Quà biển…
Mùa ốc kéo dài đến hết tháng 8 âm lịch. Chờ lúc con nước rọt, bờ biển Phước Thể lộ ra bãi rạng dài hơn cây số cũng là lúc mọi người gọi nhau ơi ới ra biển bắt ốc.
Xách xô ốc, chị Nguyễn Thị Thủy, 45 tuổi, ở xã Phước Thể (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) nói: “Ốc bám trên đá, di chuyển chậm chạp, nhưng sinh sản rất nhanh nên chỉ sau một đêm triều lên là chúng xuất hiện ở khắp nơi, tha hồ bắt”.
Chị Thủy cho biết, trừ những ngày đi làm, khi rảnh rỗi, chị tranh thủ xách xô ra biển bắt ốc đem về ăn, có lúc làm quà cho bà con ở xa. “Số ốc này ngày mai tui gửi xe vô cho mấy đứa cháu ở Sài Gòn, tụi nó mê thứ này lắm” - Chị Thủy cười, chỉ xô ốc.
Khác với những sản vật biển khác đang dần khan hiếm hay cạn kiệt, ốc biển vẫn khá dồi dào, thậm chí sinh sôi nảy nở khắp bãi rạn biển. Vô số các loại ốc với đủ kích cỡ, màu sắc, hình dạng khác nhau, được đặt nhiều tên riêng rất lạ lẫm, theo cách gọi của người dân, như: ốc quắn, ốc gai, ốc mặt trăng, ốc ngựa…
Ngoài ra, còn có khá nhiều chem chép, tôm, đồn đột, cua, cá…Từ khoảng trưa đến xế chiều, ốc nổi lên trên đá san hô, người đi bắt chỉ việc nhặt bỏ vào thùng, cũng có khi phải mò vào các khe đá để bắt. Loài sinh vật biển này to nhỏ đủ kích cỡ, vỏ láng hoặc xù xì, óng ánh sắc màu; có con màu ruốc, con lấm chấm màu gạch, con rằn ri xám tro, con đen tựa hòn than...
Trong vô số loài ốc biển, thì ốc quắn chỉ to bằng mút đũa, nhưng người ta ưa nhất vì thịt chắc, béo và thơm. Ngày nào, bãi rạn cũng đông người. Ai đến đây đều tự nhiên chọn món quà biển mà mình thích.
Các bà, các ông thì lom khom đào bắt những con chem chép, còn số nam nữ thanh niên, đám trẻ con thì thích thú tìm bắt những con ốc đen trụi hay mấy chú tôm tích, cua, cá…đang kẹt lại trong các hốc đá khi nước triều xuống nhanh.
Tay lật dỡ từng hòn đá cuội, lôi ra những con ốc nhỏ bỏ vào bịch, Dương Văn Hà ở Phước Thể cười: “Tụi cháu thích ra biển bắt ốc vui lắm, lại có ăn nữa. Con ốc quắn này béo nục, thèm ghê…”. Nhìn trong cái bịch của Hà mang theo, ngoài ốc, có cả cua và những chú tôm tích đen bóng búng tanh tách.
Lão ngư Trần Văn Hiếu, 77 tuổi ở Phước Thể cho biết từ lúc còn nhỏ, ông đã theo cha mẹ mình ra bãi rạn này bắt ốc, cua về làm thức ăn. Lạ lắm, từ xa xưa đến nay, bãi rạn này vẫn luôn có nhiều sản vật, bắt bao nhiêu cũng được, cứ như của trời ban không bao giờ cạn.
Theo cụ Hiếu, do thủy triều lên xuống liên tục, mùa nam cạn vào buổi chiều, mùa bấc cạn vào buổi sáng. Khu vực biển ít có sự tác động của con người, ít tàu thuyền neo đậu. Không chỉ thế, nước biển ở đây sạch, vì thế mà các sản vật như: cua, ốc, chem chép, tôm… ngon nức tiếng.
Dọc theo bờ kè Phước Thể dễ dàng bắt gặp người dân mang “quà biển” trở về. Ai bắt ít cũng được rổ, bịch, người bắt nhiều thì xô, thùng... Mặc dù giá trị không cao nhưng với số lượng nhiều lại dễ dàng săn bắt, ốc biển và các sản vật khác được cho là niềm vui, sinh kế của nhiều người kéo dài suốt mấy tháng theo con nước của biển.
Với họ, tất cả những gì biển mang đến đều là quà tặng của trời đất, thiên nhiên, xứ sở nên đều được đón nhận một cách trân trọng.
Đậm đà… món ốc
Thời điểm này, Tuy Phong đang vào mùa ốc biển. Ốc được bán khắp nơi, nhưng ngon nhất vẫn là ốc bắt được ở vùng biển Phước Thể. Ốc trở thành món ăn vặt hấp dẫn của nhiều người.
Các bà, các chị quê biển bảo, hồi xưa, ốc quắn… là món ăn dân dã ở quê. Người ta chỉ cần trụng nước sôi lên là có thể dùng ngon lành. Bây giờ, ốc quắn trở thành một món ăn khá sành điệu ở phố. Vì thế, trong cách chế biến ốc lại có thêm gia vị như: ớt, tiêu, sả...
Ốc từ biển khi bắt lên chỉ bán với giá vài ngàn đồng một lạng, nhưng khi lên phố, giá mỗi lạng ốc đã lên đến mươi, mười lăm ngàn đồng.
Mùa ốc ở xứ biển đã tạo nên sự hấp dẫn, không chỉ với người vùng biển mà còn với người ở xa đến thăm Phước Thể vào thời gian này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.