Bình Thuận đề nghị không được sử dụng khoáng sản khai thác trái phép để thi công cao tốc
Bình Thuận: Đề nghị nhà thầu không được sử dụng khoáng sản khai thác trái phép để thi công cao tốc Bắc - Nam
Bùi Phụ
Thứ sáu, ngày 25/03/2022 14:19 PM (GMT+7)
Ngày 25/3, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cùng đoàn công tác đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận liên quan đến việc giải phóng mặt bằng và cung cấp vật liệu cho dự án cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 7( Bộ GTVT), tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có tổng chiều dài 160,3 km, gồm 3 dự án thành phần: Đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây.
Hiện tại đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cần khoảng 9,2 triệu m3 đất đắp nền phục vụ thi công. Tính đến tháng 3/2022, số lượng đất đắp nền phục vụ thi công còn thiếu khoảng 2,4 triệu m3. Do đó, Ban Quản lý dự án 7 đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận và Trung ương sớm cấp phép bổ sung mỏ vật liệu xây dựng để phục vụ thi công cao tốc…
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận, Chính phủ ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án cao tốc Bắc - Nam đã tháo gỡ, giảm bớt thủ tục nâng công suất khai thác các mỏ vật liệu và thủ tục đấu giá quyền khai thác mỏ. Đối với đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, hiện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đang tiếp tục hoàn tất thủ tục cấp phép đối với các mỏ được đề xuất.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Bình Thuận cũng đề nghị Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án 7 tiếp tục yêu cầu các nhà đầu tư phải phối hợp chặt chẽ với địa phương, xác định nhu cầu khai thác chính xác. Đồng thời đề nghị chỉ đạo nhà thầu không được tiêu thụ, sử dụng khoáng sản khai thác trái phép để thi công công trình.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho rằng việc giải phóng mặt bằng hiện nay đã hoàn thành, các đơn vị cần tập trung giải quyết vấn đề liên quan công trình công cộng như di dời đường điện cao thế, thúc đẩy giải ngân nguồn vốn giải phóng mặt bằng… Vấn đề này hiện không ảnh hưởng đến thi công nhưng là một công đoạn phải hoàn thành sớm trong thực hiện dự án.
Theo ông Nguyễn Ngọc Đông, đối với nhu cầu về khối lượng vật liệu đất đắp phục vụ thi công cao tốc, các đơn vị khẩn trương phối hợp giải quyết các vướng mắc liên quan; ưu tiên xử lý cấp phép các mỏ có khối lượng lớn để phục vụ thi công cao tốc, đảm bảo triển khai đúng tiến độ. Đối với các vướng mắc phát sinh, các đơn vị cần phải báo cáo ngay để xin ý kiến cấp thẩm quyền để có hướng xử lý sớm nhất.
Yêu cầu thay nhà thầu chậm tiến độ cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết
Trước đó, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cùng đoàn công tác của Bộ GTVT đã đi kiểm việc thi công cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết qua Bình Thuận.
Tại công trường cao tốc Vĩnh Hảo- Phan Thiết, ông Nguyễn Ngọc Đông đã ghi nhận những nỗ lực của nhà thầu, Ban QLDA 7 đã có nhiều nỗ lực thi công, tăng ca kíp từng bước khắc phục các khó khăn, bám các mốc tiến độ theo cam kết. Tuy nhiên, về tiến độ tổng thể các gói thầu đều bị chậm, một trong những nguyên nhân chính là sắp xếp bộ máy thi công chưa hợp lý. Huy động thiết bị máy móc, nhân sự trên công trường chưa đồng bộ dẫn đến tiếp tục các gói thầu bị trượt tiến độ.
Ông Nguyễn NgọcĐông lưu ý, thời gian thi công còn lại rất ít, không còn đường lùi trong bối cảnh giá cả vật liệu rất khó kiểm soát, phải hoàn thành xong cuối năm 2022. Tuy nhiên, một số lãnh đạo nhà thầu chưa quan tâm đúng mức tầm quan trọng của dự án.
Tại buổi làm việc chiều 24/3, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu Ban QLDA7 xem xét thay thế nhà thầu thi công để cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết chậm tiến độ.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, Ban QLDA 7 phải chịu trách nhiệm trong việc xem xét các nhà thầu phụ, phải thay thế nếu thấy yếu kém. Bộ GTVT chỉ chấp nhận các báo cáo tiến độ dự án mà nhà thầu chính nêu lên. Nếu các nhà thầu vi phạm sẽ cấm tham gia thực hiện dự án trong 3 năm tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.