và ứng dụng Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và thống kê giáo dục năm học 2024 – 2025.

"Tôi là hiệu trưởng nên chịu trách nhiệm chung về công tác quản lý tổ chức, điều hành hoạt động về thực hiện nhiệm vụ CNTT của nhà trường. Bên cạnh đó phụ trách chính về điều hành hoạt động CNTT và việc lưu trữ hồ sơ bộ của bộ phận tổ chức đoàn thể…

Thầy Hoàng Thành Trung, Phó hiệu trưởng phụ trách triển khai nhiệm vụ CNTT của nhà trường và điều hành tổ Tin học, dạy học trực tuyến… Bên cạnh đó là lưu trữ hồ sơ các tổ chuyên môn, giáo viên trên dịch vụ VNPT, phần mềm chấm trắc nghiệm, phụ trách điều hành hoạt động CNTT về khảo thí…

Thầy Thái Như Hậu phụ trách điều hành hoạt động CNTT và việc lưu trữ hồ sơ bộ phận tổ hoạt động trải nghiệm, giáo dục địa phương, các kế hoạch, báo cáo, tư liệu, hình ảnh hoạt động ngoài giờ lên lớp, Hội phụ huynh, kế hoạch chiến lược trên dịch vụ VNPT và phụ trách quản lý các trang thông tin điện tử của nhà trường, phần mềm bồi dưỡng giáo viên phổ thông, phần mềm TEMIS về đánh giá chuẩn giáo viên…", thầy Phạm Ngọc Trí thông tin.

Bình Thuận: Chuyển đổi số trong ngành giáo dục nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập - Ảnh 3.

Ban tổ chức cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ 17 tỉnh Bình Thuận trao giải nhất cho các em học sinh trường Trường THPT Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Ngọc Hân

Mới đây nhất vào cuối tháng 8 vừa qua, Ban tố chức cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng lần thứ 17 tỉnh Bình Thuận đã trao giải Nhất cho mô hình "Hệ thống giao tiếp đa chức năng và cảnh báo đối tượng lạ cho người khuyết tật với công nghệ trí tuệ nhân tạo" của nhóm học sinh gồm các em Phan Phước Quốc Thiện, Trần Thị Thùy Trang, Giáp Hà Yến Quỳnh của Trường THPT Tánh Linh, huyện Tánh Linh.

Bình Thuận: Chuyển đổi số trong ngành giáo dục nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập - Ảnh 4.

Cô giáo và các em học sinh trong giờ học có ứng dụng công nghệ thông tin ở Trường THPT Lý Thường Kiệt, thị xã La Gi. tỉnh Bình Thuận. Ảnh: SGD

Nhiều cái lợi trong chuyển đổi số

Lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Bình Thuận cho biết, đang sử dụng hệ thống quản lý trường học về cơ sở dữ liệu ngành giáo dục do Bộ GDĐT quản lý điều hành.

Chương trình này được triển khai đến tất cả các trường học từ bậc mầm non, cấp phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Theo Sở GDĐT tỉnh Bình Thuận, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cũng như học sinh ở các bậc học trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã có sự cố gắng, phấn đấu và phát huy của tập thể giáo viên, học sinh các nhà trường, cũng như sự đồng hành của cha mẹ học sinh và chính quyền địa phương trong quá trình chuyển đổi số của ngành giáo dục.

Bình Thuận: Chuyển đổi số trong ngành giáo dục nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập - Ảnh 5.

Các em học sinh THPT trong giờ học có ứng dụng công nghệ thông tin ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh: SGD

Tất cả đều hiểu rõ, sự nâng cao nhận thức sự cần thiết của việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học, sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường để chung tay đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường là rất cần thiết.

Sở GDĐT tỉnh Bình Thuận cho biết, trong thời gian tới tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục khai thác, sử dụng hiệu quả các nền tảng số, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đã và đang triển khai phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ hoạt động trong quản lý và dạy học.

Triển khai hệ thống quản lý trường học, xác thực thông tin giáo viên và học sinh, cho phép giáo viên đăng nhập bằng tài khoản VneID (SSO); quản lý điểm, lịch học…

Bên cạnh đó, Sở GDĐT tỉnh Bình Thuận triển khai ứng dụng "Phần mềm quản lý văn bản và điều hành của tỉnh" đến 28 trường THPT trực thuộc Sở và 10 phòng GDĐT của các huyện, thị, thành phố.

Chuyển đổi số trong dạy và học và kiểm tra

Sở GDĐT tỉnh Bình Thuận cũng đang sử dụng phần mềm TEMIS của Bộ GDĐT để đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên theo năm học. Phần mềm này liên thông với phần mềm bồi dưỡng thường xuyên, tập huấn mô đun của giáo viên.

Sau mỗi đợt tập huấn, giáo viên làm các bài khảo sát. Từ kết quả khảo sát của giáo viên, các cơ quan quản lý có thể ra quyết định lựa chọn nội dung bồi dưỡng thường xuyên năm tiếp theo.

Cũng theo Sở GDĐT tỉnh Bình Thuận, trong thời gian qua, 100% cơ sở giáo dục đã tập trung chuyển đổi số trong dạy, học và kiểm tra, đánh giá là số hóa học liệu (sách giáo khoa điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng e-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến…

Bên cạnh đó là chuyển đổi toàn bộ cách thức, phương pháp giảng dạy, kỹ thuật quản lý lớp học, tương tác với người học sang không gian số, khai thác công nghệ thông tin để tổ chức giảng dạy thành công.

Theo ông Lương Văn Hà, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Bình Thuận, để đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong dạy học, tại các buổi sinh hoạt chuyên môn của các bộ môn.

Bình Thuận: Chuyển đổi số trong ngành giáo dục nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập - Ảnh 6.

Các em học sinh THPT trong giờ học có ứng dụng công nghệ thông tin ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh: SGD

Qua đó, Sở thường xuyên tập huấn giáo viên cốt cán nhằm thay đổi tư duy cũ, làm mới phương pháp dạy học, được giáo viên cốt cán hưởng ứng và liên tục triển khai trong các giờ lên lớp.

"Việc dạy học trực tuyến là môi trường thuận lợi để giáo viên có thể ứng dụng những công cụ công nghệ thông tin, công nghệ số mới nhằm sinh động hóa tiết dạy. Ví dụ như những phần mềm "thực tế ảo" đã và đang phát huy hiệu quả trong dạy học trực tuyến. Công cụ mới trong kiểm tra đánh giá cũng đã phát huy tính tích cực trong hoạt động dạy và học...", ông Lương Văn Hà chia sẻ.

Sở GDĐT tỉnh Bình Thuận cũng đã tuyên truyền, hướng dẫn công chức, viên chức, người lao động, học viên và học sinh sử dụng ứng dụng VneID, tham gia cuộc thi tìm hiểu pháp luật về căn cước, định danh và xác thực điện tử của Việt Nam.

Bình Thuận: Chuyển đổi số trong ngành giáo dục nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập - Ảnh 7.

Các em học sinh trong giờ học công nghệ thông tin ở tỉnh Bình Thuận. Ảnh: SGD

Trong năm 2024, Sở GDĐT đã cử 5 công chức và 28 viên chức đã hoàn thành khóa học MOOCS do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức; 4 công chức tham gia khóa học nâng cao nhận thức về Đề án 06 do Bộ Công an tổ chức; 3 công chức tham gia cao nhận thức về Đề án 06 do Bộ Nội vụ tổ chức.

NovaGroup và DEG Impulse tổng kết dự án "Giảng dạy miễn phí tiếng Anh và Tin học chuẩn quốc tế cho học sinh khó khăn"

Trong 2 ngày 12 và 13/9, NovaGroup và DEG đã tổ chức tổng kết dự án giáo dục và trao hàng ngàn học bổng, phần quà trung thu cho các em học sinh tiểu học xã Tiến Thành, TP.Phan Thiết (Bình Thuận).

Với mong muốn chia sẻ các điểm trường còn nhiều khó khăn, từ tháng 9/2022, Tập đoàn NovaGroup phối hợp DEG Impulse – một công ty thành viên của Quỹ đầu tư thuộc Ngân hàng tái thiết Đức (KfW) (gọi tắt là DEG) công bố, giới thiệu dự án "Giảng dạy miễn phí Tiếng Anh và Tin học cho học sinh các trường tiểu học tại tỉnh Đồng Tháp và Bình Thuận".

Hai năm học qua, với số tiền tài trợ cho dự án gần 400.000 Euro (gần 10 tỷ đồng), hơn 7.000 tiết học Tiếng Anh & Tin học miễn phí đã được triển khai cho gần 1.000 học sinh tại Trường Tiểu học Tiến Thành 1, Trường Tiểu học Tiến Thành 2 (xã Tiến Thành, TP.Phan Thiết, Bình Thuận) và Trường Tiểu học Long Khánh A3 (huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp). Theo dự kiến, lễ tổng kết sẽ diễn ra vào 17/9 sắp tới tại Đồng Tháp.

Sự đào tạo, giảng dạy của Nova Education, dự án không chỉ đem đến cách học Tiếng Anh theo tiêu chuẩn quốc tế Cambridge YLE và Tin học theo chuẩn bài thi IC3 Spark quốc tế cho các em học sinh mà còn góp phần giúp đội ngũ giáo viên địa phương được nâng cao năng lực giảng dạy, tiếp cận phương pháp giảng dạy chuẩn quốc tế.

Ngoài ra, với sự tài trợ của NovaGroup và DEG, không chỉ cải tạo, nâng cấp, sửa chữa các phòng học, Nova Education còn góp phần xây dựng, lắp đặt cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập như máy chiếu, âm thanh, máy vi tính, dụng cụ dạy học riêng nhằm phục vụ công tác giảng dạy.

Với môn Tiếng Anh, khi đánh giá năng lực học sinh theo bộ đề thi Cambridge Quốc tế - Starters, trên 90% học sinh được chọn ngẫu nhiên để đánh giá đã vượt qua kỳ thi và đạt điểm theo mục tiêu của dự án.

Tại buổi lễ, cô Nguyễn Thị Thu Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tiến Thành 1, TP.Phan Thiết cho biết, sau hai năm học tập, các em học sinh đã được tiếp cận với phương tiện học tập tiên tiến.

Dự án đã giúp các em học sinh hình thành và phát triển tốt các kỹ năng cơ bản bằng Tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày cũng như sớm tiếp cận với khoa học công nghệ thông tin. Dù chỉ hai năm học tập, nhưng nhiều học sinh rất thích thú tự tin sử dụng và phát triển khả năng Tiếng Anh và Tin học của mình trong học tập cũng như sinh hoạt hàng ngày...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem